Cách đây gần mười năm, ra Hà Nội dự ngày hội Đông y và sức khỏe cộng đồng, ghé mắt xem một số cây thuốc nam được ban tổ chức trưng bày trên sân khấu Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, bất ngờ bắt gặp một loài cây có mọc “cùng nơi chi xứ” ở quê mình, tôi mới biết đó là cây Đuôi chuột.
“Đuôi chuột thanh nhiệt, giảm đau/ Tiêu phù, giải độc, lỵ- ho- sốt dùng”. Ảnh: P.C.T |
Đuôi chuột, tên địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam gọi là Tàn nhang; tên chữ Hán là Ngọc long tiên, Giả mã tiên, Hải tiên; tên khoa học Stachytarpheta jamaicensis (L.,) Vahl, thuộc họ Cỏ roi ngựa -Verbenaceae. Cây thảo sống 1-2 năm, cao khoảng 1m. Thân màu lục tím, có 4 cạnh. Lá mọc đối, hình bầu dục, mép có răng, dài 3-8cm, rộng 2-4cm, cuống lá 2-5cm. Cụm hoa thành bông mọc đứng ở ngọn cây dài 20-40 cm, nom như cái đuôi chuột hay tàn nhang. Hoa gắn trong trục lõm; lá bắc của hoa cao 5-10mm, mép có răng; đài hoa có 5 răng; tràng hoa thường có màu lam tím (đôi khi gặp cây có hoa màu trắng), chia 2 môi, dài 8-10mm; nhị thụt; bầu 2 ô. Quả nang cao 4-5mm, mang đài tồn tại, chứa 2 hạt.
Cây mọc phổ biến khắp nơi, thường gặp ở các bãi hoang, dọc đường đi và quanh làng xóm. Thu hái toàn cây quanh năm. Rửa sạch, cắt khúc rồi phơi khô.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Đuôi chuột có vị đắng, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu phù, giảm đau, chữa sốt rét. Thường dùng chữa: nhiễm trùng đường tiết niệu; đau gân cốt do thấp khớp; viêm kết mạc cấp; viêm hầu; kiết lỵ, ỉa chảy; cảm lạnh, ho. Dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng lá tươi giã đắp ngoài trị mụn nhọt và viêm mủ da, chấn thương bầm giập.
Tại miền Nam, cây Đuôi chuột thường được gọi là Mạch lạt (hay Mạch lạc), khi dùng thường sao vàng để chuyển hóa tính ấm, nên có câu ca truyền tụng dược tính cây này trong các hệ thống Tuệ Tĩnh đường (cơ sở thuốc nam từ thiện ở các chùa chiền) như sau: “Mạch lạt ấm thương hàn dùng trị/ Ấm phổi và có chất giáng đàm/ Chữa ho lao ráo thấp bình an/ Thông huyết mạch châu lưu thân thể”.
Ở Vân Nam (Trung Quốc) toàn cây dùng trị viêm nhiễm đường tiểu, sỏi niệu, phong thấp đau xương, viêm họng, viêm kết mạc cấp, nhọt độc, sốt rét, bạch đới quá nhiều, rắn cắn, đòn ngã sưng đau, ho, lỵ.
Ở nhiều nước Đông Nam Á, nhân dân dùng dịch ép lá, rễ hoặc toàn cây Đuôi chuột làm thuốc bổ, gây nôn, long đờm, làm ra mồ hôi, kích thích, tẩy, điều kinh, làm dịu da và làm mát, chữa nhức đầu, đau tai, sốt rét, sốt vàng da, giang mai, vết thương bầm giập, bệnh gan, nhiễm giun, đau thần kinh và kiết lỵ. Ở Malaysia, nước sắc lá uống trị loét mũi, sốt rét. Ở Java, nước sắc rễ uống trị bệnh lậu và gây sẩy thai. Ở Lào, Campuchia nhân dân dùng bột lá xoa vào cơ thể trị sốt.
Ở Ấn Độ, cây đuôi chuột là thuốc trị giun, bệnh hoa liễu, viêm quầng, phù, đau dạ dày và nôn mửa. Dịch ép cây được dùng trị đục thể thủy tinh và mụn nhọt lở loét.
Ở Brazil, dùng ngoài trị loét có mủ, dùng uống trong trị sốt và viêm thấp khớp. Nước sắc toàn cây uống gây sẩy thai. Nước hãm vỏ cây trị lỵ và tiêu chảy. Lá trị rối loạn về tim.
Ở Guyana dùng trị lỵ. Ở Tây Phi, nhựa lá bôi trị đau tai và uống trị bệnh tim.
Đơn thuốc:
1. Viêm hầu họng: Đuôi chuột tươi 50g, giã nát, vắt nước, thêm đường, dùng ngậm nuốt nước dần. (Có thể phối hợp thêm Chua me đất hoa vàng 30g, càng hay).
2. Ung nhọt lớn sưng đau: Đuôi chuột 90g, Cỏ xước 60g. Bọ mắm 60g, giã nhuyễn đắp ngoài, khi phá miệng thì gia thêm đường đỏ rịt lại.
3. Chấn thương bầm giập: Đuôi chuột, Cỏ cứt lợn, mỗi thứ một ít, giã chung rồi đắp.
4. Tẩy giun cho trẻ em, dùng nước sắc rễ Đuôi chuột, thêm nước ép lá (dịch lá) cho uống.
5. Viêm đường tiết niệu: Cây đuôi chuột 40g, Kim ngân hoa 10g, Mã đề 30g, Dây bòng bong 30g. Sắc uống.
6. Sốt vàng da, nước tiểu vàng: Cây đuôi chuột 40g, Rau má 40g, Diếp cá 40g, Chó đẻ 40g. Sắc uống.
7. Thấp khớp: Cây Đuôi chuột 40g, Ké đầu ngựa 10g, Hạt gấc 10 hạt, Dây đau xương 10g. Sắc uống. (Nếu khớp sưng kết hợp dùng cành lá cây Đuôi chuột giã nhuyễn xào móng đắp).
8. Khí hư, bạch đới: Rễ Đuôi chuột 40g, Bạch đồng nữ 20g, Bạc thau 20g. Sắc uống.
PHAN CÔNG TUẤN