Đà Nẵng cuối tuần
Non Nước - Ngũ Hành Sơn qua thơ văn, những cảm nhận
Lặng lẽ góp nhặt cố sao cho thật đầy đủ 41 tác giả từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20, Non Nước - Ngũ Hành Sơn qua thơ văn(*) là một tập hợp nhiều nhất so với các ấn phẩm trước đó về thơ văn liên quan đến di tích - danh thắng đặc biệt này của soạn giả Nguyễn Công Thuần. Đó là loạt bài trong Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập của Cao Bá Quát, là phần còn sót lại trong bài thơ bị cháy dở của Tổng đốc Hoàng Diệu - bậc khoa bảng Quảng Nam hy sinh lẫm liệt ở thành Hà Nội, là thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mệnh, là bóng dáng của thi sĩ tài hoa - yểu mệnh Hồ Thấu… Tiếc là, chỉ có 34/44 bài thơ trong Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập được in trong tập sách này. Mười bài theo thứ tự số 4, 5, 6, 12, 16, 21, 22, 24, 27, 40 trong nguyên bản của tập xướng họa trên (hiện còn lưu ở tàng thư của Viện Hán Nôm Hà Nội) đã không được NXB ấn hành trọn vẹn.
Soạn giả có được sự tập hợp phong phú nói trên do quá trình sưu tập công phu, không chỉ đọc nhiều, biết nhiều mà còn bỏ công điền dã nhiều năm tại thực địa để nhận dạng các chữ Nho bị mờ trên vách đá. Soạn giả cũng nhờ các vị đọc thông chữ (Nho) thảo để cùng thống nhất với mình việc nhận tự dạng một số chữ viết ở dạng “cuồng thảo” để cố gắng phục hồi “chân diện mục” của nguyên tác. Ông cũng tra cứu đến nơi đến chốn để xác định tác giả thật của cùng một bài thơ nhưng được cho là của người này hoặc người nọ; ví dụ như Bùi Văn Dị hay Nguyễn Khuyến - ai là người đã sáng tác bài thơ Đăng Ngũ Hành Sơn lưu đề (trang 181)? Soạn giả cũng đưa ra nhiều bản dịch khác nhau của một số bài thơ để chọn cho một cách dịch đúng nội dung để “theo” (chữ dùng của soạn giả); ví dụ như đưa ra hai bản dịch bài thơ thất ngôn vịnh Ngũ Hành Sơn của Nguyễn Trường Tộ (trang 155): một bản dịch của cụ Huỳnh Thúc Kháng và một bản dịch của Lê Thước để rồi xác định bản dịch của cụ Huỳnh sát với nội dung nguyên tác hơn! Soạn giả cũng đã tra cứu thật nhiều từ điển từ nguyên ở nhiều khu vực văn hóa Nho giáo, Phật giáo… để chọn một chú thích phù hợp. Đọc hết hệ thống chú thích trong sách, những độc giả trẻ ham tìm hiểu văn học cổ có thể mở rộng thêm tầm kiến thức của mình rất nhiều!
Vốn tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Việt Hán, trước đó từng được học bài bản ở Viện Hán học Huế trước năm 1963, từng viết nhiều bài khảo luận về chữ nghĩa cho mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của một tạp chí ở TP. Hồ Chí Minh, từng biên soạn cuốn Hải Vân-thiên hạ đệ nhất hùng quan do NXB Trẻ ấn hành, soạn giả đã vượt lên mức độ của một ông giáo dạy văn khi giới thiệu các tác giả và bình giảng thơ văn về Non Nước-Ngũ Hành Sơn của họ: Mỗi tiểu sử tác giả là một bài khảo cứu công phu; không chỉ có thể làm căn cứ cho các giáo viên dạy văn dùng trong các bài giảng của mình mà còn có thể giúp cho các người ham nghiên cứu tham khảo. Mỗi bài thơ được giới thiệu đều có chú thích cặn kẽ; nhiều điển cố trong văn học chữ Nho xưa - có điển thật xa lạ - đều được chú giải tận tường. Mỗi tứ thơ đều được xem xét từ nhiều góc độ. Đặc biệt, soạn giả giới thiệu tác giả và phân tích thơ trong tâm thế của một người yêu nước, yêu sáng tác của chính người Việt và hướng về góc độ phi tín ngưỡng. Chính vì thế khi giới thiệu về thơ văn vịnh Ngũ Hành Sơn của các tác giả là chí sĩ chống Pháp như Hoàng Diệu, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu soạn giả đã bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ nồng nàn của mình trong từng câu từng chữ. Cũng chính vì thế mà thơ văn của các nhà sư đã được soạn giả xếp riêng trong một chương (chương 5) và chỉ giới thiệu mà không bình giảng - kể cả các dòng ký sự, cùng mấy bài thơ dài ngắn được giới thiệu trước đó (từ tr.93) của hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) - một nhà sư Trung Hoa từng đến viếng cảnh Ngũ Hành Sơn vào cuối thế kỷ 17. Thậm chí, các bài thơ vịnh cảnh núi Ngũ Hành của một Hoa kiều sống ở Hội An vào thế kỷ 19 là Diệp Ngộ Xuân (1808-1890) cũng chỉ được giới thiệu chừng mực - không bình giảng gì thêm.
Bên cạnh các tác giả và tác phẩm quen thuộc, cuốn Non Nước – Ngũ Hành Sơn qua thơ văn đã sưu tầm giới thiệu nhiều thơ văn về Ngũ Hành Sơn chưa được nhiều người biết các tác giả danh tiếng thời xưa như chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mệnh, Hà Tông Quyền, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý, Tôn Thất Minh Trọng, Trần Bích San, Bùi Văn Dị, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thuật. Cùng với đó, việc giới thiệu cuộc tranh luận về cách đọc bài thơ Nôm cổ đề cảnh núi và chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn đã giúp độc giả biết thêm đóng góp mới của Nguyễn Công Thuần về cách đọc bài thơ này so với cách đọc của nhiều người trước đó. Soạn giả cũng đưa ra một cách tiếp cận mới đối với nội dung tư tưởng của hai bài thơ Vịnh Ngũ Hành Sơn trên đường đi Tây của Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) - một nhân sĩ có tư tưởng cải cách nổi tiếng thời vua Tự Đức.
Có thể có độc giả rành chữ Nho chưa thật đồng ý với soạn giả về nội dung một số chú thích hoặc không hài lòng về cách đánh máy ra tự dạng/ hoặc sót một số chữ Nho, nhưng nhìn chung, phải công nhận đây là một cuốn sách được biên soạn công phu, cẩn thận và đầy tinh thần trách nhiệm với độc giả.
PHÚ BÌNH
(*) Non Nước - Ngũ Hành Sơn qua thơ văn của soạn giả Nguyễn Công Thuần. Nhà xuất bản Đà Nẵng, phát hành quý 3 năm 2017. Những chỗ in nghiêng được trích nguyên văn trong sách đã dẫn.