.
Nghĩ

Trúng số và đạo đức nhà báo

.

Tôi có muốn trúng số không? Rất, rất muốn. Hễ mỗi lần cần tiền, cái đầu tiên bật lên trong đầu tôi là: Ước gì trúng số! Tôi có muốn trúng 92 tỷ đồng không? Quá muốn! Nhưng tự nhiên sao nghĩ đến đây lại vừa thích vừa sợ sợ.

Chắc tại thấy nhãn tiền gia đình “nổi tiếng” ở Trà Vinh sau vụ trúng 92 tỷ đồng xổ số Vietlott (Công ty Xổ số điện toán Việt Nam). Giờ họ sống đâu có yên, bị săn lùng ráo riết đến mức không dám lộ diện. Nhà cửa, hàng quán ăn ở, sinh sống bao lâu nay cũng mặc kệ, bỏ đó, giữ yên cái thân trước đã.

Hậu trúng số chẳng khác nào khủng bố này một phần rất lớn nhờ “công” của những người làm cái nghề mà xã hội vốn đặt cho tên gọi đầy tôn trọng: Nhà báo!

Ban đầu, nghe có người trúng đến 92 tỷ đồng, thật sự đây là thông tin hơi sốc vì trước đó chưa ai ở Việt Nam trúng số đặc biệt to đến vậy. Nhưng sốc hơn là ngay sau đó, mặt mày, hình ảnh, nhân thân, lai lịch của chủ nhân tấm vé số này nhan nhản, đậm đặc và không thể cụ thể hơn trên báo.

Những người dân lam lũ ở miền tây sông nước, cả đời vất vả với quán hủ tiếu và sạp thịt heo giữa chợ, chưa từng có “cơ hội” được tiếp nhà báo, nên chắc họ cảm thấy có chút gì đó “hân hạnh” khi “được” nhà báo quan tâm tìm đến. Thế nên, trong những bức ảnh đầu tiên chuyển về từ những nhà báo “dấn thân” vượt đường sá xa xôi tìm gặp bằng được chủ nhân tấm vé số, gia đình chị này ai ai cũng cười tươi và nhìn thẳng vào ống kính để cho ra tấm ảnh coi được. “Nhờ” những nhà báo quá “hết lòng, hết sức” vì nghề, nên ai đó dù chưa từng biết gia đình trúng số này vẫn có thể hình dung rõ mồn một nhà họ ở đâu, tường, mái, cửa ngõ như thế nào, góc trái, góc phải, trực diện ngôi nhà trông ra sao. Rồi đến cái bàn bán thịt ngoài chợ trông nó thế nào, nằm ở góc nào của chợ, bên cạnh sạp bà nào.

Quán hủ tiếu cũng vậy, số mấy, đường nào, tên gì, kiểu dáng ra sao, không sót cái gì chưa được đưa lên báo. Thường thì để tìm được nhà người lạ, ngoài cách dùng bản đồ, người ta còn phải cần cái miệng để hỏi. Nhưng ở trường hợp này, với tất cả thông tin, hình ảnh quá rõ ràng, chi tiết từ các bài báo về người trúng số, mọi người đều dễ dàng theo đó đến chính xác nhà này mà không lăn tăn, nghi ngờ gì. Chưa hết, tên, tuổi, năm sinh, quê quán, vóc dáng, gương mặt của người trúng và của cả mẹ ruột, chị gái, con cái người này cũng được kê lên báo như thống kê gia phả. Kiểu này thì đúng là họ “trốn” đâu cho thoát! Thế nên, sau đó, khi công ty xổ số mời người trúng đến nhận thưởng và cho đeo mặt nạ để ẩn danh tính, hành động đúng đắn này lại trở nên thừa và hơi… vô duyên.

Ôm trong mình đống tiền và bị soi đến từng ngóc ngách, gia đình này chỉ còn cách bặt tăm “lánh nạn”. Đúng là người giàu cũng khóc. Cuộc sống đảo lộn vì tiền đến đột ngột và nổi tiếng hơn cồn. Không lẽ trốn hoài, nhưng giờ nếu xuất hiện trở lại, phiền nhẹ nhẹ mà nếu liên tục cũng thành phiền lớn là giờ ăn, giờ nghỉ cũng có người “đến thăm”. Nhất cử, nhất động trong nhà, ngoài ngõ đều có người dòm ngó. Bình thường thiếu năm, ba triệu, mượn không ai cho, nhưng giờ người lạ hoắc xin ít triệu, không chia sẻ lập tức bị mang tiếng keo kiệt cũng là thường.

Nhưng mấy cái đó cắn răng có khi chịu được, cái sợ nhất là giữa xã hội mà trộm cướp man rợ hơn bao giờ hết thì việc phơi bày người nào đó đang cầm trong tay hàng chục tỷ đồng, chẳng khác chỉ chỗ cho bọn chúng. Vì một cái xe máy, chiếc điện thoại, vài triệu đồng, chúng có thể đánh mất nhân tính, gây đau thương, tang tóc không nương tay…

Không phải ngẫu nhiên mà ngành báo chí là một trong số ít ngành có riêng môn học chính thức và bắt buộc: Đạo đức báo chí. Người làm báo dù không cầm súng nhưng vẫn được mệnh danh là “chiến sĩ”. Đó là ở góc độ thiêng liêng và tích cực; ngược lại, cây bút hay bàn phím dưới đôi bàn tay của nhà báo có thể trở thành thứ quyền năng đủ gây tổn thương, thậm chí tổn hại đến một hoặc nhiều con người. Sự dấn thân, hết lòng, hết sức trong nghề viết và sự quá đà gây tổn hại cho nhân vật, đôi khi rất mong manh và khó phân định, nhưng không có nghĩa nhà báo không thể không đủ tỉnh táo nhận ra, nếu họ thực tâm muốn nhìn nhận và đặt mình vào vị trí của người bị/được phản ánh.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.