Đà Nẵng cuối tuần

Nghề tay trái

07:32, 12/11/2017 (GMT+7)

Dân gian cho rằng người có “hoa tay” là người có xu hướng giỏi về nghệ thuật, bàn tay khéo léo thường vẽ giỏi, trang trí đẹp, cắm hoa khéo...

Nghệ nhân Mười Nhựt như có hai cái đầu, chúng điều khiển hai tay ông vẽ cùng một lúc. Ảnh: V.T.L
Nghệ nhân Mười Nhựt như có hai cái đầu, chúng điều khiển hai tay ông vẽ cùng một lúc. Ảnh: V.T.L

Hai tay như một

65 tuổi, học trò có đến hơn trăm người, đi làm ở Đà Nẵng và khắp các tỉnh bạn, nhưng nghệ nhân Mười Nhựt vẫn không “cảm thấy sướng” bởi lẽ vẫn chưa một trò nào đủ tầm vươn tới cái hồn cốt của nghề “thợ kép” như ông.

Mười Nhựt tên khai sinh là Nguyễn Thanh Nhựt, người xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, biết đến cây bút lông từ khi tóc còn để chỏm. 6 tuổi, cậu bé Nhựt mon men đến xem cha mình dùng bút lông tô màu các loại tranh Phật, thỉnh thoảng len lén cầm bút và cũng làm bộ ngoáy mấy vòng coi thử. Thế là quen dần. Có điều, cậu cầm bút bằng tay trái.

Khi đi học vỡ lòng, gặp ông thầy kiên quyết buộc phải cầm bút tay phải nhưng rồi cậu cũng len lén chuyển qua tay trái. Dần dà, thuận cả hai tay.

Trước năm 1975, trong một đêm lửa trại do học sinh Trường trung học Hiếu Đức (tên một quận tách ra từ quận Hòa Vang năm 1958) tổ chức, Mười Nhựt biểu diễn vẽ một lần cả hai tay, hai hình đối xứng nhau như được nhìn qua một tấm gương.

Sau ngày thống nhất đất nước, Mười Nhựt làm trưởng ban văn nghệ thôn. Đến khi ông Nguyễn Bá Thanh lên làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Nhơn 3, ông được kéo về phụ trách việc kẻ pa-nô, áp-phích. Thường thì viết khẩu hiệu trên tường thì ai cũng phải đo từng xăng-ti-mét, riêng ông chỉ nhắm qua nhắm lại vài lần là bắc thang lên viết trực tiếp ngay, đều tăm tắp như in.

Nghỉ HTX, ông chuyển sang làm thợ kép - chữ dùng của dân gian chỉ nghề đắp phù điêu, vẽ tranh, cẩn các loại miểng chai, miểng sành cho các công trình kiến trúc cổ Á Đông. Làm thợ kép, ông có thể viết được tất cả các loại chữ Hán chân phương, trừ loại chữ thảo. Các phù điêu, hoa văn họa tiết trang trí truyền thống, các hình tượng tứ linh, lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long tranh châu... dưới bàn tay tài hoa của ông, tất cả hiện ra đầy thần thái của sắc màu văn hóa phương Đông.

Cách viết 2 tay một lần thời trung học của ông đã làm nhiều người ngạc nhiên, như là ông có hai cái đầu, chúng điều khiển hai tay, tay nào ra tay nấy. Làm nghề, gặp những góc hẹp tay phải cấn cái không làm được, những người khác đành “bó tay” chứ ông thì chuyển qua tay trái làm bình thường. Ông còn có thể viết chữ Hán ngược chiều từng chữ từ dưới lên, có thể viết bằng chân với ngọn bút to để cho ra các con chữ đẹp không kém.

Hồi người viết mới biết ông, được ông vẽ tặng bức ký họa chân dung chỉ trong tích tắc, có điểm xuyết một chút phong cách thủy mặc để bức tranh sinh động hơn. Ông xòe hai bàn tay ra, nói “tui trời cho được 7 cái “hoa tay”, bên phải 5 cái, bên trái 2 cái”. Dân gian cho rằng người có “hoa tay” là người có xu hướng giỏi về nghệ thuật, bàn tay khéo léo thường vẽ giỏi, trang trí đẹp, cắm hoa khéo... Không biết có ai có đủ 10 “hoa” trên 10 ngón tay không, chứ 7 hoa như ông thì cũng thuộc loại tầm cỡ rồi.

Người “làm xiếc” với đông sương 3D

Với cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên, ngoài “nghề tay mặt” là giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường tiểu học Lâm Quang Thự, xã Hòa Phong, còn một “nghề tay trái” là làm đông sương 3D.

Hồi còn công tác ở Trường tiểu học số 2 Hòa Phước, cô dạy đàn organ. Đến khi chuyển về Hòa Phong, đọc tài liệu về làm đông sương 3D, cô đâm ra mê mẩn loại bánh nghệ thuật này. Theo học một cô giáo ở Trường Cao đẳng nghề Việt – Hàn được chỉ một buổi, cô về bắt tay thực hành ngay. Có lẽ do có “hoa tay” nên hơn nửa năm nay cô nổi tiếng khắp vùng bằng cái nghề tay trái này.

Người viết lần đầu tiên thấy “tác phẩm” của Mỹ Duyên, ngẫm nghĩ mãi không biết thế nào mà cô có thể “vẽ” hình 3D trong chiếc bánh đông sương làm bằng rau câu. Hôm rồi, tận mắt thấy cô dùng ống tiêm và các loại kim “vẽ” ngược nhiều màu sắc từng nhụy hoa, cánh hoa, chiếc lá... mới vỡ lẽ ra. Vẽ xuôi cho ra hình 3D nghệ thuật đã khó rồi, vẽ ngược càng khó hơn. “Muốn có bánh đẹp, phải biết hình dung, tưởng tượng ra khi mình lật ngược chiếc bánh lên thì tất cả các chi tiết hiện ra lớp lang trên dưới, trong ngoài, to nhỏ như thế nào”, cô nói.

Bánh làm ra không cái nào giống cái nào, bởi tất cả không có “kịch bản” mà theo cảm hứng của tác giả khi “sáng tác”. Làm 3D xong, cô đổ tiếp lên đó phần đế bánh để cả hai phần kết dính với nhau thành một khối, vì thế những ai chưa biết rõ bánh sẽ “điên cái đầu” khi đi tìm “bí mật” của kỹ thuật làm bánh. Phần bánh luôn có màu trắng làm bằng nước dừa pha với rau câu, phần đế thường có màu đậm để làm nổi bật các hình hoa lá 3D của bánh lên.

Thời buổi chú trọng an toàn thực phẩm, cô pha màu bằng các loại rau củ quả. Lá dứa, trà xanh cho màu xanh; cô đặc củ cà rốt cho ra màu cam; củ dền cho màu đỏ nâu; khoai tím cho màu tím, chanh dây màu vàng... Phần lớn khách đặt hàng làm quà cho các cháu bé ở nhà nên không quan tâm nhiều đến màu sắc. Trường hợp khách thích màu sắc tươi tắn, bắt mắt, cô pha một chút màu thực phẩm nhãn hiệu AmeriColor.

Món cuối cùng của tiệc đám cưới thường là một đĩa trái cây, gần đây người ta chuyển sang chia tay thực khách bằng món đông sương 3D, đã ngon, đầy tính nghệ thuật lại được tiếng là “sành điệu”. Một số đồng nghiệp của cô, các chị có con nhỏ thấy thế cũng đến “thọ giáo” với cô, với hy vọng sẽ có được một nghề mới du nhập trên vùng đất Túy Loan nổi tiếng nữ công gia chánh.

Người ta nói “nghề tay trái” để chỉ những nghề phụ ngoài nghề chính thức. Nhưng với ông Mười Nhật, cụm từ này có nghĩa đen là nghề chính làm bằng tay trái. Với Mỹ Duyên thì đúng là cô làm “nghề tay trái”. Dù hiểu như thế nào thì cả hai nghề cũng đều tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bằng những bàn tay “có hoa”.

VĂN THÀNH LÊ

.