Các nhà lãnh đạo châu Á sẽ "dẫn dắt" kinh tế thế giới?

.

Forbes, tạp chí nổi tiếng của nước Mỹ, đưa ra nhận định trong tương lai các nhà lãnh đạo kinh doanh ở châu Á sẽ “dẫn dắt” nền kinh tế thế giới. Châu Á đang là lục địa có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất mạnh mà theo Ngân hàng Phát triển châu Á, đóng góp tới 60% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017 dựa trên hai yếu tố: nhu cầu tiêu dùng từ các châu lục khác và giá cả hàng hóa tăng cao trên toàn thế giới.
Viện Quản trị năng lực lãnh đạo (HCLI) có trụ sở tại Singapore kết hợp với tập đoàn Tata Communications có trụ sở tại Ấn Độ thực hiện việc nghiên cứu về phong cách lãnh đạo tại vài thị trường châu Á cho thấy sự thành công của họ nhờ mối quan hệ trong cả giới doanh nghiệp lẫn chính trị. Điều này có thể liên quan đến các giá trị văn hóa về mối quan hệ gia đình với tầng lớp xã hội.

Con rồng châu Á sẽ vươn tầm thế giới.
Con rồng châu Á sẽ vươn tầm thế giới.

Trong khi đó, nghiên cứu về lãnh đạo kinh doanh ở châu Á của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy Nho học là nền tảng văn hóa kinh doanh ở Trung Quốc. Đó là phong cách lãnh đạo phân cấp, báo cáo rất chi tiết và hiếm khi thỏa hiệp với cấp dưới. Hàn Quốc cũng ảnh hưởng nhiều của Nho học. Nhiều nước ở Đông Nam Á thì lãnh đạo có phong cách làm việc phân cấp, độc đoán. Ấn Độ được biết tới là quốc gia xuất khẩu lãnh đạo toàn cầu nhờ những tính cách: giàu khát vọng, linh động, dễ thích nghi và có khả năng làm việc trong môi trường phức tạp, không chắc chắn hay mơ hồ. Chủ doanh nghiệp ở Philippines phần lớn là những người tự tin và quyết đoán.

Châu Á là lục địa lớn nhất thế giới với hơn 4,4 tỷ người sinh sống, là nơi có hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới (Trung Quốc và Nhật Bản) và là nơi chứng kiến nhiều nền văn minh lâu đời. Chẳng hạn như Nhật Bản rất xuất sắc trong sản xuất bởi có quy trình làm việc chặt chẽ và khả năng xử lý khó khăn một cách nhẹ nhàng. Hầu hết những người Nhật Bản đều tin vào thần đạo Shinto và đều nỗ lực làm việc như là cách để tôn vinh những vị thần này. Các vị lãnh đạo doanh nghiệp ở Singapore chịu khó điều tra kỹ lưỡng tình hình thực tế, lập kế hoạch, làm việc theo cấu trúc, làm việc nhóm, đề cao tính chuyên cần để đưa ra những đề xuất nhằm phá bỏ ngăn cách giữa Đông và Tây để định vị là quốc gia mang tính quốc tế cao nhất.

Đó chính là lý do nhiều công ty, tập đoàn châu Á thuộc vào diện lớn mạnh hàng đầu thế giới. Ba tập đoàn là Toyota Motor (Nhật Bản), Sinopec và China National Petroleum (Trung Quốc) nằm trong danh sách top 10 doanh nghiệp thịnh vượng toàn cầu năm 2016. Ba ngân hàng Trung Quốc chiếm hết 3 vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng Forbes Global 2000 cũng trong năm 2016. Tất cả cho thấy các nhà lãnh đạo châu Á sẽ trở thành các nhà lãnh đạo toàn cầu nhờ khả năng linh động, thích nghi tốt và nổi trội trong xây dựng các mối quan hệ - đối tác toàn cầu. Họ có điểm chung là tham gia làm việc nhiều hơn là chỉ thị, đề cao tính hiệu quả hơn là trình diễn. Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng nói: “Nhà lãnh đạo vĩ đại không nhất thiết là người làm những điều vĩ đại nhất mà là người làm cho mọi người làm những việc vĩ đại nhất”.

ANH THƯ (Theo Forbes)

;
.
.
.
.
.