Trước xu hướng giá xăng dầu tăng cao và nỗ lực giảm lượng khí thải ra môi trường, các nước khu vực Đông Nam Á nỗ lực phát triển ngành xe điện để đáp ứng nhu cầu tại chỗ và cả xuất khẩu. Thái Lan dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khả năng tạo động lực cho người tiêu dùng và cả nhà đầu tư vào ngành xe điện nội địa. Thái Lan cũng là quốc gia số một về sản xuất xe ô-tô với công suất 3,7 triệu xe/năm, Indonesia là 2,2 triệu chiếc, Malaysia là 950.000 chiếc. Thái Lan được mệnh danh là Detroit Đông Nam Á (Detroit ở Mỹ được coi là thủ đô ô-tô thế giới). Malaysia hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc để đẩy nhanh tốc độ ô-tô điện chạy bằng pin.
Xe điện ở Thái Lan |
Indonesia có thị trường ô-tô lớn nhất Đông Nam Á nhưng đã công bố kế hoạch cấm bán xe chạy xăng dầu và diesel vào năm 2040. Chính quyền Tổng thống Joko Widodo lên kế hoạch giảm thuế nhập khẩu xe điện từ mức 50% xuống còn 5% vào đầu năm tới cho những nhà cung cấp có ý định sản xuất xe điện trong nước. Philippines lên kế hoạch miễn thuế cho doanh nghiệp kinh doanh xe BEV và PHEV. Loại xe HEV cũng được miễn thuế nhưng với điều kiện hệ thống pin phải chạy được ít nhất 30km cho một lần sạc. Thái Lan dự kiến miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 8 năm cho nhà đầu tư sản xuất xe BEV và 3 năm cho xe PHEV. Những công ty thậm chí sẽ được kéo dài thời gian miễn thuế lên gấp đôi nếu như sản xuất được pin và động cơ trong nước. Các máy móc, thiết bị dùng để sản xuất các loại xe EV lẫn hybrid được miễn thuế nhập khẩu.
Trong lúc các hãng ô-tô Toyoto, Isuzu và Honda chần chừ việc đầu tư sản xuất xe EV tại Đông Nam Á thì Nissan và Chevrolet lại hăng hái. Nissan tháng vừa rồi tiết lộ mẫu xe điện thế hệ thứ hai bán chạy nhất thế giới (ngoại trừ thị trường Trung Quốc). Xe mới này của Nissan có thể chạy một mạch 241km đủ sức cạnh tranh với xe Bolt của Chevrolet hay Model 3 của Tesla; và đây có thể là xe đầu tiên được sản xuất và bán tại thị trường Đông Nam Á. Mitsubishi cũng cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ ở Đông Nam Á thông qua việc vừa đầu tư nhà máy trị giá 565 triệu USD ở Indonesia. Ngoài ra, chính phủ các nước cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là trạm nạp điện và công tác truyền thông để người tiêu dùng chấp nhận công nghệ mới.
Có 3 loại xe điện. Thứ nhất là xe chạy bằng pin (BEV). Thứ hai là loại xe điện hybrid (HEV) có một động cơ đốt trong và một pin dự trữ cho động cơ điện. Loại xe này không cần sạc điện và tùy vào điều kiện địa hình sẽ sử dụng động cơ nào. Thứ ba là loại kết hợp những “tinh hoa” của BEV và HEV có tên là PHEV. Hệ thống pin này có thể sạc ngoài bên cạnh sạc nhờ động cơ đốt trong như HEV. |
ANH THƯ (Theo Nikkei.com)