Có những đời người sôi động, có những con người đa năng, và có những cuộc đời phong phú. Huỳnh Văn Chính có lẽ là một trong những con người như vậy.
Huỳnh Văn Chính là một nhà doanh nghiệp thành đạt. Rõ rồi! Huỳnh Văn Chính luôn biết tìm ra hướng đi ngay trong những khi cuộc thế nhiều điều vướng mắc, cực đoan. Cũng không ai phủ nhận. Không kể làm gì cái cương vị đại biểu Quốc hội (Khóa XI), vì đấy chỉ là chuyện giai đoạn, thời thế.
Chỉ xét riêng về mặt con người thôi, thì anh đã là người hào hiệp, luôn biết giúp đỡ người hoạn nạn, kẻ khó; sống thủy chung với anh em, bạn bè, trước sau bao giờ cũng trọn một mối chân tình. Chỉ riêng về mặt con người thôi, như thế, Huỳnh Văn Chính đã là người đáng cho ta quý trọng.
Nhưng con người giàu nghị lực, đa năng và nhiều khát vọng sống ấy lại muốn đem cả cuộc đời mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, để thể hiện thành những cung bậc khác nhau trong văn chương mới là điều đáng kinh ngạc, và vì thế lại càng đáng quý.
Người xưa bảo, kiếp tằm phải nhả tơ. Nhưng không là thân tằm, không chọn cuộc đời làm một văn nhân, nghệ sĩ, mà vẫn thiết tha nhả tơ cho đời, thì lại càng đáng quý, đáng yêu hơn. Huỳnh Văn Chính sống như thế, thiết tha như thế.
Qua khỏi cái ngưỡng tuổi đời 70, Huỳnh Văn Chính tập hợp tất cả những sợi tơ lòng của suốt một đời để tạo nên một lọn tơ dâng tặng cho đời, như anh vẫn đem những sợi tơ tằm, sợi tổng hợp dệt thành tấm áo, chiếc khăn phục vụ khách hàng trong và ngoài nước trong suốt mấy chục năm qua, mãi đến hôm nay vẫn chưa ngừng nghỉ.
Đây là một tập sách tuyển chọn đáng kể, được sắp xếp theo nhiều chủ đề riêng: Thời cắp sách; Cho đất nở hoa; Thân thương Đà Nẵng; Thâm tình; Gửi gắm niềm tin; Những vần thơ thư giãn; Thơ vui đối đáp với nhà báo. Đó là thơ. Còn phần sau của Tuyển tập là những bài báo của Huỳnh Văn Chính, được tuyển chọn và sắp xếp lại với cái tên chung: Hồi ức.
Chỉ riêng việc một doanh nhân viết báo đã thể hiện quá rõ ràng và cụ thể cái đa năng, đa tài của Huỳnh Văn Chính.
Điều đáng nói là, trong “gia tài” thơ văn của Huỳnh Văn Chính, theo tôi, sau này nếu cuộc đời còn nhớ tới, thì đó sẽ là những bài thơ nói lái của anh, vì chính đây là chốn riêng, là “mảnh đất” văn chương đã thể hiện hết cái biệt tài của Huỳnh Văn Chính.
Thơ nói lái của Huỳnh Văn Chính đi theo suốt cuộc đời anh, nhưng đã bị bỏ quên, rơi rớt suốt chặng đường dài qua bao năm tháng; để cuối cùng, với sự thúc hối liên tục của chính kẻ viết bài này, đã được nhớ lại, sưu tầm lại một phần, in thành tập sách Thơ vui cùng sự nghiệp (Nhà xuất bản Lao Động, 2013), mà chính tôi đã viết bài giới thiệu: “Nói lái cho đời vui”.
Từ con người cho tới thơ văn, ở Huỳnh Văn Chính, hồn cốt và khí chất của con người Quảng Nam được thể hiện rất rõ. Người đất Quảng ưa nhìn cuộc đời, suy nghĩ và sống cho cuộc đời một cách nghiêm túc, nhiều khi có thể nói là quá nghiêm túc, khá cực đoan.
Chính vì thế, ở con người của vùng đất gai lửa này, mọi cách ứng xử thường được nâng lên thành cái Đạo: Đạo học, Đạo Yêu nước, Đạo Làm Người (hay còn gọi là Đạo Ở Đời)... Huỳnh Văn Chính là người luôn muốn sống trọn cái Đạo-Làm-Người không phải dễ dàng gì ấy!
Thơ nói lái của Huỳnh Văn Chính sẽ được nhớ tới như một cách thế biểu hiện của con người xứ Quảng. Tôi tin như thế! Và tôi hãnh diện vì được làm bạn với Huỳnh Văn Chính từ thời mới bước chân vào bậc trung học (lớp 6) ở Trường Trần Quý Cáp, Hội An, cách nay đã 58 năm trời.
Và đó cũng chính là lý do để tôi rất vui khi được viết lời giới thiệu cho Tuyển tập của một Con người Đất Quảng, tuyển tập văn chương mang sinh khí của Đất và Người nơi đã từng được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng gọi là “yết hầu” của vùng Thuận Quảng từ hơn 400 năm trước; là một tập hợp đầy chất nhân văn, Một đời nhả tơ: Thơ và Hồi ức Huỳnh Văn Chính, NXB Hội Nhà văn-tháng 12-2016.
TẦN HOÀI DẠ VŨ