Sinh viên làm trợ giảng

.

Nhiều sinh viên (SV) ngay từ năm thứ 2 – 3 đã có thể đảm nhận vai trò trợ giảng, giúp việc cho giảng viên trong chuẩn bị bài giảng, tổ chức và theo dõi SV làm việc nhóm, làm dự án; củng cố kiến thức, hướng dẫn SV làm bài tập…

Một buổi seminar về Tư duy thiết kế (Design Thinking) của sinh viên CTTT do sinh viên trợ giảng hướng dẫn.(Ảnh do Trung tâm xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cung cấp)
Một buổi seminar về Tư duy thiết kế (Design Thinking) của sinh viên CTTT do sinh viên trợ giảng hướng dẫn.(Ảnh do Trung tâm xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cung cấp)

Từ năm 2013, Chương trình tiên tiến (CTTT) Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) bắt đầu tuyển chọn SV xuất sắc đang theo học chương trình tiên tiến ngành Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng làm trợ giảng cho giảng viên trong chương trình học. Muốn “lọt vào mắt xanh” của giảng viên trong việc tuyển chọn trợ lý giảng dạy, sinh viên phải nổi trội về thành tích học tập, năng động, tiếng Anh tốt và có khả năng truyền thụ. Giảng viên sẽ thông báo để SV gửi tóm tắt thông tin cá nhân qua thư điện tử và thư giấy, những SV có điểm cao nhất lớp, nhất khóa trong môn học sẽ được giảng viên chọn làm trợ giảng cho mình.

Khi đang là SV năm thứ 3, Nguyễn Hồng Sơn (lớp 15CES) được chọn để làm trợ giảng môn Hóa đại cương cho sinh viên năm 2. Hồng Sơn kể: “Mỗi tuần mình có 4 tiếng đồng hồ giúp các bạn SV củng cố kiến thức, làm bài tập, hướng dẫn các bạn cách làm slide thuyết trình, giải đáp những thắc mắc có liên quan đến môn học… Thực ra, nếu mình đã nắm vững kiến thức môn học thì công việc trợ giảng không phải là quá khó vì mình biết đến đâu thì hỗ trợ cho các bạn đến đấy; những gì mình không biết hoặc biết không cặn kẽ thì có thể trao đổi lại với giảng viên để nhận được sự hỗ trợ”. Cái khó của công việc trợ giảng, theo như Hồng Sơn, là quỹ thời gian dành cho công việc trợ giảng không chỉ dừng lại ở một tiếng đồng hồ đứng lớp. “Trong quá trình tự học, có gì thắc mắc các bạn sẽ vẫn tiếp tục hỏi qua thư điện tử, mạng xã hội… Nhiệm vụ của SV trợ giảng, ngoài giảng bài, còn là sự sẻ chia với SV khóa dưới”, Hồng Sơn chia sẻ.

Được chọn làm trợ giảng môn Giải tích, Lê Nguyễn Thanh Trúc (14ECE) kể: “Vì trước đó trong quá trình học, mình có thuyết trình một số môn học nên buổi đầu tiên giảng bài cho các bạn SV khóa dưới em cũng đỡ run. Để giờ trợ giảng đạt hiệu quả cao, mình phải xem kỹ lại bài vở đã học trước đó. Vì là SV khóa trên làm trợ giảng cho SV khóa dưới nên với lợi thế đã hoàn thành xong môn học, chúng em nắm rõ những kiến thức khó, những chỗ các bạn sẽ gặp lúng túng, bí quyết khi làm bài tập, cách hệ thống kiến thức để ôn tập… nên công việc cũng không phải là quá khó”.

Cả Lê Nguyễn Thanh Trúc và Nguyễn Hồng Sơn đều chia sẻ rằng, nếu biết sắp xếp được quỹ thời gian để cân bằng việc học thì với công việc trợ giảng, SV sẽ có cơ hội trưởng thành hơn rất nhiều.

Cơ hội rèn luyện các kỹ năng mềm

Tham gia trợ giảng ở môn Xác suất thống kê, SV Võ Minh Anh (13ES) nhận xét, nếu so với làm gia sư thì với công việc trợ giảng, SV sẽ nhận lại được rất nhiều giá trị cộng thêm: “Làm trợ giảng tức là mình quản lý một số lượng người tương đối lớn buộc mình phải có khả năng bao quát. Trên mình còn có cả giáo sư nữa nên áp lực cũng nhiều hơn, vì vậy, sẽ tạo được sự năng động mà công việc gia sư không có được”. Lê Nguyễn Thanh Trúc thì cho rằng, ngoài việc được củng cố, hệ thống lại kiến thức đã học, công việc trợ giảng giúp cho mình hoàn thiện các kỹ năng như thống kê, xử lý số liệu, cách soạn và trả lời thư điện tử công việc, phương pháp tổ chức các hoạt động nhóm…

Làm trợ giảng cho CTTT, quan trọng nhất đối với các SV là cơ hội để nâng cao khả năng nghe - nói tiếng Anh. Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Nếu khi nghe giảng, chúng em phải nghe tiếng Anh bị động, thì khi làm trợ giảng, việc chủ động giảng và trao đổi bằng tiếng Anh sẽ giúp cho mình nâng cao trình độ tiếng Anh rất nhiều. Rồi trong một lớp học, khả năng nắm bắt kiến thức của các bạn là không giống nhau, mỗi bạn sẽ có những thắc mắc riêng nên trợ giảng phải bình tĩnh và việc lắng nghe, chia sẻ cũng góp phần tăng hiệu quả của một giờ trợ giảng”.

TS Nguyễn Lê Hòa, phụ trách CTTT, Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Nhờ có hệ thống trợ giảng là SV, các giảng viên dễ dàng hơn khi triển khai các phương pháp giảng dạy, mô hình mới như làm việc nhóm, seminar, dạy - học theo dự án. Vì cùng là SV với nhau nên các em dễ dàng trao đổi với trợ giảng SV hơn, nếu trợ giảng là giảng viên, đôi khi các bạn lại ngại không dám hỏi cặn kẽ”.

Chương trình tiên tiến (CTTT) Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chỉ sử dụng trợ giảng là SV đối với các học phần khoa học cơ bản và học phần cơ sở ngành; các học phần chuyên ngành thì thường do giảng viên đảm nhiệm trợ giảng. Đây là những nỗ lực của CTTT để hỗ trợ tối đa giúp người học nắm vững kiến thức môn học. Mỗi giờ học do trợ giảng đứng lớp sẽ có 2 SV trợ giảng đảm nhiệm. Sắp tới, khi triển khai chương trình dạy - học theo dự án đối với hệ đào tạo chất lượng cao và CTTT, Trường ĐH Bách khoa sẽ cần một lực lượng lớn SV trợ giảng để hướng dẫn, hỗ trợ SV trong phương pháp học, đọc tài liệu và thực hiện các dự án.

HÀ TRẦN

;
.
.
.
.
.
.