2017 là một năm khá thành công trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng và khép lại với việc đăng cai thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. APEC 2017 chính là cơ hội lớn để Đà Nẵng quảng bá hình ảnh, con người và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào thành phố, tạo đà cho sự phát triển của thành phố trong những năm đến.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (thứ hai, phải qua) điều hành hội nghị xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng được tổ chức vào tháng 10-2017. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Những con số ấn tượng
Trong giai đoạn 2012-2017, tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội GRDP của Đà Nẵng luôn ở mức 8-9%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Năm 2017, GRDP của Đà Nẵng đạt 58.546 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016.
Đóng góp chính vào mức tăng trưởng cao và ổn định của kinh tế thành phố Đà Nẵng chủ yếu từ hai nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp – xây dựng. Cùng với mức độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Nếu như năm 2005, thu nhập bình quân của người dân Đà Nẵng chỉ đạt 850 USD thì đến cuối năm 2016, con số này đã đạt 2.980 USD và kỳ vọng tăng trên 3.000 USD trong năm 2017.
Có được những thành công trong phát triển kinh tế nêu trên là nhờ vào những chính sách có tính chiến lược trong dài hạn của thành phố Đà Nẵng như tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính theo hướng gọn nhẹ, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, ưu đãi đầu tư trong những lĩnh vực trọng yếu.
Chính vì vậy, Đà Nẵng đã có 7 lần xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong 10 lần được xếp hạng (2007-2016) và được xem là thành phố đáng sống của Việt Nam. Với môi trường đầu tư và môi trường sống tốt, Đà Nẵng đã khá thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tổng vốn đầu tư tại thành phố Đà Nẵng liên tục tăng. Năm 2017, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 37.450 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2016.
Tuy đạt được những thành công nhất định, nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng còn bộc lộ một số hạn chế. Ngành du lịch và công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 tuy tăng 8,8% so với năm 2016 nhưng chỉ đạt 89,8% kế hoạch đề ra. Sự phát triển của ngành du lịch chưa bền vững, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức. Thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo động lực cho sự phát triển của kinh tế thành phố và góp phần thu hút nhà đầu tư vệ tinh.
Triển vọng của kinh tế Đà Nẵng hậu APEC
Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11-11-2017 là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trong năm 2017. Việc được chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao với nhiều sự kiện quan trọng, như Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit); Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC (AELM)… cùng các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa của APEC không chỉ là một vinh dự cho “thành phố đáng sống” mà còn là một cơ hội rất tốt cho Đà Nẵng để quảng bá hình ảnh, con người và thu hút vốn đầu tư.
Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, việc đăng cai tổ chức APEC góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương và đa phương với các quốc gia tham dự và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chẳng hạn, vốn đầu tư trực tiếp ròng (FDI net inflow) của Singapore tăng 65,81% trong năm tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thường niên lần thứ 2 và đây là mức tăng FDI ròng cao nhất của Singapore trong giai đoạn 1980-1990.
Tương tự, FDI ròng của Singapore tăng 66,9% vào năm đăng cai APEC lần thứ 21 vào năm 2009. Giống như trường hợp của Singapore, FDI ròng của Thái Lan tăng 44,8% vào năm đăng cai APEC lần thứ 15. Malaysia tổ chức APEC vào năm 1998 và đạt mức tăng của FDI ròng 58,8% vào năm 1999: 58,8%.
Năm 2017 không phải là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thường niên. Hội nghị APEC lần thứ 18 được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2006 và đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2007 đạt con số kỷ lục 8,46.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng năm 2006 tăng 20,6% và năm 2007 tăng 102,7%. Tới năm 2008, thu hút vốn nước ngoài tăng hơn 3 lần so với năm 2007, đây cũng là năm có số vốn FDI đăng ký cao nhất trong lịch sử thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cũng trong năm này, vốn FDI thực hiện tăng 43% so với năm 2007 và gấp 2,8 lần năm 2006.
Thành phố Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị chu đáo cho việc quảng bá hình ảnh, con người và thu hút đầu tư nhân sự kiện APEC 2017. Ngay trước thềm APEC 2017, Đà Nẵng đã tiến hành xúc tiến đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chẳng hạn, tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra vào ngày 15-10-2017, thành phố Đà Nẵng đã đưa ra các chính sách ưu tiên kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ cao, du lịch, đặc biệt là các tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng.
Diễn đàn thu hút hơn 1.200 đại biểu tham gia, với tổng số 25 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký, cấp quyết định chủ trương đầu tư, thông báo nghiên cứu đầu tư, 11 dự án được trao quyết định cho vay hoặc thỏa thuận cho vay, với tổng số vốn đạt hơn 35.000 tỷ đồng. Nhân sự kiện APEC, các doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng có cơ hội tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp đến từ các nước tham gia APEC.
Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng có nhiều buổi trao đổi trực tiếp với các tập đoàn lớn đến từ Nhật, Hoa Kỳ, Hàn Quốc,… Có thể nói, việc được chọn là địa điểm tổ chức APEC 2017 đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Đà Nẵng trong việc quảng bá hình ảnh của một thành phố đáng sống với cơ sở hạ tầng hiện đại, bãi biển đẹp, người dân thân thiện…
Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư vào thành phố Đà Nẵng trong những năm kế tiếp, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế thành phố tăng trưởng mạnh và bền vững.
Nền kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2018 được dự báo tốt hơn năm 2017. Môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng được cải thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng.
Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp cũng như những cố gắng của thành phố Đà Nẵng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại trong năm 2017 sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018.
Trong giai đoạn 2012-2017, tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội GRDP của Đà Nẵng luôn ở mức 8-9%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. |
Tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức
Với chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, thành phố Đà Nẵng đề ra các chỉ tiêu để thực hiện, bao gồm: GRDP tăng 9-10%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,8-9,8%; giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 8-9%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12-13%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có được từ sự kiện APEC 2017, kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2018 có thể gặp các khó khăn, thách thức.
Cụ thể, bên cạnh những lợi ích và cơ hội mà tiến trình hợp tác APEC mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có thể phải đối mặt với các khó khăn và thách thức không nhỏ do các doanh nghiệp Việt Nam có khoảng cách khá xa về trình độ phát triển so với các doanh nghiệp của các thành viên APEC.
Các doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực quản lý, vốn và công nghệ không cao và thiếu tính gắn kết. Các hiệp hội doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, liên kết và nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành viên.
Thành phố cần tiếp tục thực hiện các đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, phát triển du lịch cần gắn với việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, lịch sử của thành phố. Tìm kiếm và thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực công nghệ cao. Phát triển hạ tầng cơ sở gắn với mô hình thành phố thông minh. Hỗ trợ cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Sau sự kiện APEC 2017, tuy Đà Nẵng đang có những lợi thế trong thu hút đầu tư nhưng nếu không biết tận dụng, có thể gặp phải hiệu ứng ngược như từng xảy ra với một số nước. Chẳng hạn, Indonesia đăng cai Hội nghị APEC lần thứ 6 vào năm 1994 nhưng nguồn vốn FDI giảm mạnh trong cùng năm và rơi vào vòng khủng hoảng năm 1996.
Do vậy, bên cạnh việc tận dụng các lợi thế có được nhờ sự kiện APEC, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược, chính quyền thành phố cần có những chính sách phù hợp trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp nước ngoài.
Thành phố cần tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, nâng cao năng lực “phục vụ” của bộ máy, minh bạch hóa thông tin nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần có sự liên kết theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp địa phương cần có sự chú trọng hơn trong việc nâng cao hiệu quả quản trị, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và cung ứng dịch vụ.
Với sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, hy vọng Đà Nẵng sẽ ngày càng phát triển, xứng danh là thành phố đáng sống không chỉ của Việt Nam mà còn là của khu vực châu Á và năm 2018 sẽ là năm có nhiều chuyển biến tích cực của thành phố.
GS, TS TRẦN VĂN NAM
Tài liệu tham khảo: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018 thành phố Đà Nẵng;Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2016 - 2020 thành phố Đà Nẵng; Niên giám thống kê Thành phố Đà Nẵng, Cục thống kê Đà Nẵng, 2012-2016; Nguồn dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.