.
Nghĩ

Lấp lửng như công bố thực phẩm bẩn

.

Nước mắm có hằng hà sa số loại, nhưng cụ thể loại nào, nhãn nào, thương hiệu nào, chỗ nào có nước mắm nhiễm “độc” thì không ai nói, chỉ nghe xôn xao nước mắm chứa chất này, chất nọ gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng; thế nên cứ là nước mắm thì mang tiếng oan suốt mấy ngày qua. Món ăn Việt thiếu nước mắm thì không ra “chất”, bữa cơm người Việt kiểu gì vẫn không thể thiếu nước mắm. Vậy nên, bị “hù” cỡ nào, người người vẫn sử dụng nước mắm, có điều ăn không sướng lắm.

Không biết các nhà kiểm tra, thanh tra vì “cái tình” với doanh nghiệp, sợ doanh nghiệp bị tổn hại danh tiếng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh, hay vì kết quả chưa chặt chẽ về mặt căn cứ khoa học, sợ bị kiện ngược, nên chỉ mới công bố… một nửa kết quả. Nói là có nhiều loại “nước mắm nhưng không phải nước mắm”, nước mắm có chất vượt ngưỡng cho phép, nhưng nước mắm nào “bậy”, nước mắm nào “thật” thì chưa nói liền.

Chưa biết các doanh nghiệp “tào lao” bị gì sau kết quả kiểm nghiệm nước mắm, nhưng rõ ràng hiệu ứng của việc công bố nửa vời này là doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị tiếng oan khi người tiêu dùng ở trong giai đoạn kiềm chế sử dụng nước mắm. Chưa kể, những khuyến cáo không tới đâu khiến người tiêu dùng dễ bị “miễn nhiễm” đến mức phớt lờ khuyến cáo.

Thật ra, chẳng có gì bất ngờ với cách công bố kết quả kiểm nghiệm kiểu này. Trước nước mắm, đã có biết bao loại thực phẩm được lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra, thanh tra rầm rộ, nhưng loại nào, hộ kinh doanh nào, doanh nghiệp nào, nhà sản xuất nào bị bêu tên thì lu lấp ở đâu đâu. Chẳng hạn với rau củ quả, những thực phẩm thiết yếu của mỗi nhà luôn bị gánh nỗi lo “hàng Tàu” và nỗi sợ vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc nhiễm chất cấm để làm đẹp, làm tươi. Mỗi năm, các cơ quan chức năng đều lấy mẫu tại chợ đầu mối Hòa Cường để kiểm tra và cũng có công bố trái A., trái B. nhiễm chất cấm gì đó.

Thế nhưng, trái đó nằm ở quầy bà nào, tiểu thương đó mua hàng từ nguồn nào thì hoàn toàn không công bố. Ai quan tâm thì tự né trái A., trái B., dù có khi sự né tránh bị quá đáng. Còn ai không biết thì… mù tịt luôn, bởi trung bình mỗi đêm có đến hơn 300 tấn rau củ quả trái cây về chợ chứ đâu có ít, chưa kể dịp Tết, con số này là 1.000 tấn mỗi đêm. Nếu công bố tên tuổi rõ ràng, người bán sẽ không dám nhập hàng bậy bạ vì sợ bị người tiêu dùng tẩy chay và những tiểu thương khác cũng theo đó có thông tin nguồn hàng đó không bảo đảm chất lượng.

Năm vừa qua, trên địa bàn thành phố có một vụ ngộ độc thực phẩm với 9 người mắc. Nhưng cho đến nay, tất cả những điều mọi người biết về vụ này là 9 người này “nghi nhiễm sinh vật trong thức ăn tại một nhà hàng”. Báo cáo của cơ quan chức năng nêu vậy, và lật lại các báo thì mỗi nơi cũng tìm cách đưa tin một kiểu, nào là “nhà hàng X.”, “một nhà hàng”, “nghi án” ngộ độc tại nhà hàng..., còn nhà hàng nào thì không nói. Đơn giản vì cơ quan chức năng có vào cuộc, có kiểm tra nhưng không công bố chính thức thì báo chí không thể tự kết luận, dù tất cả du khách bị ngộ độc đều cùng nói với phóng viên là có biểu hiện khó chịu sau khi ăn ở nhà hàng đó.

Kiểm tra có vẻ đầy trách nhiệm, nhưng công bố thì lấp lửng không riêng với nước mắm, rau quả, ngộ độc…

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.