Đà Nẵng cuối tuần
Mùa lũ
Miền Trung, mỗi độ thu về thì những cơn mưa ngút ngàn kéo nhau đổ ập xuống. Chẳng nồng nàn thơm hương hoa sữa, chẳng là cái nắng hanh hao dịu ngọt như thu miền Bắc. Mùa thu ở đây là những cánh đồng trắng xóa, đục ngầu nước lụt, đục như ánh mắt mỏi mòn của bao người dân quê tôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Mùa đến, lũ réo rắt quanh nhà. Lũ sục sôi khắp ngõ. Chẳng còn dịu dàng như thu vốn dĩ, chẳng báo trước điều gì. Cả làng gồng mình chống đỡ, đón những dòng nước cuồn cuộn, những cơn gió rít tốc mái nhà. Kèo cột cũng oằn mình, kêu răng rắc. Có khi chỉ một đêm thôi, lũ đã cuốn trôi tất cả, không kịp trở mình. Có khi, lũ còn mang đến tang thương cho bao nhiêu mảnh đời...
Lũ tràn lên khắp xóm làng, băng qua những thửa ruộng chưa kịp gặt về nhà. Nước xô lúa mà đi, lúa ngập mình trong nước, tả tơi. Mưa gió ầm ì, nước nổi lên lang láng. Mấy chị em tôi giúp bố mẹ khuân vác đồ đạc lên gác xép nhỏ. Và cho dù thế nào thì mẹ vẫn luôn dặn chúng tôi rằng phải bọc sách vở trong túi ni-lông kỹ nhất, áo quần ướt rồi sẽ khô, nhưng sách vở ướt là không dùng được nữa đâu con ạ. Mẹ bao giờ cũng vậy, cho dù nghèo đến mấy cũng đặt việc học hành của chúng tôi lên hàng đầu. Sau khi đã thu dọn đồ đạc xong, cả nhà ngồi xúm lại trên cái gác nhỏ, nhìn dòng nước đang dâng lên. Thỉnh thoảng nghịch ngợm, chúng tôi lại khua chân xuống nước và tưởng tượng đang chèo thuyền trên sông.
Mùa mưa năm nào mẹ tôi cũng chuẩn bị mấy hũ vừng lạc để ăn dần. Tôi thích nhất là cảm giác cả nhà ngồi quây quần bên cái mâm, mà trên đó chỉ có nồi cơm nóng hổi được nấu từ những thanh củi ướt đẫm, khói bay mù mịt, phải khó khăn lắm mới nấu chín được, và một bát nhỏ đựng vừng. Chỉ có vậy thôi mà mấy chị em chúng tôi ăn đến hạt cuối cùng. Cho đến tận bây giờ, khi cuộc sống đã có phần đủ đầy, thì đối với tôi, không có bữa cơm nào ngon như bữa cơm những ngày lụt. Có lẽ, vì dẫu rằng ngoài kia bão giông lạnh lẽo, nhưng trong căn nhà nhỏ bé đơn sơ này, nồi cơm nóng và tình cảm gia đình thân thương đã đủ sưởi ấm tất cả mọi người.
Thường thì những ngày sau trận mưa xối xả, nắng có phần chói chang hơn và trong vườn nhà, cây cối đều ngã rạp xuống, những ổi, khế, na, bòng bưởi... rụng tả tơi dưới đám đất bùn. Mấy chị em thi nhau đi nhặt những quả chín để ăn. Thảng hoặc, có bầy kiến con lần tìm lối mòn cũ, nháo nhác tìm nhau. Rồi nhà nào cũng tranh thủ đếm lại đàn gà vịt xem lũ có cuốn trôi hay không. Mẹ tôi hối hả ra đồng, lúc này nước đã rút đi một phần, trồi lên những bờ cỏ nhấp nhô. Mẹ cố mót một ít niềm vui trên những bông lúa còn sót lại. Cánh đồng trở nên rộng rãi, đặc quánh, ẩn ức những nỗi niềm. Cha trũng sâu cuống mắt, ném ánh nhìn về phía xa xa. Bông lúa chưa kịp chín rồi đi theo dòng nước, bỏ lại gốc rạ chơ vơ giữa trời, cô đơn và im vắng...
Mùa đi tháng đến, có khi không hẹn cũng lên, người dân đã quen với lũ lụt, với những mất mát, đau thương, như là lẽ thường nhiên trong cuộc sống. Có lẽ tạo hóa đã không mang đến cho miền đất thấp này những ưu ái, nhưng không vì thế mà lòng người dễ dàng chùn bước và khuất phục. Bao nhiêu năm qua, miền Trung quê tôi vẫn luôn kiên cường, hiên ngang, vững lòng qua cơn bão tố. Vẫn luôn động viên nhau chớ than phận khó, “còn da lông mọc còn chồi nảy cây”.
Và, có những sáng mai thức dậy sau đêm mưa dài, tiếng chim vẫn lanh lảnh hót ríu ran. Thoảng trong gió thu, mùi hương cau ngan ngát, mùi khoai nướng, ngô rang theo làn khói bay lên theo mái nhà... Mới hay, sau những cơn vần vũ của thiên nhiên, làng quê bao đời vẫn bình yên đến lạ. Cây vẫn cứ đâm chồi nảy lộc và hoa vẫn nở sau vườn nhà an nhiên.
CHÂU AN