.

Hơn tất cả là tình yêu thương

.

Nếu cuộc sống gia đình thiếu tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau, thì dưới mỗi nếp nhà, những tranh chấp, xung đột, cãi vã - nếu có xảy ra - cũng là điều tất yếu…

Bà Đích, vợ ông Nguyễn Chính ung dung ngồi đan trong lúc chờ ông chuẩn bị cho nồi nước lá. Ảnh: T.Y
Bà Đích, vợ ông Nguyễn Chính ung dung ngồi đan trong lúc chờ ông chuẩn bị cho nồi nước lá. Ảnh: T.Y

1. Mặt trời vừa ngả sang đằng tây, ông Nguyễn Chính (87 tuổi), thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cầm chiếc kéo đi ra góc hè cắt mấy nhánh lá chanh, vói thêm ít lá tre, nhổ vài bụi sả. Xong đâu đấy, ông múc vài ba gàu nước giếng gột rửa bụi bám trên đám lá, bỏ vào chiếc nồi nhôm, nhóm lửa.

Mỗi tuần vài ba lần, ông ân cần, chăm chút nồi nước lá cho vợ gội đầu. Hơn 60 năm sống bên nhau, hàng xóm ít khi nào thấy vợ chồng ông to tiếng. Nay, ở tuổi xế chiều, con đàn cháu đống, đôi vợ chồng già càng quấn quýt nhau không rời.

Bà đi chợ, ông đạp xe đi theo để giành phần mang giỏ xách về nhà. Bà đi chơi loanh quanh trong xóm, ông vô ra trông ngóng rồi trách yêu “bà đi chi lâu rứa” khi thấy bóng bà về đến ngõ.

Nấu xong cho vợ nồi nước lá và giục bà đi gội đầu khi nước còn hâm hẩm nóng, ngồi trên chiếc chõng tre kê ở góc sân, ông Chính nói giàu nghèo không quyết định được hạnh phúc gia đình mà chỉ có sự yêu thương, hòa hợp và nhường nhịn lẫn nhau.

Con cái càng lớn, bậc làm cha làm mẹ càng phải nêu gương. Nhà có trái mít hay buồng chuối chín trong vườn, ông cắt chia đều cho 5 đứa con đang sinh sống gần đó. Sau mỗi lần giỗ tiệc, có ít bánh trái, ông kêu mấy đứa cháu ra sân phát cho bằng hết.

Cứ thế, ông quan tâm đến mọi người trong gia đình. Điều ông Chính tự hào và luôn lấy đó làm hạnh phúc là nếp nhà được gìn giữ sau bao nhiêu năm. Ông tâm sự: “Bằng sự quan tâm, vợ chồng tui luôn dặn dò con cái phải biết yêu thương nhau, dặn con trai không được giơ tay đánh vợ, dặn con gái phải biết nhường nhịn, chín bỏ làm mười để giữ lửa gia đình. Bởi trong có yên thì ngoài mới ấm, con cái mới có tuổi thơ trọn vẹn”.

Giữa lúc chồng đang say sưa kể về mấy đứa con thì bà Đích, vợ ông góp lời: “Mấy đứa nhà này hay lắm. Có gia đình riêng nhưng đều ở quanh đây. Mỗi ngày không đứa này thì đứa khác cũng ghé về thăm ba má”. Tôi đưa tay chỉ về tấm ảnh gia đình chụp chung gần 30 người treo trên tường, nói chắc ông bà tự hào lắm khi nếp tẻ đều đủ cả. Ông Chính cười bảo, “ảnh đó gia đình chụp chung hôm bà nhà tròn 80 tuổi đấy, mình có thương dâu thương rể thì tụi nó sẽ yêu thương mình hơn”.

2. Giữa phố xá chộn rộn, nhiều gia đình vẫn lựa chọn lối sống “quê kiểng”, mộc mạc chất làng quê. Từ đường Võ Chí Công, rẽ vào con đường đất một đoạn ngắn là đến nhà ông Hai ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, một gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa nhiều năm liền. 

Ông nói, từ ngày giá đất ở Hòa Quý được giới đầu cơ đẩy lên chóng mặt, có nhiều người tìm đến nhà nài nỉ mua mảnh vườn trước mặt nhưng ông nhất quyết không bán. Đất ông bà tổ tiên để lại, bán rồi không gian bó hẹp, chật chội không quen. Hơn nữa, có tiền tỉ trong tay, ông lại lo con cái sinh tật ỷ lại, không chịu làm ăn thì khổ.

Ông phân trần: “Hôm rồi, xem ti-vi thấy chiếu cảnh hai anh em vì một miếng đất ba mẹ để lại mà đưa nhau ra tòa, đứa nào cũng muốn giành phần hơn. Thiệt chứ, già cả rồi thấy mấy cảnh đó nản lắm, anh em cùng mẹ sinh ra yêu thương nhau không hết, chỉ vì miếng đất mà quay lưng lại với nhau sao đành”.  Mọi người nói đấy là do ông Hai lo xa.

Chứ mấy đứa con nhà ông, đứa nào cũng học giỏi, ngoan ngoãn, sống có trên có dưới, lễ phép với xóm làng. Đứa đầu thi đỗ Đại học Bách khoa, đứa thứ hai vào Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), đứa thứ ba đang học THPT gần nhà, tối nào cũng học bài đến khuya.

Khoảng sân trước nhà ông Hai có cây vú sữa rợp bóng mát. Dưới gốc me, ông kê bộ bàn ngồi uống trà, thỉnh thoảng nhấm nháp ly rượu với mấy ông hàng xóm. Trên nhành mai cạnh đó ông treo mấy lồng chim hòa tiếng hát véo von.

Ông bảo, chính cái vẻ bình yên ấy mà không khí trong gia đình luôn nhỏ nhẹ, ân cần. Nếu bán đất đi, gia đình ông sẽ mất luôn khóm tre, cây xoài, cây ổi, mấy luống rau, không được túc tắc làm vườn, dễ sinh bệnh tật.

Giữa lúc phong trào bán đất đang diễn ra rầm rộ, bộ mặt đô thị ở Hòa Quý dần thay đổi, những căn nhà cấp 4 bỗng chốc nhường chỗ cho kiến trúc nhà mặt phố thì ngôi nhà của ông Hai vẫn giữ nguyên nếp xưa cũ (ông không muốn nêu họ tên đầy đủ lên mặt báo, cũng vì không muốn ai liên hệ tìm mua đất). Với ông, nếp nhà, cuộc sống bình yên thường nhật, gần gũi với thiên nhiên là điều quý giá hơn cả.

3. Nhiều năm nay, bà con khu vực Mỹ Thị, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn thường nói ví von “hết tiền thì tới bà Ca, đám ma thì có bà Bé” mỗi khi nhắc đến bà Năm Bé, tên thật Trần Thị Hoa. Ở tuổi 83, bà Năm Bé vẫn túc tắc việc trong nhà ngoài xóm, lo tang ma, hòa giải, kêu gọi từ thiện giúp đỡ những trường hợp khó khăn quanh đó.

Nhà nào không may có người qua đời, bà luôn là một trong những người đầu tiên có mặt, giúp gia đình liên hệ thuê cái trống, cái chiêng, vận động thanh niên khiêng quan, lập cáo phó… Chị Lê Thị Hồng Sanh, công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn cho hay, lâu nay bà Năm Bé chẳng nề hà việc gì, việc của hàng xóm mà xốc tay áo làm như chính việc nhà mình, cách nói chuyện cũng đầy triết lý, ân tình khiến người ta nể mà nghe theo, làm theo.

Trong đó, bà bỏ không ít công sức đi trò chuyện, vận động, kêu gọi người dân đồng lòng hưởng ứng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ người nghèo. Đã có hàng ngàn mét đường bê-tông lưu thông nội bộ, vật dụng phục vụ hội họp tại hội trường khu dân cư, đồ dùng tại nhà tang lễ… đều có bàn tay đóng góp của bà Năm Bé.

Không giữ cương vị nào tại khu vực mình sinh sống, nhưng bà Năm Bé, bằng tình người và kinh nghiệm sống của lớp người đi trước, đã ươm mầm cho cây đời tươi tốt màu xanh. Bà quan niệm, làm từ thiện ở đâu cũng không bằng làm từ thiện trên chính quê hương mình, giúp đỡ bà con láng giềng thân thuộc khi họ chẳng may sa cơ lỡ vận là trách nhiệm của mỗi người khi sống trong một môi trường văn minh, một thành phố đáng sống.

Có lẽ, ngoài cái tâm của người chị cả trong khu dân cư, uy tín ngoài xã hội đã giúp các thành viên trong gia đình bà Năm Bé luôn sống nghĩa tình, có trước, có sau, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào do chính quyền phát động.  

Sống nhân hậu và đầy lòng yêu thương, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng là những nét đẹp vẫn xuất hiện đây đó trong đời sống xã hội. Với những người cao tuổi, danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” không phải là đích đến, đó là món quà, là niềm hy vọng gửi gắm để mong các thế hệ con cháu nhìn vào đó mà phấn đấu, trưởng thành.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.