Đà Nẵng cuối tuần
Cơm cháy chữa chiết thương
Một giảng viên bộ môn dược liệu ở trường đại học y dược, có mang đến nhà tôi một cây thuốc, nhờ định danh. Nhờ mẫu có cả hoa, nên thoạt nhìn tôi đã xác định được “ngay và luôn” là cây Cơm cháy.
Cơm cháy - Sambucus javanica. Ảnh: H.M.Đ |
Để định danh nhanh cây thuốc này, thực ra là nhờ hơn mười năm trước, một lương y có mang đến cho tôi một cây con gọi là cây “chiết thương”, cho biết người ta dùng lá giã bó gãy xương, bầm dập rất hay. Tôi đã trồng và chăm sóc, chờ ngày cây ra hoa kết quả, mất hơn một năm mới tra cứu và xác định được chính danh cây thuốc.
Cơm cháy, còn có tên cây Thuốc mọi, Sóc dịch, Cơm cháy java, Cơm cháy hooker, tên chữ Hán là Lục anh (陆英), Tiếp cốt thảo (接骨草)…; tên khoa học là Sambucus javanica Reinw. ex Blume; tên đồng nghĩa: S. hookeri Rehd., S. chinensis Lindl., S. formosana Nakai, thuộc họ Cơm cháy – Sambucaceae (hay họ Kim ngân – Caprifoliaceae).
Cơm cháy là cây nhỡ, sống nhiều năm, cao tới 3m. Thân xốp gần tròn, nhẵn, màu lục nhạt; cành to trong rỗng có tủy trắng xốp, ngoài mặt có nhiều lỗ bì. Lá mềm, mọc đối, kép lông chim lẻ gồm 5-9 lá chét, dài 8-15cm, rộng 3-5cm, mép khía răng; cuống lá có rãnh ở mặt trên và loe rộng ở phía gốc thành bẹ. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành xim, nom như tán kép. Quả mọng, hình cầu, màu đỏ sau đen, chứa 3 hạt dẹt. Hoa tháng 5-8, quả tháng 9-11.
Cây mọc hoang ở miền núi, ven suối, bờ khe từ Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên tới Lâm Đồng; còn được trồng làm cây cảnh. Trồng bằng cành hoặc gieo hạt vào mùa xuân. Thu hái cả cây vào mùa hè - thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Phân tích thành phần trong cây có các chất a-amyrin galmitate, acid ursol, stigmasterol, camposterol, tanin.
Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, Cơm cháy có vị hơi đắng, tính ấm. Rễ chống co thắt và tiêu phù; thân và lá lợi tiểu, tiêu phù và giảm đau. Rễ trị đòn ngã tổn thương, gãy xương, thấp khớp. Thân và lá trị viêm thận, phù thũng. Dùng ngoài chữa đụng giập, ngứa, eczema. Liều dùng 30- 60g, dạng thuốc sắc.
Theo lương y Lê Trần Đức, vào thời Tuệ Tĩnh, lá cây Cơm cháy đã được dùng nấu nước tắm cho bà đẻ. Nay nhân dân thường dùng lá nấu nước đặc để rửa vết thương, tắm ghẻ lở và giã chung với giấm hay xào nóng đắp sưng vú. Quả và vỏ được dùng sắc uống với liều 12 - 20g để thông lợi đại - tiểu tiện, chữa kiết lỵ, táo bón và thấp thũng.
Theo Trung dược đại từ điển, Cơm cháy có tác dụng sơ can kiện tỳ, hoạt huyết hóa ứ, lợi tiểu tiêu phù, dùng trị viêm gan cấp tính, viêm thận phù thũng, phong thấp đau nhức, phong ngứa mày đay, té ngã tổn thương, gãy xương.
Đơn thuốc:
1. Đòn ngã bị thương: Dùng Cơm cháy (rễ) 60g, đun nước rồi uống. Cũng dùng lá tươi giã đắp chỗ bị thương.
2. Viêm thận phù thũng: Dùng Cơm cháy (toàn cây) 30-60g, đun nước uống.
3. Huyết trệ kinh bế: Cơm cháy 30g, Hương phụ chế 30g, Ích mẫu thảo 15g, sắc uống ngày 1 thang.
4. Suy nhược đau mỏi cơ lưng: Rễ cơm cháy 100g, Ngũ gia bì 90g, Cốt toái bổ 90g, Ngưu tất 50g. Ngâm với 1,5 lít rượu gạo ngon, sau nửa tháng uống được, mỗi lần 10-30ml.
5. Mày đay, ngứa ngoài da: Cọng lá cơm cháy tươi 500g, nấu nước ngâm rửa vùng da bị bệnh.
6. Lở loét do dị ứng sơn (tất sang): Cọng lá cơm cháy tươi 120g nấu nước, để nguội, rửa vết loét.
7. Sưng đau, bong gân: Rễ và lá non cơm cháy lượng vừa đủ, giã nhuyễn với chút muối ăn, bó vào vết thương, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
8. Sưng vú: Lá cơm cháy giã nhuyễn, thêm chút giấm xào nóng đắp.
9. Di tinh, bạch đới: Rễ cơm cháy 30g, Cật heo 1 quả, chưng cách thủy ăn.
Lưu ý:
1. Cơm cháy hơi độc, có tính mãnh liệt, không dùng cho phụ nữ có thai, không nên uống quá liều. Hoa quả và vỏ cây dùng liều 3g/kg thể trọng có thể gây độc, biểu hiện đái nhiều, ỉa lỏng và nôn mửa.
2. Cùng chi Sambucus ở nước ta còn có cây Cơm cháy tròn hay Mậu ma, tên khoa học Sambucus simpsonii hay Sambucus eberhardtii cũng được dùng với tính năng tác dụng tương đương cây Cơm cháy nói trên.
PHAN CÔNG TUẤN