.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung: Những câu hỏi về phận người khuất lấp

.

Nhà văn quân đội Nguyễn Quốc Trung là tác giả 5 tiểu thuyết: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu cùng 5 tập truyện ngắn: Người đàn bà hồn nhiên, Trong tiết thanh minh, Đêm trừ tịch, Người đến từ nước Mỹ và mới nhất là Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu, NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 2-2016.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung và tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung và tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu.

Nếu như trước đây đề tài trong truyện của nhà văn Nguyễn Quốc Trung chủ yếu là hình ảnh người lính trên chiến trường hoặc sau khi trở về đời thường, thì với tập truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu ông lại chuyển hướng hoàn toàn sang đề tài dân sự. Với nhiều đồng nghiệp và bạn đọc, đây là sự thay đổi bất ngờ của ông.

Không chỉ bất ngờ về đề tài mà tập truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu còn bất ngờ cả về kết cấu, hành văn, giọng điệu và ngôn ngữ của chính nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Ở đó, hình ảnh những phận người nhỏ bé bị che khuất giữa đời sống kinh tế thị trường sôi động đã được nhà văn phát hiện, đồng cảm, chia sẻ và đưa ra những cảnh tỉnh trước sự bất công, oan trái với hậu quả khó lường.

Nhà văn, Đại tá Nguyễn Quốc Trung sinh ngày 27-10-1958 ở Hà Tĩnh, tham gia bộ đội từ cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, làm việc ở tạp chí Văn nghệ Quân đội… hiện sống và sáng tác tại TP. Hồ Chí Minh. Gặp gỡ chúc mừng ông về tập truyện đặc sắc Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu, tôi hỏi:

* Ông là nhà văn quân đội từng viết nhiều về người lính, nhất là người lính làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia và đạt được một số thành công. Bây giờ chuyển sang viết truyện về người dân bình thường, với những số phận éo le, ông có gặp khó khăn gì trong quá trình chuyển hướng đề tài, thưa nhà văn?

- Tôi vốn là người lính, thường viết về đề tài chiến tranh, tuy vậy trong chiến tranh vẫn có mảng sống đời thường. Bây giờ ở thành phố tôi viết về cuộc sống bình thường trong xã hội tạm gọi là thị dân. Nếu viết về chuyện tình yêu trai gái thì tôi không thể bằng anh, chị em nhà văn trẻ, nên tôi phải tìm ra hướng đi riêng: Viết về người khổ nhất, tưởng như họ bị gạt ra trong xã hội, nhưng chính họ là hồn cốt, đặt ra nhiều câu hỏi về thân phận con người nhất. Và tôi đi vào đề tài này một cách tự nhiên.

* Về tinh thần của tập truyện ngắn mới này, điều gì ông cảm thấy tâm đắc?

- Tôi đã viết bốn tập truyện ngắn, nhưng đến tập truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu thì tôi phải viết trong thời gian dài nhất vì kiếm tìm giọng điệu mới. Đây cũng là tập tôi thấy ưng ý nhất vì đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi đang đặt ra cho xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập, cơ chế làng xã có từ xa xưa tưởng sẽ vĩnh viễn tồn tại, ai dè một chốc lại bị xé nát đớn đau. Con người ta được hưởng sự đổi mới của một xã hội cởi mở thì cũng vấp phải nhiều bi kịch. Đây cũng là điều cho văn học khai thác, phản ảnh.

* Trong 16 truyện ngắn của Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu, nếu chọn khoảng vài truyện ưng ý nhất, ông tự chọn những truyện nào? Có nhân vật nào trong những truyện này gắn liền kỷ niệm sâu sắc với ông?

- Nhân vật chính trong các truyện đều có thực một phần ngoài đời và được tôi tưởng tượng, hư cấu thêm. Đầu tiên tôi thích là truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu, đề cập tới sự tiến bộ xã hội thông qua một công trình lớn hiện đại ở đồng bằng sông Cửu Long mà bao người được thụ hưởng, tuy nhiên đằng sau đó lại có những người vẫn phải lãnh sự thua thiệt, thậm chí một đời người phải văng ra khỏi đời sống bình thường. Qua đây, tôi cũng muốn đề cập đến sự tha hóa của con người diễn ra khắp mọi tầng lớp và chính người ta cũng hiểu được điều đó. Đấy cũng là bi kịch của kiếp người. Tiếp đến là truyện Đời khất thực nói về cuộc sống người công nhân hiện nay đang bị lạc lõng tới độ không tiếp cận được văn hóa, sự liên kết giữa giai cấp công nhân với bên ngoài hình như không còn. Và qua nhân vật Mai, cô gái hành nghề khất thực, tôi muốn nhắn gửi, một bộ phận con người ta ăn bám mà không biết mình ăn bám. Dư âm lối sống, tập quán văn hóa với những hủ tục đây đó vẫn bám riết làm băng hoại con người ta. Tôi cũng rất tâm đắc với truyện Già làng đầu nguồn sông Hinh, chính là muốn nói, con người ta muốn tận hưởng hạnh phúc có khi phải vứt bỏ những gì xưa cũ. Hạnh phúc không bao giờ là muộn với con người chúng ta. Xin chớ tuyệt vọng. Còn qua truyện Chàng trai đến từ xứ Phù Tang, tôi cũng muốn nói rằng có khi thói xấu của người mình làm ảnh hưởng cả đến những người từ nước khác đến.

* Theo chủ quan của ông, đâu là thế mạnh và sự khác biệt giữa truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung so với những cây bút cùng thế hệ?

- Tôi tự thấy truyện ngắn của mình tiếp thu đặc tính truyện ngắn truyền thống ở cách khai thác chi tiết đắt nhất, bố cục truyện gọn, mang tính bất ngờ, giọng điệu hài hước, châm biếm. Và tôi học được sự cách tân thi pháp của truyện ngắn hiện đại ở tốc độ truyện nhanh, sử dụng nghệ thuật công cụ của kỹ thuật số tạo nên mảng màu, cắt lớp.

* Xin cảm ơn nhà văn. Chúc ông mạnh khỏe, có nhiều sáng tác mới!

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã tự thay đổi mạnh mẽ qua tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu. Không chỉ sự lựa chọn đề tài mà cách thể hiện, từ cấu trúc đến mạch văn, cho thấy Nguyễn Quốc Trung đã vượt lên chính mình bằng tác phẩm mới mà ông dày công sáng tác hàng chục năm qua. Một tập truyện mang tính thời sự đáng đọc và suy ngẫm.

( Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh)

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.