Đà Nẵng cuối tuần

Làm quen với các dịch vụ ở trường đại học

07:56, 30/10/2016 (GMT+7)

Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của nhà trường về “giải đáp 100 thắc mắc của sinh viên (SV)” để giải thích những nội dung mà SV thường hỏi. Nếu tân SV nào đọc và ghi nhớ những hướng dẫn xử lý các tình huống thì sẽ tránh được rất nhiều những sai sót đáng tiếc.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) làm việc bán thời gian trong Trung tâm hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) làm việc bán thời gian trong Trung tâm hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp

Đăng ký trực tuyến

Trong đợt tuyển sinh ĐH vừa qua, nhiều trường áp dụng cả hình thức nhận hồ sơ trực tiếp, nhưng riêng ĐH Đà Nẵng vẫn “kiên định” chỉ tiếp nhận hồ sơ gửi qua đường bưu điện và đăng ký trực tuyến; dù cho ở ngày đầu tiên của đợt tuyển sinh, có một lượng lớn thí sinh vẫn trực tiếp đem hồ sơ đến tại ĐH Đà Nẵng để nộp, ĐH Đà Nẵng vẫn đặt một số máy vi tính nối mạng Internet tại phòng tư vấn tuyển sinh để thí sinh tập làm quen với việc đăng ký trực tuyến.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Việc thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến được xem là “bước đệm” giúp các em thích ứng với phương thức đào tạo theo hình thức tín chỉ ở các trường ĐH, cao đẳng khi SV được giao quyền tự chủ từ tự xây dựng thời khóa biểu, tự học…”.

Để tân SV tập làm quen với việc đăng ký thời khóa biểu trực tuyến, ngoài kết nối với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone nhắn tin đến những thí sinh trúng tuyển thông báo thời gian làm thủ tục nhập học, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) còn viết ứng dụng tư vấn tuyển sinh, thí sinh nào có điện thoại thông minh, chỉ cần vào ứng dụng CH Play để tải về là thí sinh được cập nhật thường xuyên những thông tin mới liên quan đến tuyển sinh, nhập học… Ông Bùi Trung Hiệp, Phó phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Trong các tin nhắn hướng dẫn thủ tục nhập học, nhà trường đều khuyến khích thí sinh trúng tuyển lấy số thứ tự nhập học bằng cách đăng ký trực tuyến trước khi trực tiếp đến trường làm thủ tục nhập học.

Đây là những hỗ trợ để thuận tiện hơn trong tiếp đón, giảm bớt thời gian chờ đợi của thí sinh. Thí sinh chỉ cần dùng số báo danh, gồm cả phần chữ và phần số để làm mã truy cập; dùng số chứng minh nhân dân của mình để làm mật khẩu.

Sau khi đăng nhập thành công, tân SV đăng ký hai mục: đăng ký chuyên ngành đào tạo và đăng ký số thứ tự nhập học trực tuyến”. Trong suốt 4 – 5 năm học tại ĐH, năm nào các SV cũng phải tự đăng ký trực tuyến thời khóa biểu, cập nhật các thông báo của lớp học phần, lớp sinh hoạt trên trang thông tin điện tử của trường, làm bài thi qua hệ thống E - Learning…

Trong hệ thống 100 thắc mắc mà SV hay hỏi được Phòng Đào tạo đăng tải, có nội dung rất ngắn gọn mà SV cần lưu ý: “SV cần phải xem thông tin chính thống do trường ban hành ở các tài liệu do trường phát hành, tại trang thông tin điện tử của trường. Thông tin ở trang thông tin điện tử có tính cập nhật hơn. Nếu sử dụng thông tin truyền miệng thì có thể sẽ phải chịu những hậu quả đáng tiếc do thông tin đó không chính xác”.

Chủ động và tự chịu trách nhiệm

Một cán bộ phụ trách công tác đào tạo của một trường cao đẳng nhận xét: Vẫn còn tình trạng SV không tự chủ động tự xây dựng thời khóa biểu cho mình mà phó mặc việc đăng ký môn học nhờ bạn bè làm giúp; lợi dụng chính sách không điểm danh và cấm thi để đi làm thêm kiếm tiền và lơ là việc học. Một bộ phận SV đã đăng ký học quá nhiều tín chỉ trong một học kỳ, nhưng kết quả rất thấp, chứng tỏ một kiểu học đối phó để nhanh chóng kết thúc chương trình, vô hình trung hạ thấp mục tiêu tích lũy kiến thức nghề nghiệp và phát triển năng lực. Khối lượng bài tập giao về nhà thường chỉ có một tỉ lệ thấp SV tự lực hoàn thành, số đông là sao chép chỉnh sửa.

Có lẽ vì vậy mà gần như học kỳ nào, các trường ĐH cũng có thông báo danh sách SV bị buộc thôi học hoặc bị cảnh báo kết quả học tập. Những SV bị buộc thôi học sau khi đã được tạo điều kiện cải thiện điểm đều rơi vào tình trạng bỏ học, bỏ thi, không đăng ký học phần mới hoặc không có phương pháp học tập thích hợp.

Tham gia các CLB năng khiếu hoặc kỹ năng, CLB nghề nghiệp, học thuật… cũng là một kênh để SV hòa nhập nhanh với môi trường ĐH và tích lũy các kỹ năng cần thiết.

Trường ĐH Kinh tế còn tạo điều kiện cho những SV có nhu cầu việc làm bán thời gian tại các dự án phục vụ như photocopy, căng-tin, sân bóng… tại trường. PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Ngoài tạo công ăn việc làm cho SV để các em có thêm sự lựa chọn trong việc làm thêm, giúp SV có thêm thu nhập, trang trải chi phí trong quá trình học tập, SV còn có cơ hội thực hành những bài giảng, từ khai thác thị trường, thái độ phục vụ, xa hơn nữa là chiến lược kinh doanh, kỹ năng điều hành, tổ chức, quản lý ngay trong quá trình học. Kỹ năng mềm của SV cũng được hình thành từ những cọ xát thực tế như thế này”.

HÀ TRẦN

.