Đà Nẵng cuối tuần
Nghề cũ
Đô thị hóa, phố xá lên đời, cánh đồng nhỏ lại, dòng sông bị “bức tử”... Cá nuôi, ếch nuôi được dịp lên ngôi. Câu thơ của Tú Xương như một dấu than buồn cho những nghề đang đến hồi mai một: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…
Với ông Nguyễn Hữu Mai, chiếc vợt, cái đèn pin gợi lại biết bao kỷ niệm buồn vui một thời được lang thang soi ếch trên khắp cánh đồng ở Hòa Vang. Ảnh: V.T.L |
Từ soi ếch đồng xa…
Ngồi ở nhà ông Nguyễn Hữu Mai thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang trong chiều mưa lâm thâm ôn chuyện ngày xưa đi soi ếch, câu cá. Theo người có thâm niên chẵn chòi 40 năm làm nghề soi ếch này thì ở nhà quê ai mà không rành soi ếch, câu cá, trúm lươn.
Hơn 15 năm trước, khi những cánh đồng ở Hòa Vang còn chưa bị thu hẹp bởi đô thị hóa, mỗi đêm ông bắt được cả bao ếch, nhất là mùa tháng hai, tháng ba. Đồng cày xong, nước trổ vào xăm xắp. Đêm xuống, ếch rủ nhau ra ruộng “rạp” (phương ngữ, có nghĩa là giao phối) từng cặp. Dân soi ếch chỉ cần pha đèn là lũ ếch lóa mắt ngoan ngoãn nằm yên thúc thủ. Lúc đó tha hồ mà chộp từng đôi, từng đôi bỏ vào bao. Mà cũng lạ, cái giống ếch cũng đa tình lắm. Bị bắt bỏ vào giỏ rồi mà cũng ôm chặt lấy nhau không chịu buông…
Người có tay “sát ếch” không đi lang thang khắp cánh đồng mà nghe tiếng côn trùng dạo bài ca mở đầu cho đêm xuống cũng đoán được nơi nào nhiều ếch. Lúc đó chỉ cần dùng chú ếch mồi bỏ vào giỏ giấu trong đám rạ rồi ra bờ ruộng vấn điếu thuốc ngồi chờ. Chú ếch mồi hí hửng kêu ộp ộp khi ngửi thấy mùi rạ, mùi bùn đất quen thuộc khiến cho cả họ nhà ếch kéo đến chung quanh hỏi han, tâm sự. Cỡ một hai tiếng đồng hồ sau, bật đèn pin lên, ung dung xuất hiện dùng vợt bắt trọn gói.
Nói thì nghe dễ vậy chớ xáp vô rồi mới thấy cái vi diệu của nghề soi ếch. Muốn có được con ếch mồi chiến, nhiều khi phải mất mấy đêm liền mới bắt được. Thậm chí nhiều người còn có thể nhại cả tiếng ếch để dụ đám bạn tình nông nổi hội tụ… Ông Mai kể, có hôm đang giả tiếng kêu để dụ họ nhà ếch thì nghe bên tê cánh đồng tiếng ếch kêu xôm quá. Tưởng phen này sẽ bắt được vài con ếch cộ ai ngờ đi miết chẳng thấy ếch đâu mà đụng đầu ông bạn xã láng giềng cũng... đang giả kêu giọng ếch!
… đến thả lờ, giăng lưới
Dưới chân cầu Biện, gần sát mé một đoạn sông Cổ Cò (sông Bãi Dài), thuộc tổ 45 Sơn Thủy, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn có ông Nguyễn Văn Hởi nổi tiếng là tay “sát ngư”.
Ông kể, nghề sông nước đối với nhiều người là cái nghiệp không dễ gì buông bỏ. Từ đời cha đến đời ông, cái ghe, cái lờ, mảnh lưới như là một phần hồn của gia đình, không dứt ra được. Những năm từ chiến trường K lửa đạn về, được ưu tiên xin vô công việc Nhà nước nhưng ông từ chối cơ hội an nhàn ấy để trở về với bến sông xưa.
Cứ thế, gần 40 mươi năm nay, mùa hè nước đứng, mùa đông nước chảy người cựu binh tay cầm chắc mái dầm, “chân chạy như máy đuôi tôm” – như lời ông nói vui. Bởi nếu không chạy thì làm sao gỡ lưới và thâu lưới cho kịp trong đêm. Tầm 6 giờ chiều ông xuống ghe ra sông thả lưới. Một mình, một thuyền con phiêu diêu trên dòng sông quê đầy sóng nước, thỉnh thoảng gõ dầm lên mạn thuyền để xua cá vào lưới, âm thanh vọng vào đêm đen cô tịch. Tiếng cá mòi nhảy lách tách, cá rô phi quẫy đạp ào ào… khiến trái tim của người ngư phủ càng thêm gắn bó với sông nước, với trời đêm.
Không chỉ vậy, ông còn tranh thủ đặt lờ nơi mé sông, chỗ nước sâu tới đầu gối. Lờ ở sông to gấp năm gấp mười lờ ở ruộng, con chi rúc vô cũng bắt hết: cá rô phi, cá chép, cá tràu, ba ba, rùa…. Mỗi ngày ông đổ lờ (từ dân gian, nghĩa là đổ cá từ lờ ra giỏ) 3 lần: 10 giờ sáng, 8 giờ tối và 6 giờ sáng hôm sau. 6 giờ sáng cũng là lúc ông phải thu hết mét lưới cuối cùng để kịp lên bờ giao cá cho vợ đem ra chợ Non Nước bán.
Để cho tay chân không ở không, nhưng cái chính là tăng thu nhập, ông còn đánh cá bằng cách đốn tre giăng xuống sông, giữ lục bình sinh sôi rồi thả bánh dầu, cơm xuống để làm mồi nhử cá vào ở, gọi là làm chươm. Mỗi tháng kéo chươm 1 lần, nếu làm 15 chươm là 2 ngày kéo một lần. Nhiều khi trúng cá rất đậm, phải kêu thêm người tới giúp. Mỗi lần tổ chức kéo chươm như mở hội. Kéo từ 3 giờ sáng để tới 6 giờ là cá kịp lên chợ, giãy đành đạch, tươi roi rói… Chuyện “hốt bạc” dễ như chơi.
Xa rồi nghề xưa
Thật khó có thể tin được khi nghe ông Mai kể rằng những năm 80 thế kỷ trước, mỗi đêm ông bắt được cả bao ếch đồng trên dưới 30 ký. Lúc đó giá một gánh củi là 3 đồng, một lon gạo giá 1 đồng rưỡi. Mỗi đêm đi ếch về ông bỏ cho bạn hàng ở thành phố lên được gần trăm đồng. Với số tiền “khủng” đó, ông dư sức nuôi 3 con ăn học đến nơi đến chốn, làm nhà cửa khang trang…
Thu nhập nghề lưới của ông Hởi cũng không kém. Năm 1985 ông cưới vợ, ra riêng. Chỉ 5 năm sau, với ghe, lưới và những tháng ngày khuya sớm mưu sinh trên sông, ông đã xây cái nhà gần 9 cây vàng thuộc loại “có cỡ” của xã Hòa Hải (ngày đó Hòa Hải trực thuộc huyện Hòa Vang). Hôm đến nhà ông hỏi chuyện, ông khoe vừa trúng đậm mẻ lưới cá ba sa gần bảy triệu, trong đó có hai con mỗi con gần 8 ký. Chừng đó thì thấm vào đâu, ông bảo, một lần có con cá mè gần 45 ký mắc lưới, kéo cái ghe của vợ chồng ông chạy băng băng về cửa sông. May mà có bạn chèo gần đó giúp mới “thu phục” được con cá khủng lên thuyền. Lần ấy, cả xóm vui như hội…
Sông Cổ Cò giờ bị ô nhiễm nặng, phần vì rác và nước thải sinh hoạt, phần do việc phóng sanh tràn lan của người đi chùa. Ông kể, có chuyến xe chở cua đỏ, ốc bươu vàng, ốc hút... giá trị có khi lên cả mấy chục triệu đồng, từ các nơi ra phóng sanh ở đoạn sông gần chùa. Chúng chưa kịp tung tẩy ra sông đã bị các tay xung điện đánh bắt, một số chết thối cả một quãng sông. Riêng loại cua đỏ lớn như thổi, phát triển đông như quân Nguyên, càng rất chắc chuyên cắt nát lưới của ngư dân, gây lắm thiệt hại.
Trở lại chuyện ông Mai. Hôm đó ngồi bên chén trà, lắng nghe mưa rơi trên mái ngói, ông bảo làm nghề gì cũng có buồn có vui. Thú nhất là lúc một mình giữa cánh đồng mênh mông sực nức mùi đất cày vỡ ải. Có những đêm mưa gió, chẳng bắt được con nào, ra về bụng đói, giỏ không, buồn lắm. Sau này, ếch khan hiếm vì cánh đồng thu hẹp dần. Đặc sản có tên là gà đồng này “lên ngôi” ở những nhà hàng sang trọng, nhưng giờ thấy toàn ếch nuôi, cái hương vị đồng quê chính hiệu đã phôi phai. Ăn miếng ếch giờ sao thấy nhàn nhạt...
Đô thị hóa, phố xá lên đời, cánh đồng nhỏ lại, dòng sông bị “bức tử”... Cá nuôi, ếch nuôi được dịp lên ngôi. Câu thơ của Tú Xương như một dấu than buồn cho những nghề đang đến hồi mai một: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…
Ghi chép của NHƯ HẠNH