.

Lời đề tặng của một quyển sách

.

Tập bút ký Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng là một áng văn bất hủ, tính từ khi xuất bản lần đầu tiên (1972) đến nay đã 45 năm đã làm say mê biết bao thế hệ bạn đọc. Trong ấn bản đầu tiên ấy, có lời đề tặng của tác giả dành cho người vợ với nội dung:

Bắt đầu viết cuốn sách này thì đã nhớ. Viết được câu chót bài Tháng Chín thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn: Nguyễn Thị Quỳ… Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu. Lời đề tặng được viết ngắn gọn, súc tích hàm chứa tình cảm sâu nặng của nhà văn Vũ Bằng với đất Bắc, đặc biệt nó có một ý nghĩa không nhỏ với bạn đọc trong quá trình tìm hiểu tác phẩm văn học này…

Thế nhưng bản sách Thương nhớ mười hai do Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh tái bản và một số nhà xuất bản lại bỏ quên in lời đề tặng của tác giả. Bỏ quên lời đề tặng ở đầu sách là một thiếu sót cần được suy ngẫm.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Chỉ mấy dòng đề tặng nhưng thật sự mang một nỗi niềm trĩu nặng nức nở nhớ thương vô cùng. Một nỗi nhớ tha thiết đau đớn đến chết người dằng dặc bủa vây trùng trùng hoài cảm trải qua cả năm mười hai tháng. Mỗi tháng, mỗi thời khắc đều bàng bạc trong tâm tưởng hoài cảm của người ra đi trên dặm dài thiên lý đối với nơi chôn nhau cắt rốn ở miền Bắc, Hà Nội trong suốt hai mươi năm chia đôi đất nước. Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng hai, tương tư hoa đào; Tháng ba rét nàng Bân; Tháng tư mơ tắm suối Mường; Tháng Năm nhớ Nhót, Mận, Rượu nếp và Lá móng; Tháng sáu thèm nhãn Hưng Yên…

Nghĩa là suốt mười hai tháng vẫn là miên man nỗi nhớ. Nhớ quê, nỗi lòng với quê hương đất nước, yêu thương Hà Nội đến tê buốt với một nỗi đau chẳng biết giãi bày cùng ai. Người vợ mà ông thương quý nhất, với lòng trắc ẩn nhất cũng là nguồn cảm hứng văn chương đầy chua xót khởi đầu và kết thúc của thiên bút ký tuyệt vời đã làm biết bao thế hệ người đọc phải thổn thức theo từng trang viết.

Nhà văn Tô Hoài đánh giá rất cao Vũ Bằng, không phải ông so sánh nhưng Tô Hoài vẫn đưa Nam Cao làm đối trọng để đánh giá: “Sự ảnh hưởng qua lại rồi nảy sinh những sáng tạo khác nhau thường thấy những tài năng… Nhưng ở Vũ Bằng, cái ngẩn ngơ bằng những nét bút khinh bạc. Ở Nam Cao là cái gì bi phẫn, cái gì giằng xé. Điểm cuối cùng đi tới mỗi người mỗi khác…

Với Thương nhớ mười hai, Tô Hoài dành sự ngưỡng mộ: “Thương nhớ mười hai là một nét anh hoa của tấm lòng với cuộc đời”. Nhà văn Triệu Xuân thì kể lại câu chuyện: Có người bạn hỏi tôi: Sang thế kỷ 21 rồi, nếu chỉ mang 10 cuốn sách văn học vào thế kỷ mới, ông mang những cuốn nào? Tôi trả lời ngay: Một trong những cuốn tôi mang theo là Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.  

Khi viết Thương nhớ mười hai và nhiều tác phẩm khác, Vũ Bằng ở vào một hoàn cảnh khá éo le là vào Sài Gòn để hoạt động quân báo ngầm để vợ là bà Nguyễn Thị Quỳ và đứa con trai là Vũ Hoàng Tuấn ở lại Hà Nội trong một thời gian dài phải chịu bao nhiêu điều tiếng, bà con hàng xóm xa lánh, cô lập, mỉa mai chỉ vì có chồng, có cha mang tiếng “dinh tê về thành”, là nhà văn “quay lưng lại với kháng chiến”, là “di cư vào Nam theo giặc”.

Vợ ông mất trong tủi nhục tức tưởi vì nhân thân của chồng vẫn chưa được làm rõ. Lúc bà mất, đất nước còn phân chia hai miền nhưng ông cũng biết tin, rốt cuộc ông chẳng được thắp một nén hương cho vợ. Với Vũ Bằng cũng vậy, sau một thời gian dài để xác minh nhưng đã quá muộn màng, tháng 3-2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng mới có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo, tiếc rằng ông đã mất 14 năm trước đó (1984). Thương nhớ mười hai, là nén hương lòng khóc vợ như dòng cuối lời đề tặng: Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu…

Rõ ràng hình bóng của vợ là nguồn cảm hứng sâu xa ám ảnh đầy ức chế tạo cho Thương nhớ mười hai trở thành một áng văn bất hủ, một tiếng kêu thống thiết bi thương vọng lên giữa trần ai thế sự. Vì vậy, không hiểu sao Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh lại gạch bỏ lời đề tặng vô cùng tâm huyết của tác giả đối với đứa con tinh thần của mình.

Lời đề tặng như một cánh cửa mở ra lời mời gọi giúp người đọc tiếp cận sâu hơn tuyệt phẩm văn học đó. Cắt bỏ lời đề tặng của tác giả khác chi không cho ông thắp nén hương cho vợ, khác chi cắt bỏ cái tâm thế của người đọc với văn chương.

Ô hay, dạy ngữ văn trong nhà trường phổ thông, giáo viên phải biết tạo một tâm thế cho học sinh trước khi  bình giảng, phân tích một tác phẩm văn học cụ thể, vừa để tạo sự hứng khởi cho học sinh cũng như tạo một tiền đề nhằm khai mở sự cảm nhận cho học sinh trước tiết học. Cũng vậy, lời đề tặng của tác giả ở đầu sách Thương nhớ mười hai, là một khởi đầu cho tâm thế để bước vào thế giới sáng tạo văn học Thương nhớ mười hai.

Vâng chỉ là một lời đề tặng với vài dòng ngắn ngủi nhưng ý nghĩa sâu xa vô cùng.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.