.

Mở cánh cửa tương lai

.

Mỗi năm có hàng chục sinh viên (SV) thuộc các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng nhận học bổng du học từ nguồn học bổng (HB) được ký kết của Chính phủ Việt Nam và các nước, từ các chương trình trao đổi SV giữa ĐH Đà Nẵng và các trường đối tác ở nhiều nước trên thế giới, từ chương trình giao lưu văn hóa, khoa học… Đây cũng là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, bổ sung vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Sinh viên Việt Nam tại ĐH Sư phạm Tula, Nga tổ chức thi Rung chuông vàng tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam và Nga ngày 19-3-2017. (Ảnh do Hoàng Dung cung cấp)
Sinh viên Việt Nam tại ĐH Sư phạm Tula, Nga tổ chức thi Rung chuông vàng tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam và Nga ngày 19-3-2017. (Ảnh do Hoàng Dung cung cấp)

Cơ hội dành cho người luôn cố gắng

Phan Nguyễn Hồng Hạnh (du học sinh năm nhất chuyển tiếp tại Trường ĐH Sư phạm Tula, Nga), hiện đã học tập tại Nga được 7 tháng chia sẻ: “Mình đến đây chưa lâu nhưng quãng thời gian học tập ở đây rất ý nghĩa. Mình học 2 năm đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Nga ở Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) và qua đây học chuyển tiếp một năm. Quyết định qua đây mình cảm thấy thực sự rất đúng đắn, mặc dù ở nhà mình được giáo viên giảng dạy rất nhiệt tình, nhưng khả năng nghe nói của mình rất hạn chế. Việc qua đây học giúp mình cải thiện được kỹ năng rất nhiều, tạo cho mình điều kiện vận dụng ngôn ngữ nhiều hơn. Mình thấy việc học tập bên này cũng năng động hơn ở nhà, bởi ở nhà thường dạy chú trọng ngữ pháp hơn”.

Cùng đi với Hồng Hạnh sang Nga năm 2016 từ Trường ĐH Ngoại ngữ chỉ có vài bạn SV năm thứ 3 được nhận HB du học theo chương trình trao đổi ngắn hạn và 4 bạn SV năm thứ 2 nhận HB toàn phần cho chương trình học đại học tại Nga. Để có được suất HB ấy, các bạn phải có kết quả học tập xuất sắc và phải vượt qua những gương mặt sáng giá để được chọn tham dự kỳ thi Olimpic tiếng Nga trên toàn quốc.

Nguyễn Thuận Hoàng Dung, SV Trường ĐH Sư phạm Tula, Nga, cựu SV khoa tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ, được nhận HB toàn phần chương trình đại học của Chính phủ Việt Nam năm 2016 cho biết, với khoảng 100 SV Việt Nam hiện đang học tại Tula (thuộc 2 trường sư phạm và kỹ thuật), các bạn thường xuyên tổ chức giao lưu do chính du học sinh Việt tự tổ chức như chợ xuân, trại hè, tìm kiếm tài năng... Tất cả đều mang đậm nét văn hóa Việt Nam, giúp mỗi người đoàn kết hơn nơi xứ người và vơi đi nỗi nhớ nhà. Và cái được của việc đi du học, ngoài việc cải thiện kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn, là được giao lưu về kiến thức, văn hóa, kết bạn với bạn bè nhiều nước trên thế giới, những điều mà ở Việt Nam khó có thể làm được.

Những năm gần đây, nguồn HB dành cho SV các trường sang Nga du học luôn cao hơn nhiều nước vẫn dành nguồn tài chính này cho đào tạo nhân lực Việt Nam. Đây là cơ hội cho nhiều SV, khi các bạn không chỉ được học những ngành công nghệ, kỹ thuật, học thuật thuộc hàng đỉnh cao, mà còn được tiếp cận song song hai ngôn ngữ Nga-Anh, và có cơ hội làm việc ở toàn cầu chứ không giới hạn ở những nước nói tiếng Nga như những thập niên trước đây.

Lê Thị Sảnh, SV năm cuối khoa tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, sau khi học 1 năm chuyển tiếp ở Học viện Puskin, Moscow, Sảnh chuẩn bị tốt nghiệp và sẽ nộp hồ sơ xin tiếp HB thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Nga. “Cơ hội học lên cao ở Nga khá nhiều, nhất là khi SV tốt nghiệp loại giỏi. Em nghĩ đi du học là ước mơ của nhiều SV, bởi chỉ cần học một thời gian ngắn ở Nga, em thấy mình dạn dĩ hơn trong giao tiếp, lĩnh hội kiến thức. Ở môi trường quốc tế bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn là môi trường quen thuộc”. Có thể đó là mục đích mà nhiều bạn trẻ hiện nay phấn đấu để được giao lưu, học tập trong môi trường toàn cầu.

Rộng mở cánh cửa tương lai

Theo Hoàng Dung, sau sự nỗ lực phấn đấu để được đi du học, mỗi người khi đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, sử dụng một ngôn ngữ mới, làm quen với lối sống, phong tục mới, sẽ không khỏi lo lắng, nhưng xen vào đó cũng có rất nhiều điều thú vị. Những du học sinh đến Nga đều rất may mắn vì luôn nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng du học sinh Việt.  “Họ tận tình chỉ bảo, hướng dẫn và quan tâm, chăm sóc khi chúng tôi gặp những vướng mắc, khó khăn. Ngoài ra, tính cách thân thiện của người bản xứ cũng giúp các bạn SV rất nhiều. Chỉ cần nhận được lời chào của bác canh cửa ký túc xá, câu hỏi thăm của những bà bán hàng, những lần bê giúp đồ của những người bạn nước ngoài... cũng đủ khiến bạn thấy ấm áp khi ở xa xứ. Chúng tôi còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên. Khi bạn có thắc mắc hay không hiểu thì chỉ cần lên tiếng, không chỉ thầy cô mà còn bạn bè cũng tận tình giúp đỡ”.

Từ câu chuyện của Hoàng Dung, nhiều bạn từng du học cho biết, khi đi du học, không chỉ được học văn hóa của đất nước sở tại, bạn sẽ được học văn hóa từ  hàng chục, hàng trăm SV từ nhiều nước trên thế giới. Và cánh cửa việc làm sau khi đi du học cũng rộng mở hơn với nhiều người. Nguyễn Thị Thùy Nhung (quê Quế Sơn, Quảng Nam), từng học chương trình đại học và xin học bổng lấy bằng thạc sĩ ở Nhật cách đây 2 năm cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, Nhung nộp hồ sơ ở hai công ty của Nhật và đều được mời đi làm. Sau đó Thùy Nhung đã chọn một công ty có một số dự án triển khai ở Bắc Ninh để có thể thường xuyên về Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Bách khoa cho rằng, việc được nhận HB du học trong SV mở ra nhiều cơ hội cho những em đam mê học tập, nghiên cứu, khi các em được tiếp cận nền khoa học của các nước tiên tiến, khi quay về sẽ thúc đẩy sự phát triển trong nước, có thể làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, những người là du học sinh sẽ có phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Với những SV đi theo con đường nghiên cứu, nếu học lên tiến sĩ, thì cơ hội để làm việc tại các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng rất lớn khi đơn vị này đang thu hút đội ngũ các giảng viên, nhà nghiên cứu từ các nước có nền học thuật tiên tiến.

Từ năm 2010 đến 2016, Trường ĐH Bách khoa có trên 110 SV được nhận HB đi du học tại Nga theo diện hiệp định giữa Chính phủ 2 nước, đi theo chương trình liên kết 6 tháng và 2 năm tại một số trường ĐH ở Nhật Bản, theo các chương trình giao lưu văn hóa và thực tập tại Pháp, Nhật, Thái Lan. Trong đó những SV đi giao lưu văn hóa ở Nhật và Thái Lan chiếm số lượng lớn, hằng năm có khoảng 10 SV đi theo diện này.

Năm học 2015-2016 và 2016-2017, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng có hơn 120 SV tham gia các chương trình học, giao lưu ở các nước Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia.

Không tính nguồn HB Chính phủ, năm 2016 có 68 SV các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đi học tập ngắn hạn, giao lưu tại các nước: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và năm 2017 (tính đến thời điểm 15-3-2017) đã có 29 SV đi Nhật, Hàn, Thái Lan.

(Nguồn: Phòng Công tác SV Trường ĐH Bách khoa và Ban Công tác HSSV ĐH Đà Nẵng)

Cơ hội du học cho người đi làm

Vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ về Chính sách công từ nguồn học bổng Chevening của Bộ Ngoại giao Anh cách đây không lâu, Trương Lê Dung, hiện đang công tác tại Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho biết: “Người đi làm có khá nhiều cơ hội xin học bổng du học vì các học bổng của chính phủ nước ngoài với mục tiêu hỗ trợ cho các nước đang phát triển, hay đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai đều yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan ít nhất là hai năm trở lên. Nếu ứng viên có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn làm việc thì sẽ là một điều kiện rất tốt để tăng tính thuyết phục khi hoàn thiện hồ sơ và phỏng vấn xin học bổng”.

Trương Lê Dung (đầu tiên hàng thứ 2) khi đang du học tại Anh.(Ảnh do Lê Dung cung cấp)
Trương Lê Dung (đầu tiên hàng thứ 2) khi đang du học tại Anh.(Ảnh do Lê Dung cung cấp)

Dù thời gian học chỉ kéo dài một năm nhưng đã giúp Lê Dung tăng cường thêm nhiều kỹ năng như kỹ năng nghiên cứu, tự học; kỹ năng tư duy phản biện khi xem xét, giải quyết vấn đề - một kỹ năng rất cần thiết khi xây dựng một chính sách; kỹ năng phân tích, đánh giá vấn đề.

Theo kinh nghiệm của Lê Dung, “để tìm được học bổng thì phải xác định được mục tiêu của mình, xác định lĩnh vực mình muốn học, lựa chọn học bổng phù hợp, và quyết tâm theo đuổi đến cùng, nỗ lực hết khả năng để đạt được cái mình muốn”.

Ngoài học bổng dành cho SV, nhiều cán bộ công chức thuộc các sở, ban ngành ở Đà Nẵng được cử đi đào tạo ở nước ngoài theo đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công (thuộc đề án 13100), hoặc học bổng do mỗi cá nhân tìm được.

Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tính đến tháng 3-2016, đã có 629 lượt học viên được cử đi học, trong đó có 398 học viên bậc đại học (163 học trong nước, 235 học ở nước ngoài), 119 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú và 112 học viên bậc sau đại học (91 bậc thạc sĩ và 21 bậc tiến sĩ), được đào tạo theo đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng.

Hiền Lương

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.