Nghĩ

Thương con đúng và đủ

Hôm trước, sang nhà chị bạn ngồi chơi, trong lúc chúng tôi trò chuyện, con gái đang học lớp 10 của chị hỏi xin mẹ tiền đi chơi. Chị vừa đưa tiền cho con, vừa cười vui: “Chừng ni tiền đủ đi chợ cho cả nhà ăn 3 ngày đó nghe”. Bất ngờ, cô bé vứt lại tiền trên bàn, bảo “không cần” rồi quầy quả bỏ lên lầu. Vẫn nụ cười vui, chị giải thích rằng, mười mấy năm mới có thêm mụn con, con bé còn nhỏ, la rầy con chi tội. Mới đây, chị điện thoại cho tôi, nức nở thông báo con bé đã bỏ nhà đi mấy hôm. Rồi, chị dặn tới dặn lui: “Chị hỏi thăm em thôi, em đừng có nói với gia đình của chị nha. Mọi người biết chuyện lại la mắng con bé”. Cuối cùng, sau năm ngày con “mất tích”, chị cũng tìm thấy con đang chơi game trong một quán Internet. Vừa thấy con, chị ôm chầm lấy con khóc, dỗ dành con về nhà, tuyệt nhiên không đả động gì đến việc con bỏ nhà đi. Khi chồng chị la rầy con, chị vội vàng phản ứng với anh.

Câu chuyện của chị bất giác làm tôi nhớ đến nhiều trường hợp “cậu ấm”, “cô chiêu” đứng sau vành móng ngựa. Phía sau dáng vẻ bất cần đời của những gương mặt non trẻ là những giọt nước mắt ăn năn muộn màng cùng lời tự trách bản thân của đấng sinh thành. Các ông bố, bà mẹ chân thấp chân cao theo con đến tòa có thể là những người dư tiền bạc nhưng thiếu thời gian, cũng có thể là những người ngày qua ngày phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng ở họ đều cùng chung sự nuông chiều con cái, đáp ứng mọi điều con cái đòi hỏi cho dù phải vắt kiệt sức lao động của bản thân. Chỉ đến khi những đứa trẻ vuột khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ, lạc lối vào con đường sai trái; họ mới thảng thốt nhận ra họ đã yêu thương con sai cách khi chỉ chu cấp cho con vật chất mà quên uốn nắn con về điều hay, lẽ phải.

Và cũng có số ít cha mẹ tận lúc con phải ra tòa vẫn chưa tin là con mình phạm tội, một số ít khác lại chưa nhìn nhận về trách nhiệm dạy dỗ, quản lý con cái. Không ít phiên tòa, cấc bậc cha mẹ đã lớn tiếng bênh vực con, đề nghị tòa xem xét lại, và khẳng định con mình ngoan hiền, không thiếu tiền, không phạm tội cướp giật. Chỉ đến khi chủ tọa phiên tòa nêu ra những câu hỏi: Bao lâu rồi con anh chị chưa về nhà? Con chị chơi với ai, tên gì? Có thường xuyên trốn học, có nghiện ma túy không?... thì bậc cha mẹ im lặng, lắc đầu.

Bao nhiêu người thương con, nhưng lại không hề hay biết gì về con. Trách nhiệm nuôi dưỡng con cái không phải là chuyện cứ nhét tiền vào tay con là xong chuyện. Một đứa trẻ đang tuổi mới lớn cần nhất là sự quan tâm, chia sẻ, bảo ban, tâm sự của cha mẹ. Bao bà mẹ đã òa khóc trước tòa, trong tiếng thở dài văng vẳng của những người dự khán: Thương con như thế bằng mười hại con…

Theo các số liệu thống kê, trẻ vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng theo từng năm, không chỉ về số lượng mà còn về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Phía sau những con số khô khan đó là những đứa trẻ ra tòa ngơ ngác về lầm lỗi của bản thân, thiếu hiểu biết về pháp luật; là những người lớn day dứt về sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý con thơ.

Cách đây không lâu, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức, một vị thẩm phán trăn trở: Công tác phòng chống tội phạm vị thành niên lâu nay chỉ nghiêng về mặt chống, trừng trị hơn là phòng ngừa. Việc quy định xử lý hình sự quá rộng đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi tiềm ẩn nguy cơ sớm đưa các em vào vòng tố tụng, không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt trong xã hội. Cái gốc để hạn chế hành vi phạm tội ở trẻ vị thành niên là phát huy phòng ngừa đồng bộ từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Có thể nói, gia đình là môi trường đầu tiên, giúp đứa trẻ hình thành tính cách, học cách ứng xử trong xã hội. Việc giáo dục cũng như sự yêu thương đúng cách của cha mẹ là một trong những nhân tố quan trọng chỉ dẫn trẻ thơ đi đúng lối. Cha mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng yêu thương thiếu hay thừa cũng đều rất dễ để lại hệ lụy cho con trẻ. Yêu thương đúng và đủ, đó cũng là một cách để bảo vệ con!

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.