.

Mong tiếng còi tàu

.

Làm đêm, khoan hãy nói đến điều sướng khổ. Chỉ cần nghĩ những đồng tiền, có khi nhàu nát, có khi sũng nước mưa kia sẽ hóa thành bữa ăn đạm bạc hay bộ đồng phục mới cho những đứa trẻ nghèo xúng xính bước vào năm học mới. Nghĩ vậy thôi cũng thấy ấm lòng.

Trên những chuyến tàu khuya, những ổ bánh mì nóng hổi luôn hấp dẫn thực khách. Ảnh: T.Y
Trên những chuyến tàu khuya, những ổ bánh mì nóng hổi luôn hấp dẫn thực khách. Ảnh: T.Y

1. Đêm càng về khuya, ở hàng ghế chờ ga Đà Nẵng, những vị khách cuối cùng đã rục rịch chuẩn bị hành lý chờ lên chuyến tàu SE8 Đà Nẵng đi Hà Nội. Người ngồi, kẻ đứng xê dịch dần đến cửa vào ga. Tiếng cô nhân viên vang trên loa phát thanh: “Do yếu tố thời tiết, tàu SE8 đi Hà Nội sẽ xuất phát muộn 30 phút, thay vì 23 giờ 16 phút, tàu bắt đầu khởi hành lúc 23 giờ 46 phút. Mong quý khách thông cảm”. Nhiều người khách đã đứng dậy sẵn lại uể oải ngồi vào hàng ghế trống.

Chỉ chờ có vậy, chị Nga (phường An Khê, quận Thanh Khê) nhanh chân bưng rổ bánh mì đi vào đon đả mời khách. Một phụ nữ đang chờ tàu ở hàng ghế cuối ngoắc tay nói: “Cho một ổ mì patê chả”. Chị Nga tiến đến, nhoẻn miệng cười, tay mổ bánh, miệng rôm rả trò chuyện: “Đi tàu khuya vất vả vậy đó. Thôi ăn giúp em ổ mì lót dạ, bánh em mới lấy từ lò ra nên còn nóng lắm. Chứ đi tàu giờ này ra đến Hà Nội cũng hơn 3 giờ chiều rồi, mà đồ ăn trên tàu không phải lúc nào cũng ngon, cũng rẻ”. Vài ba vị khách bước lại gần rổ bánh của chị.

Trong vòng 15 phút, chị Nga bán được 6 ổ mì. Sau khi hành khách cuối cùng đã lên tàu, chị ngồi sắp xếp lại mấy tờ tiền lẻ, nói ban ngày chị bưng rổ bánh đi bán ở một số tuyến đường gần nhà vì nhà ga có quy định không cho bán hàng rong. Khuya về, phần lớn các hàng quán trong sân ga nghỉ bán nên nhà ga thương tình “du di” cho vào bán. Nhưng chị chỉ được chạy ào vào bán rồi chạy ra ngồi chờ phía ngoài chứ không được đứng lăn xăn tại đó. Với những khách đi chuyến tàu khuya, đôi khi chờ tàu hay đói bụng, nên chuyện bán bánh mì có thể được nhà ga thông cảm đôi chút.

Không chạy đôn chạy đáo mỗi khi nghe loa thông báo tàu đi, tàu đến như chị Nga, bà Hường chọn cách ngồi bán bên hông khách sạn Faifo Đà Nẵng, ngay trước mặt sân ga từ 20 giờ 30 đến tầm 1 giờ sáng. Mặt hàng của bà chủ yếu là hàng ăn vặt, gồm bánh tráng nướng, mực khô, cá khô và một ít cóc, xoài, mận, ổi… Trước đây, bà Hường cũng đi bán dạo nhưng thường xuyên bị Đội Quy tắc đô thị đẩy, đuổi, cộng sức khỏe ngày một yếu hơn, bà bắt đầu ngồi bán một chỗ cố định quanh khu vực sân ga. Khách của bà chủ yếu là sinh viên đi tàu hay bạn bè, người thân chờ đón nhau trên những chuyến tàu muộn. Mỗi đêm, ngồi trên tấm bạt trải gọn gàng, bày biện tất cả hàng hóa mình có được, bà Hường túc tắc buôn bán, túc tắc trò chuyện với cánh xe ôm, lái taxi. Câu chuyện của người đàn bà cụt tay buồn có, vui có nhưng đọng lại là những chia sẻ về chuyện nhà cửa, con cái hay kể nhau nghe cảnh đoàn viên, ly biệt trên sân ga mà mình từng chứng kiến.

Chỉ là người buôn bán nhỏ, nhưng giờ tàu đến và đi ở ga Đà Nẵng mỗi đêm hầu như ai cũng nắm rõ như lòng bàn tay. Bà Hường cho biết, ngoài chuyến tàu SE8 đi Hà Nội xuất phát lúc 23 giờ 16 phút, thì còn các tàu SE7 Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh xuất phát 22 giờ 13 phút, SE5 đi thành phố Hồ Chí Minh lúc 1 giờ 30 phút… Đó cũng chính là lý do vì sao bà thường bán hàng đến tầm 1 giờ sáng, khi các con phố hầu hết đã vắng người qua lại. Mỗi đêm, thu nhập của những người như chị Nga, bà Hường gói gọn khoảng vài chục ngàn đồng. Tuy không nhiều nhưng phần nào giúp họ trang trải tiền chợ búa, cơm nước.

2. Ga Đà Nẵng hình thành từ năm 1902, trở thành nơi kiếm sống của nhiều người. Anh Nguyễn Trung, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ở ga Đà Nẵng cho biết, gia đình anh gắn bó với ga nhiều năm nay. Ban đầu là bán một ít bánh kẹo, thuốc lá, nước giải khát phục vụ khách đi tàu. Dần dà, theo nhu cầu của người dân, anh phát triển thêm mặt hàng đặc sản, nhận đóng gói một số hàng hóa khách gửi theo tàu. Do quán mở cửa cả ngày, nên mỗi đêm tầm 24 giờ là anh đóng cửa để nghỉ ngơi, lấy sức cho ngày mai. Tuy không vất vả như cánh hàng rong, nhưng anh Trung cho biết thông tin ga Đà Nẵng chuẩn bị di dời cũng khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên vì lo ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Anh chia sẻ: “Nếu nhà ga di dời, tôi mong muốn những hộ kinh doanh như tôi được di dời theo ga để tiếp tục công việc làm ăn”.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện khu vực ga Đà Nẵng có trên 20 hộ kinh doanh, buôn bán cố định và khá nhiều người bán hàng di động xung quanh. Bên cạnh đó, ga Đà Nẵng còn là nơi để 12 xã viên và 17 lao động hợp đồng thuộc HTX Dịch vụ Xếp dỡ hàng hóa Tam Thuận, đóng tại số 91 Trần Cao Vân làm việc, kiếm sống.

Ông Nguyễn Văn Hai, một xã viên của HTX cho biết công việc ở ga mang tính thời vụ, tàu đến thì bốc dỡ hàng, bất kể giờ giấc. Làm quen với công việc này từ năm 35 tuổi, hơn 10 năm qua, ông Hai không nhớ mình đã thức trắng đêm bao nhiêu lần. Có những đêm mưa nặng hạt, vừa liu riu giấc ngủ, tiếng còi tàu hụ lên một tràng dài, ông và một số anh em tất tả bật dậy, chạy ra sân bốc dỡ hàng. Trời mưa, sợ hàng ướt, vài anh em được phân công căng bạt, số còn lại vào vị trí chuyển hàng vào kho. Tất cả được phối hợp nhịp nhàng, có trình tự. Vì thế, dù có vất vả trăm bề, nhưng ông Hai nói, công việc nào cũng có niềm vui và sự san sẻ. Chỉ cần chăm chỉ, cần cù và đừng ra vẻ “ta đây” có kinh nghiệm, thì mọi chuyện đều hanh thông. Cũng như nhiều xã viên khác, thu nhập hằng tháng của ông Hai trên dưới 3 triệu đồng, không nhiều nhưng nếu không bám vào đây mà làm thì không biết làm gì để kiếm sống.

3. Ngay ngã ba Hoàng Hoa Thám - Hải Phòng, trước ga Đà Nẵng có chị Nguyễn Thị Năm hằng đêm ngồi chong đèn bán trứng vịt lộn. Những khuya mưa gió, chị ngồi thu lu, nép sát vào mái hiên nhà người ta. Từ thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, chị Năm ra Đà Nẵng bán trứng vịt lộn gần 20 năm. Ngày trước, nghĩ nhà gần, hằng ngày chị Năm đi - về bằng chiếc xe máy cũ kỹ. Ban đầu là bán từ 5 giờ chiều đến gần 10 giờ đêm. Nhưng ngồi trước sân ga, trên tuyến đường đông đúc nên càng về khuya khách càng tìm đến hàng trứng ăn nhiều nên chị Năm quyết định thuê trọ tại Đà Nẵng. Từ ngày ở nhà thuê, thời gian ít ràng buộc, có những đêm chị bán đến gần 1 giờ sáng.

Chị Năm chia sẻ, ngồi bán ở vỉa hè không tốn phí mặt bằng, ban đêm điện đường sáng rõ, khách ra vào ga Đà Nẵng đông nên lời lãi cũng kha khá. Mỗi đêm, chị bán chừng 100 trứng, có khách ăn tại chỗ, có khách vừa xuống tàu mua về cho người thân ăn khuya, hôm nào mưa thì số lượng giảm hơn một chút, trừ chi phí, mỗi trứng chị lời từ 2.000 đến 3.000 đồng. Cộng dồn cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị.

Ngay cạnh bàn vịt lộn của chị Năm là quán nước mía của vợ chồng ông Bình. Cứ bên này bán trứng thì bên kia quay nước mía và ngược lại, bên này quay nước mía thì bên kia kiểu chi cũng bán được vài ba cái trứng. Hai hàng quán vỉa hè nương tựa vào nhau trước sân ga. Cứ thế, chẳng ai nói với ai câu nào, nhưng tự trong đáy lòng họ là sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau.

Ông Bình nói, những đoàn tàu đi và đến Đà Nẵng đã mang đến cho những hàng quán ven đường như ông một lượng khách hàng ổn định. Hôm nào không thấy chị Năm bày trứng ra bán thì y như rằng chị bị ốm hay có việc gì trong quê cần vào gấp. Nhiều đêm trời mưa, mấy người chúng tôi ngồi sắp xếp lại những tờ tiền ướt sũng mà cười. Cực, nhưng dù sao cũng được tạo điều kiện buôn bán cố định một chỗ, chứ những khi trời mưa mà cứ phải di chuyển chỗ này, chỗ nọ thì còn gì cực bằng.

Một đồng nghiệp của tôi thường đi làm ca đêm nói rằng, làm đêm, khoan hãy nói đến điều sướng, khổ. Chỉ cần nghĩ những đồng tiền, có khi nhàu nát, có khi sũng nước mưa kia sẽ hóa thân thành bữa ăn đạm bạc hay bộ đồng phục mới cho những đứa trẻ nghèo xúng xính bước vào năm học mới. Nghĩ vậy thôi cũng thấy ấm lòng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.