.
TRUYỆN NGẮN

Đánh vần ước mơ

.

Hiếu rầu rĩ bên mẹ khá lâu, khi chị Lý đang xắt rau khoai. Chị đứng dậy lật cái thớt thổ nhẹ rồi bước về cuối bếp, nơi nồi cám loãng đang sôi. Hiếu lẽo đẽo theo nài xin cho mình tới lớp. Người mẹ đẩy những thanh củi đang cháy sâu vào bếp. Không nạt con, chị Lý ngồi xuống nhìn ra giếng. Đàn lợn vẫn cò ruột kêu réo.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đến thời điểm này, tôi mới hiểu đúng tâm trạng của chị lúc đó.

Chồng xuất viện hai tháng, chị Lý có chở anh lên bệnh viện khám lại theo lời bác sĩ dặn, nhận thêm thuốc tiếp tục chữa trị tại nhà. Vẫn không chút tiến triển, người cha nằm liệt lúc năm học mới của những đứa con bắt đầu.

Gầy nhom. Hiếu sớm trở thành trụ cột gia đình, thay cha.

Cha Hiếu khai hoang cả vùng đồi thênh thang, tính tích cóp xây ngôi nhà như mơ ước, Hiếu sẽ phụ hồ. Có lẽ do thể trạng không hợp, nên nghề thợ xây ngày ngày tiếp xúc vôi vữa đã gán cho anh bệnh khớp. Tính đến nay hơn 5 năm. Vợ lại đưa anh tới nhiều thầy, sử dụng nhiều loại thuốc vẫn không bớt trong lúc gia cảnh ngày càng thảm hại. Ngôi nhà bệ rạc, xiêu vẹo trước mùa gió chướng. Đồng vốn ít ỏi cạn dần. Gia sản đều mang ra chợ... Anh nằm trên giường nhìn, ứa nước mắt; thèm được cầm bay xây, thèm làm cho đỡ tủi thân, an ủi vợ con hãy gắng lên qua cơn bĩ cực. Để Hiếu được đến trường.

Tôi tới xóm của Hiếu lúc ngót chiều. Phía dưới dãy đồi là ruộng hoang nối nhau xanh ngút cỏ. Đàn trâu nhẫn nại gặm nốt chút thời gian óng ánh nắng vàng. Ở cổ chúng đều có vòng đeo lục lạc, nhộn nhạo âm thanh. Xa xa vài đứa trẻ hái mua ăn, môi miệng thâm tím. Nơi ruộng lác, một đứa đuổi bắt con chim chân dài chui lủi. Lúc sau nó sà tới bụi tre một bên đường nhà chị Lý. Đứa trẻ nhận ra tôi, vụt khỏi bụi.

Hiếu lại theo mẹ từ nhà dưới ra chuồng lợn.

- Mạ! Không đủ tiền con hái rau má bán tự mua sách vở, tự con nộp tiền cho nhà trường.

Hiếu nghĩ vậy quá giản đơn. Ngày hai bận, Hiếu phải xuống kênh mò rong cá. Tranh thủ đuổi chim nô đùa, giờ Hiếu trở lại với việc chính. Tôi tắt máy xe, chưa muốn vào thăm anh và chị, thẫn thờ bước; ngó xuống kênh, mãi mới thấy Hiếu trồi lên, tay ôm bó rong xồm xoàm. Hiếu bơi tới gần bờ liệng lên, rồi vuốt mặt thở phì phò: “Cá trắm hạp rong lắm chú ạ”. Tôi hỏi: “Có mệt không?” “Mệt chi chú. Bữa hôm đi rừng hai ngày, cháu phải lặn ba bì rong dự trữ lận”. Nói xong Hiếu lại mất hút xuống lòng kênh. Tôi phanh áo mệt nhọc ngồi trên bờ, hứng nắng gắt từ phía mặt trời đang lụi dần.

Tiếng đôi chân lịch thịch chạy ra, rất nhanh, rồi hai bàn tay quàng cổ mình, tôi phải chống tay rị lại. “Tí nữa Quý dúi chú xuống kênh rồi”. Quý là út. Không biết ra đường có ai ghẹo “thằng ni lẽ ra không có mặt trên đời…” mà về có lần Quý bảo “Con ghét mẹ. Mẹ triệt sản định không sinh con ra”. Chị Lý cười: “Họ nói chọc con đó. Cha mẹ triệt sản là triệt khi sinh con rồi; sinh thêm em nữa không có chi ăn”. Thật ra, chồng chị đã triệt sản, lỗi ở “chiếc vòng y tế”. Giấy tờ gia đình lạc mất, nếu không chiếu theo quy định Quý sẽ được nuôi cho tới lúc 18 tuổi. Cứ như trời sinh.

Quý hỏi: “Chú nỏ biết bơi à?” Tôi lắc. Thấy Hiếu ngoi đầu lên, Quý để cả quần áo nhảy xuống đón mớ rong trên tay anh. Tôi gọi: “Nghỉ đã Hiếu ơi!”, Hiếu không nghe, lặn xuống. Quý tống rong vào bì. Tôi nhìn đợt sóng dội lên khi Hiếu quay mình lặn. Quý vẫn tiếp tục gom rong. Hiếu cứ ụp xuống trồi lên ôm rong liệng vào bờ, rong mắc cả trên đầu Quý. Tôi đứng dậy gỡ, hỏi “Hôm nay Quý học chưa?”; “Cháu học hồi sáng, tối học tiếp”.

Hiếu nghe thấy, tiến sát bờ, năn nỉ:

- Tối chú nói giùm mạ cho cháu đi học nghe!

Chưa dám chắc. Nghẹn lòng. Tôi nhìn thân thể gầy còm của Hiếu, không xứng với lứa tuổi, khẽ gật, mông lung về phía đồi xa. “Hiếu làm vừa thôi, kẻo lại ốm, khổ cha mẹ”. Hiếu không quan tâm, bảo nếu được đi học như Quý, Hiếu sẽ làm việc nhiều hơn nữa. “Quý học dốt hơn cháu mà vẫn được đến trường…”. Rồi Hiếu cúi vác bì rong, nước chảy ròng lấm thân. Tới bên hồ Hiếu xổ rong, dùng sào đẩy xa ngoài mặt nước. Cá từng bầy bơi đến giằng nhau đớp tong tóc.

Khoảng đất nối bờ hồ với nền sân nhà, là bãi rau xanh mướt. Phía trên có những hàng tiêu tốt um, giàn mùng tơi, bầu bí, mướp đắng mọc loạn. Tôi vòng ra rửa chân. Giếng sâu hoắm, kéo gàu gần lên tới, cuộn dây xếp đống trên nền. Tôi dùng tay múc nước phủ lên mặt. Dưới hồ, Hiếu còn đó, trầm tư nhìn lũ cá.

Tôi vào nhà từ dưới bếp. Hoàng hôn buông mành. Chị Lý làm đồng chưa về. Anh nằm ở giường cuối nhà trên, khuôn mặt vùi vào góc tối xẩm. Một hình hài xạm tái. Người khô. Đôi chân teo. Anh bị khớp và nay còn thêm cột sống. Gượng dậy không nổi, tôi phải đỡ. Nụ cười an ủi chính mình và người thân, anh bảo không có thằng Quý thì vệ sinh cũng phải nhịn; còn Hiếu giờ thành cột chống nhà. Tôi không có ý thương lượng với anh về chuyện học của Hiếu, tính đợi chị Lý về… Rồi chị cũng về. Mừng quýnh.
Màn đêm trùm xuống vùng đồi. Bếp lửa rực cháy. Ngồi cạnh chị Lý, thật khó tin con người ốm quắt ấy ôm đủ việc, từ ruộng lúa lên nương bắp, đậu, khoai... đến chạy chợ. Chị không biết ý định của tôi về Hiếu. Tôi có thể đưa Hiếu khỏi ngôi nhà này, ở với tôi, được học hành, nhưng ai sẽ giúp mẹ Hiếu còm lưng gánh cả núi việc? Tôi nghĩ đến gia cảnh chị từ mấy năm nay như một nạn nghiệp. Bắt đầu là chuyện anh đau, đến nay có chữa được cũng không còn tiền. Kế đến mấy chục gốc tiêu quanh vườn vốn là thu nhập chính bỗng nhiên chết rụi…

Nhà trên, ở bàn dài góc nhà, Quý đang học thuộc lòng: “Đêm nay bên bến Ô Lâu/ Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ/ Nhớ hình Bác giữa bóng cờ/ Rung rung đôi má bạc phơ mái đầu/ Mắt ngời sáng tựa vì sao…”. Đến đây Quý ngần ngừ đọc lại: “Mắt ngời sáng tựa vì sao. Mắt ngời…”; Quý lật sách ra nhòm. Giường cạnh, Hiếu đang ngủ, dạng tay dạng chân. Từ nhỏ Hiếu đã tự động làm mọi việc. Tôi lại nhớ dòng nước mắt của anh lúc nằm ở hành lang bệnh viện. Chị bảo anh thương mấy đứa, chúng nhỏ quá. Anh bệnh nên con khổ. Thằng Quý cũng lao vào đòi theo mẹ lên đồng gặt lúa. Chị không cho. Quý đau, mẹ khổ hơn. Quý đòi theo Hiếu đi cuốc mảnh đạn. Càng ngày sắt vụn càng ít. Hiếu phải xách cuốc xới nham nhở nhiều ngọn đồi.

Tôi không rõ Hiếu có nhận thức được công việc nguy hiểm này? Có mối liên hệ nào từ chiến tranh đến thời hậu chiến mà Hiếu là một chấm nhỏ ở giữa? Hiếu có biết rút ra bài học từ vùng đồi đang heo hút bóng người này? Hiếu sẽ phải tìm nhiều hơn những mảnh đạn...

Quý đã đỡ cha ngồi ở bàn, ấm nước ngon chị Lý dội trước lúc lên rẫy bốc khói. Tôi uống thấy gợn ngọt đọng lại nơi cuống họng...

Nỗi bứt rứt về lời hứa chưa thành khiến tôi hoang mang mỗi lần chạm tay lên bàn phím. Dằn lòng phải viết về Hiếu. Viết sao? Tôi đã viết nhưng cứ lâm vào lối vắng. Phải tìm cách đưa Hiếu đến trường! Tự hỏi: thay vì chép hiện thực, sao tôi không viết truyện ngắn, để có quyền hư cấu.

Sư cô kể, ơn Phật, cô gặp một người dân tộc thiểu số mách cho loại thuốc nam chữa bệnh nan y. Bán rẻ lấy công xem như tích phước, cũng có đồng ra đồng vào, không còn phải chợ búa kiếm gạo cho gia đình nên có điều kiện lập bàn thờ Phật tu tại gia.

Tôi đến nhà sư cô lấy thuốc và gửi ra cho cha Hiếu. Hai tháng bệnh tình có giảm, anh nhích nhắc đi lại được, quét dọn trong nhà ngoài sân. Hiếu nhập lớp học trên thị trấn. Tôi vui mừng gọi điện hỏi thăm… Hiếu nghe máy, bảo cháu đang chăm ba ở viện.

(Hư cấu đến đây tôi buộc phải dừng!).  

Tôi vẫn không ra với họ.

Chị Lý giờ chắc già nhiều. Hiếu có được đến trường như ước nguyện? Có lần lục danh bạ điện thoại, bấm rồi tắt ngay. Tôi hỏi thăm điều gì? Định xóa số liên lạc, lại thôi. Cơ duyên hôm ấy công tác từ phía Bắc về, xe dừng ăn cơm gần chỗ con đường dẫn tới ngọn đồi có ngôi nhà của Hiếu, tự dưng tôi nảy ý định rẽ đường. Sư cô chẳng bàn luận cũng lập tức lên xe lấy đồ xuống. Nhà Hiếu vắng lặng hoang vu. Tôi đến bên đỡ anh dậy. Sư cô rửa ráy trở vào, nhìn thấy anh bỗng giật mình. Và lặng đi.

Tim tôi nghẽn đập trước thông tin: Hiếu không phải con ruột chị Lý. Chuyện hẳn sẽ trôi vào dĩ vãng (...). Thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, nhiều lúc trong lớp thỉnh giảng, tôi luôn nghĩ Hiếu trở thành học trò của mình, ngồi ở phía trái gần cuối lớp, cánh cửa sổ hắt nhẹ ánh sáng lên khuôn mặt tươi vui ấy. Rồi thỉnh thoảng tôi lại tưởng đến cảnh Hiếu lên thành phố sống với mẹ đẻ, cũng được đến trường; thuốc chữa bệnh cho cha do sư cô bốc đều đặn được gửi về… Tôi ngắm kỹ những mảnh bom đạn vẽ trong thư, rất giống những gì anh em Hiếu lượm về ngày nào. Không có chữ ký dưới cùng, cầm bức thư tôi băn khoăn không biết của Quý hay Hiếu. Nếu của Hiếu, để tôi mừng Hiếu đã có rất nhiều chữ. Cũng không hiểu sao Quý hay Hiếu tìm được địa chỉ của tôi ở nước ngoài. Lá thư cực ngắn, như là một dòng tin viết vội. Như Hiếu (hay Quý) ngày ngày biết tôi ở đó, vẫn đi về lặng lẽ trong căn phòng thuê có treo hình đức Phật. “Mẹ cháu mất rồi chú ơi!”.

Tôi hẫng chân và rơi tự do không đáy vực. Hoang mang buồn rệu rã. “Mẹ cháu” là ai? Mẹ nuôi hay mẹ đẻ? Chị Lý hay ai khác? Tôi lục danh bạ, may nó còn, nhưng “số máy này không đúng”, mấy tháng sau gọi lại vẫn vậy, tôi bần thần rồi… xóa.

Xóa, nhưng kỷ niệm ùa về. Nhớ cái đêm ngủ lại nhà Hiếu, dậy muộn. Lúc chị Lý ra đồng, anh vẫn nằm trên giường. Nắng gay. Mặt trời chếch phía hồ. Dăm tàu lá chuối rách tươm lâu lâu lại động đậy trên mặt nước xanh lam. Hiếu từ trên đồi trụt xuống, theo con đường mòn quanh hồ cá tiến vào, hớn hở thổ ngược bì giữa sân, xòa ra toàn mảnh đạn, có cả những hòn bi lăn lóc.

Tôi vội bước ra: “Hiếu bới mảnh bom về đó a? Sớm thế?” Hiếu ngồi lựa mảnh, ngước lên, nheo nheo mắt vì nắng sớm. Tôi cầm những mảnh lên xem. “Cả chừng này mấy cân?” “Mảnh nhỏ quá chú ạ. Họ có máy rà được mảnh to, cả bom nữa”. Tôi chột dạ: “Này, đừng có đụng đến nghe Hiếu”. Hiếu cười một cách mơ hồ: “Bữa cùng mấy đứa bạn thấy lửa bốc lên, bọn cháu đua nhau chạy”.

Chị Lý nghẹn ngào kể hồi ấy anh bồng đứa trẻ về bảo người ta bỏ rơi giữa đường, có giấy của mẹ nó viết lại cầu xin ai nhận nuôi giùm... Chị không khóc nổi bởi hoàn cảnh còn khổ hơn giờ nhiều. Đứa con gái đầu vào Nam làm thuê, mấy Tết liền không gom đủ tiền về đoàn tụ với gia đình. Hôm qua thằng Hiếu khăng khăng con không lên thành phố sống. Con không muốn học nữa! Con ở nhà!

Tôi lặng nhìn vào ngôi nhà của Hiếu. Phía gian cuối anh đang trên giường ngồi tựa vào vách, bóng tối lùa vào sâu trong hốc mắt. Tôi đã có nghĩ đến việc sẽ hư cấu anh “biến mất”... May thay ý nghĩ ác đó tiêu tan bởi hình bóng một người phụ nữ không rõ mặt đến bên giường và cõng anh, từng bước nặng nề lần xuống ngọn đồi thoai thoải. Là mẹ ruột của Hiếu. Tôi lập tức để ý xem Hiếu có chạy theo họ. Không!

Hiếu bảo: “Không đúng sự thật”. Và thẳng lên bảng xóa sạch những dòng hư cấu còn vương bụi phấn trong nỗi bàng hoàng của ngay cả chính tôi.

NHỤY NGUYÊN

;
.
.
.
.
.