Chỉ bằng một thao tác rất đơn giản trên điện thoại hoặc trên bảng điều khiển, người dùng dễ dàng có ngay một ly cocktail mình mong muốn. Đó là nhờ “Hệ thống pha chế cocktail tự động” của 5 sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Sáng chế này đã đem về giải khuyến khích cho các bạn trẻ tại Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2016 và ngay sau đó mô hình này được chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH Cà phê Ý tưởng.
Nhóm tác giả bên sản phẩm “Hệ thống pha chế cocktail tự động” tại một triển lãm các công trình nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Duy Tân năm 2016. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
“Hệ thống pha chế cocktail tự động” được 5 sinh viên gồm Bùi Tấn Tài, Huỳnh Ngọc Long, Lê Bá Đông, Đặng Văn Lập, Nguyễn Thọ Thảo, sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Duy Tân tìm tòi, nghiên cứu suốt hơn 6 tháng để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh.
Chia sẻ về sự ra đời của hệ thống pha chế này, Huỳnh Ngọc Long cho biết, thành phố Đà Nẵng đang rất phát triển về du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế; hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng ngày càng được mở rộng để phục vụ du khách.
“Khi mới có ý tưởng, nhóm có đi thực tế tại một số nhà hàng, quầy bar và nhận thấy những lúc đông khách, các bartender (người pha chế) không đủ thời gian pha chế, khách sẽ phải chờ đợi, vì thế việc ứng dụng công nghệ và tự động hóa một số khâu trong nhà hàng, quầy bar là điều cần thiết, giúp các bartender có thể phục vụ được nhiều khách cùng một lúc. Đây cũng là một lựa chọn tốt cho những quầy bar nhỏ, không có bartender”.
Hệ thống pha chế của các bạn trẻ gồm có khối nguồn cung cấp nguồn điện 12V cho hệ thống; khối hiển thị hiển thị thông tin ra màn hình LCD; vi điều khiển để nhận dữ liệu từ module bluetooth và phím điều khiển để điều khiển động cơ di chuyển; bàn phím để chọn loại cocktail; điều khiển động cơ thực hiện các thao tác pha chế một cách chính xác nhất.
Theo nhóm sinh viên thực hiện, để có một ly cocktail, người dùng sẽ thực hiện thao tác gọi loại cocktail từ điện thoại thông qua kết nối bluetooth (ngoài kết nối bluetooth từ điện thoại tới module còn phải lập trình một ứng dụng có giao diện để người dùng có thể chọn loại cocktail mình muốn trực tiếp trên hệ thống); lúc đó hệ thống sẽ thực hiện việc pha chế bằng cách tự động di chuyển các chai rượu trên giá và rót rượu vào ly với tỷ lệ đã được cài đặt trước đó. Hiện tại, hệ thống có thể pha chế được 8 loại cocktail thông dụng; hạn chế của sản phẩm này là không thể pha chế đồ uống theo yêu cầu đặc biệt của khách hàng.
Trong quá trình sáng chế, nhóm cũng gặp khá nhiều khó khăn. Theo Nguyễn Thọ Thảo, vì các thành viên trong nhóm đều là sinh viên, còn đang trong quá trình học tập, chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào từ thực tế nên khi lắp đặt hệ thống gặp trục trặc, lắp không chuẩn.
Các bạn vừa tìm kiếm thông tin trên mạng, vừa thử nghiệm làm đi làm lại nhiều lần. Bên cạnh đó, các thiết bị, linh kiện để gia công cơ khí ở Đà Nẵng rất hạn chế, nhiều khi cần thay thiết bị này, thiết bị kia, nhưng tìm kiếm ở Đà Nẵng không có, phải đặt mua trên mạng Internet, rồi chờ gửi về mới có đồ để thay thế; chưa kể phần thi công và lắp ráp các thành viên trong nhóm đều làm thủ công nên mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện hệ thống.
Cũng theo Nguyễn Thọ Thảo, đây là hệ thống tự động nhưng vẫn bảo đảm tính thẩm mỹ khi có hệ thống đèn led trang trí có thể chỉnh màu tùy ý, tạo hiệu ứng khi máy hoạt động. Chủ nhà hàng cũng có thể đặt máy tại các quầy bar với mục đích trang trí, khi máy pha chế tạo ra sự mới lạ, độc đáo với khách.
Để sáng tạo ra một sản phẩm hoạt chỉnh và phục vụ đời sống là điều không hề đơn giản. Ngọc Long bày tỏ, những ngày tự mày mò, tìm hiểu thông tin, lắp ráp hệ thống, được tham gia các triển lãm, giải thưởng là cơ hội để các thành viên trong nhóm học hỏi, cọ xát, giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tay nghề trong việc thực tế hóa các kiến thức đã học. Đây cũng là động lực để các bạn tiếp tục nung nấu, hiện thực hóa những ý tưởng, dự định khác của mình.
Giải thưởng Euréka là giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học trong các trường đại học do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thường niên nhằm tìm kiếm các công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng của sinh viên, ươm mầm những tài năng nghiên cứu trẻ ở các lĩnh vực như: kinh tế, xã hội nhân văn, giáo dục, công nghệ thông tin, quy hoạch - kiến trúc - xây dựng, pháp lý, công nghệ hóa dược, tài nguyên môi trường, nông lâm ngư, công nghệ sinh - y sinh. |
HÀ KHUÊ