Đà Nẵng cuối tuần

Dịch vụ công từ góc nhìn xã hội hóa

08:09, 26/11/2017 (GMT+7)

Trước đây, dịch vụ công chủ yếu do Nhà nước cung cấp thì nay, số lượng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ này ngày càng nhiều, đã giảm một phần đáng kể gánh nặng ngân sách quốc gia. Tại Đà Nẵng, xã hội hóa (XHH) dịch vụ công tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao…; tuy nhiên đến nay, kết quả đạt được, theo báo cáo của Ban Đô thị HĐND thành phố, là còn ít và thiếu vững chắc so với tiềm năng, chưa bảo đảm định hướng đề ra trước đó.

Ngày càng có nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ xe buýt. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Ngày càng có nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ xe buýt. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Ngày 28-10 vừa qua, Sở Du lịch thành phố tổ chức hội nghị nhân rộng mô hình XHH nhà vệ sinh công cộng. Tại hội nghị này, đã có hàng trăm nhà hàng, khách sạn, quán cà-phê… đăng ký tham gia dự án bằng cách dán logo hình mặt cười “Free Restroom” mang thông điệp “Thoải mái như ở nhà – Comfort as home” ngay trước cổng để du khách, người dân địa phương dễ dàng nhận biết và sử dụng miễn phí.

Khởi động từ năm 2015, dự án trên không chỉ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp xây dựng hoặc cho phép sử dụng miễn phí nhà vệ sinh sẵn có, việc ra đời ứng dụng tìm nhà vệ sinh trên điện thoại di động giúp người dân tìm kiếm dịch vụ gần nhất đã mang lại sự hài lòng cho không ít người.

Cuối năm ngoái, Đà Nẵng tiếp tục khai thác một số tuyến xe buýt có trợ giá. Toàn bộ kinh phí đầu tư và vận hành dịch vụ đều thông qua đấu thầu, thành phố chỉ hỗ trợ một phần nhỏ chi phí qua hình thức trợ giá. Có thể thời gian đầu lượng khách sử dụng chưa cao, tuy nhiên cần phải thấy rằng đây là dự án mang tính chiến lược, góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn nạn về giao thông đô thị. Chưa kể, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư khép kín thêm 6 tuyến mới, bảo đảm sự tiện lợi trong khai thác, sử dụng cho người dân đang sinh sống, làm việc nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều cuộc họp với đại diện chính quyền, với lãnh đạo thành phố, người dân vẫn chưa có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình về các loại hình dịch vụ công. Để giải tỏa bức xúc hoặc mong muốn dịch vụ công được hoàn thiện hơn, nhiều người chọn cách viết lên tường facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp”.

Họ hy vọng, thông qua kênh thông tin này, có thể tiếp cận gần hơn với chính quyền các cấp. Đơn cử, ngày 17-11, chị Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ hình ảnh con đường Nguyễn Tuấn Thiện, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà nhếch nhác bởi những thân cây do Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng cắt tỉa, đổ từng đống trước thời điểm Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra nhưng đến nay vẫn chưa được dọn dẹp.

Ngay khi tin này được đưa lên, nhiều người dân đã vào đọc và cho biết trên nhiều tuyến đường khác, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Theo chị Ngọc Bích, nếu không kịp thời dọn dẹp, không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn dễ xảy ra cháy ngay cạnh chân núi Sơn Trà.

Sự kém hiệu quả của dịch vụ cây xanh đô thị cũng được ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố chỉ ra trước đó. Theo ông Hùng, hiện nay dịch vụ này vẫn do ngân sách thành phố “bao cấp”. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, hệ thống này vận hành rất kém hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, từ việc trồng, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh tồn tại nhiều bất cập, gây lãng phí.

Đơn cử như việc cắt tỉa cành theo định kỳ, hầu như chỉ đáp ứng mục đích chống bão, còn lại có đúng quy trình bảo dưỡng hay không thì hầu như không được quan tâm. Việc tưới tiêu như thế nào là khoa học, hiệu quả không được chú trọng.

Hằng tháng tiêu tốn từ 600 đến 700 triệu đồng chi phí cho nguồn nước tưới lấy từ thủy cục thành phố, trong khi hoàn toàn có thể tận dụng nước đã qua xử lý tại các trạm xử lý nước thải, mỗi ngày thải ra sông hàng ngàn mét khối. Được biết, trước sự yếu kém này, thành phố đã có chủ trương tiến hành XHH Công ty Công viên cây xanh, tuy nhiên đến nay chủ trương này vẫn chưa được triển khai.

Ở một khía cạnh khác, sự không hài lòng của người dân là một trong những lý do thuyết phục chính quyền thành phố đẩy nhanh quá trình XHH dịch vụ công. Thực tế cho thấy, nếu Nhà nước cứ ôm đồm tất cả dịch vụ công, bỏ qua việc huy động các nguồn lực khác, thì không những gánh nặng về ngân sách ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng kém mà xã hội sẽ ngày càng tụt hậu, kém phát triển.

Trong một bài phỏng vấn trước đây trên Báo Đà Nẵng về XHH dịch vụ công, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra yêu cầu thành phố cần định giá lại dịch vụ công nhằm giảm áp lực cho ngân sách. Ông cho biết, nhiều năm qua, nguồn thu ngân sách của thành phố đạt kết quả tốt nhưng do phải bù đắp nhiều cho dịch vụ công nên số dư giảm đáng kể.

Do đó, đối với những dịch vụ công chưa thể XHH, thành phố cần xây dựng các tiêu chí đánh giá và định mức trong chi tiêu công, nhất là các dịch vụ công như thu gom xử lý rác, nước thải, chăm sóc cây xanh, duy tu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội…

Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn đầu tư thông qua việc đấu thầu cạnh tranh rộng rãi, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng; đẩy mạnh thực hiện chủ trương XHH trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, thể dục-thể thao... bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, bảo đảm cho nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, sớm thu hồi vốn.

TIỂU YẾN

.