"Sống chậm" để chia sẻ

.

Dù đang tất bật với kế hoạch cho những dự án tình nguyện trong dịp xuân Mậu Tuất và việc quản lý quán cà-phê nhỏ của riêng mình, chàng trai Nguyễn Minh Vương lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười. Đó chính là cách anh đối diện với áp lực cuộc sống để luôn đồng hành với các đội nhóm, sẻ chia và mang tình yêu thương đến với những người có hoàn cảnh khó khăn, mà đặc biệt là mơ ước xây được thật nhiều ngôi trường cho trẻ em vùng cao.

Nguyễn Minh Vương tại lễ khánh thành “Ngôi trường ước mơ” ở điểm trường Ông Yên (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) năm 2017.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nguyễn Minh Vương tại lễ khánh thành “Ngôi trường ước mơ” ở điểm trường Ông Yên (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) năm 2017.  (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, chàng trai sinh năm 1990 Nguyễn Minh Vương nhiều lần chứng kiến những đoàn từ thiện, những nhà hảo tâm đến giúp đỡ bà con dịp Tết đến xuân về hay sau mỗi đợt mưa lũ.

Cũng là một trong số những người được giúp đỡ ngày ấy, Vương ngày càng khao khát góp một phần bé nhỏ mang sự sẻ chia, tình yêu thương đến với nhiều người hơn. Hành trình làm thiện nguyện của Vương cũng bắt đầu từ đấy.

Từ những ngày đầu bước chân vào Trường ĐH Quảng Nam, Vương đã kết nối bạn bè, thực hiện rất nhiều chương trình thiện nguyện có ý nghĩa thiết thực như chương trình “Bánh tét đồng hương” - tổ chức gói bánh tét để biếu người nghèo mỗi dịp Tết Nguyên đán, chương trình “Trung thu cho em” hay những đợt quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt.

Nhóm mang tên “Đồng hương Phú Ninh - kết nối yêu thương” hoạt động từ năm 2011. Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, Vương kể: “Hồi đó, khi gõ cửa các doanh nghiệp xin tài trợ, nhóm tình nguyện gặp khá nhiều khó khăn vì mình còn trẻ, lại chưa đủ thời gian để chứng minh; hoặc có những lần xin được tài trợ của một tổ chức ở tỉnh khác, mình phải ngay lập tức đón xe đến nhưng tới nơi người ta lại hẹn vào lúc khác vì bận việc này việc kia”. Khó khăn nhiều vô kể, nhưng Vương chưa bao giờ nản lòng hay có ý định từ bỏ.

Khi lập nghiệp tại Đà Nẵng, Vương càng đẩy mạnh hơn các hoạt động, nhất là những chuyến đi về vùng cao vào năm 2013 và duy trì ở vùng cao suốt từ đó đến nay. Vương bảo, khó khăn của trẻ em và người dân trên ấy ngoài vấn đề về kinh tế còn là sự trở ngại về địa lý nên nhiều đơn vị không thể đến nơi hỗ trợ.

Phần lớn các điểm đến ở xa, cách thành phố trên trăm cây số. Hành trình “Áo ấm vùng cao” của hội nhóm Vương vẫn duy trì đều đặn trong suốt những năm qua, cùng với các chương trình Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán…

Hiện Vương đang quản lý quán cà-phê Hi Bro (Vương kết hợp cùng một người bạn trong nhóm để mở - làm nơi kết nối anh em trong nhóm thiện nguyện của mình) tại 113 Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu. Các bạn tiếp tục đề ra những kế hoạch, dự án trong dịp Tết Mậu Tuất như gói bánh tét cho bà con, trao quà bánh, lì xì cho các em nhỏ…

Khi nói về những kế hoạch trong tương lai. Vương bảo, mong muốn lớn nhất chính là xây được thật nhiều ngôi trường và mang ánh sáng đến cho các em học sinh miền núi, dần dần nhân rộng mô hình đến các vùng miền khó khăn khác trên cả nước.

Trong hai năm qua, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các mạnh thường quân và sự chung tay của một số đơn vị như nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng, nhóm Kết nối yêu thương, Quỹ B.K Đà Nẵng, nhóm Trái tim Quảng Đức…, nhóm xây dựng được hai điểm trường là Trường Tắc Rối (nóc Tắc Rối, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), khánh thành vào tháng 7-2016 và trường Ông Yên (nóc Ông Yên, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), khánh thành năm 2017.

Vương bảo, nét mặt rạng rỡ hạnh phúc của các em nhỏ khi được thấy ánh sáng điện, được xem ti-vi, có lớp học mới cũng chính là động lực để Vương và mọi người vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục thực hiện kế hoạch ở nhiều điểm trường hơn trong năm tới.

Không có kế hoạch lớn nào được hoàn thành trong chốc lát; vì thế, chặng đường phía trước của Vương và đội, nhóm cần có niềm tin, nhiệt huyết, thật nhiều yêu thương. Vương luôn động viên bản thân và các bạn của mình rằng “Cuộc sống càng hiện đại thì ta càng nên làm nhiều điều tử tế hơn”, đó cũng là cách để mỗi người sống chậm lại, tự cân bằng chính mình trước áp lực công việc để dễ dàng nhìn thấu, cảm thông và chia sẻ.

LÊ HỒNG MẬN

;
.
.
.
.
.
.