Nghĩ

Mùa giỗ chạp

Có những địa phương, người dân chạp mả vào tháng Ba âm lịch. Nhưng ở nhiều vùng ở Quảng Nam và Đà Nẵng, chạp (hay hiệp kỵ) vào tháng Mười. Tôi gọi tháng Mười là mùa giỗ chạp là vì vậy.

Gia đình tôi, trong tháng này có đến 3 đám giỗ và ba ngày chạp. Giỗ những người thân qua đời vì bệnh tật sau khi hồi cư về năm 1947. Nhiều gia đình, nhiều nơi mà tôi biết, những người đã nằm xuống trong các trận lũ lụt lịch sử hồi 1964, 1999… cũng vào tiết tháng Mười “Ông tha mà bà chẳng tha…” này. Rồi cả những người già qua đời khi thời tiết đổi thay đột ngột vì chuyển mùa. Còn chạp mả hay hiệp kỵ thì ở đâu cũng vậy, chạp nhà, chạp chi phái rồi chạp tộc họ. Hết bên nội lại về bên ngoại…

Khi nhỏ tuổi, giỗ chạp là những ngày vui của trẻ thơ vì được về quê, được đi ăn cỗ. Nhưng khi đã lớn tuổi, đó là những lo toan, gánh vác vì ngoài lễ nghi còn phải bỏ ra không ít chi phí, công sức đóng góp cùng gia đình, gia tộc. Nếu là hoàn cảnh “dễ thở” như người có thu nhập ổn định, buôn bán thì không sao.

Nhưng người lao động thời vụ, làm công ăn lương, buôn gánh bán bưng ở thành phố hay nông dân nghèo ở nông thôn thì những đóng góp vào việc giỗ chạp không hề đơn giản chút nào! Đừng tưởng một, hai trăm ngàn là chuyện nhỏ đối với những người ở nông thôn hay người nghèo nói chung!

Tôi từng dự nhiều đám giỗ, ngày chạp bên nội cũng như bên ngoại. Ngoài việc đi tảo mộ, dọn dẹp cảnh quan nơi yên nghỉ của tổ tiên, ông bà…, con cháu còn tụ hội về nhà thờ, ngồi vào bàn chuyện trò thăm hỏi vui vẻ bên mâm cỗ. Có gia đình vừa thêm chú rể, cô dâu nhân dịp này đều giới thiệu với bà con để biết mặt, nhận ra thứ lớp trong gia tộc, gia đình để biết cách xưng hô. Ngày giỗ chạp còn là để ôn lại truyền thống, lịch sử của các bậc tiền bối.

Các vị trưởng tộc, trưởng nam còn trình bày những công việc của năm sau, như tôn tạo mộ phần, sửa chữa nhà thờ, khuôn viên để con cháu biết và tham gia kinh phí… Những ngày giỗ chạp như vậy thật là ý nghĩa. Lúc nhỏ, tôi theo cha mẹ về giỗ chạp ở các làng quê của bà nội, bà cố… nhờ vậy mà nhớ được nhiều người bà con phía ngoại và một phần tông tích của chính mình. Những kỷ niệm từ thiếu thời đó, nửa thế kỷ sau vẫn không phai.

Đó là một nền nếp văn hóa truyền thống cần được giữ gìn. Song, ngày nay, tại nhiều ngày giỗ chạp lại có những hiện tượng cần suy nghĩ: việc đóng góp kinh phí thiếu cân nhắc đối với các thành viên khó khăn về kinh tế dễ dẫn đến mặc cảm tự ti, khiến một số người vì vậy đã tìm cách vắng mặt, không khí đoàn tụ lại mất đi ý nghĩa trọn vẹn.

Những tiệc tùng trong giỗ chạp ngày nay ở nhiều nơi cũng chưa coi trọng ý thức tiết kiệm. Có những giỗ chạp, chi phí tiền bia rượu cao hơn cả các mâm cỗ nhiều lần. Nạn say xỉn sau đó dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng mà sự ân hận không thể nào cứu vãn. Thông tin hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho thấy điều đó!

Cho nên, mùa giỗ chạp là hết sức thiêng liêng với tất cả những ý nghĩa nhân văn như đã nói, cần được gìn giữ, phát huy để nuôi dưỡng nền nếp gia phong trong thời công nghiệp và đô thị hóa như vũ bão ngày nay. Nhưng cũng cần sự kiềm chế và tiết kiệm đúng mực để tránh những điều không nên có. Tôi hơi tâm linh một chút khi đặt bức hoành phi trên bàn thờ tổ tiên là “Kính Như Tại” và hiểu một cách nôm na là ta kính trọng ông bà tổ tiên như họ vẫn còn trên trần thế, cũng như những cư xử của ta hôm nay, họ đều biết!

Không chỉ là trong mùa giỗ chạp, mà từng ngày tôi đều tâm niệm như vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.