Sự cuốn hút của máy ảnh phim

.

Trong thời buổi tự động hóa, máy ảnh kỹ thuật số gần như “xóa ngôi” máy ảnh phim vang bóng một thời. Tuy vậy, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ đã và đang tìm về máy ảnh phim với một niềm đam mê mãnh liệt.

Máy ảnh phim đòi hỏi ở người chơi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Ảnh: M.H
Máy ảnh phim đòi hỏi ở người chơi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Ảnh: M.H

Mỗi bức ảnh phim đều mang một nét hoài cổ. Tùy vào loại ống kính, loại phim, thuốc tráng, máy scan… sẽ cho ra hiệu ứng màu ảnh khác nhau, không “rập khuôn”. Ảnh được chụp bằng máy ảnh phim mô tả rất chân thật, có chiều sâu, giàu cảm xúc, không bị chi phối bởi kỹ thuật như máy kỹ thuật số. Đây là điều mà máy ảnh kỹ thuật số cũng khó lòng mang lại được. 

Biết đến máy ảnh phim từ một người bạn, rồi “nghiện”, rồi tự học qua những người bạn cùng sở thích đã hơn 3 năm nay, Lê Diệu (sinh năm 1992, ngụ phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) chia sẻ, “Mình bị cuốn hút bởi màu của những tấm ảnh được chụp bằng máy ảnh phim. Ngoài ra, hiện tượng grain hay có thể hiểu là những hạt nhỏ li ti xuất hiện trong tấm ảnh cũng là một điểm “nhận diện” của ảnh phim. Đối với ảnh kỹ thuật số, đây là điều tối kỵ nhưng nó lại góp phần mang lại linh hồn cho ảnh phim”.

Huỳnh Cơ (sinh năm 1988, ngụ phường Phước Ninh, quận Hải Châu) lại bị máy ảnh phim cuốn hút ở sự hồi hộp: “Chụp bằng máy ảnh phim thì lúc chụp xong sẽ không biết ảnh đẹp hay xấu, lại thêm lấy nét bằng tay nên lúc chờ tráng phim hồi hộp lắm”. Huỳnh Cơ chơi máy ảnh phim từ năm 2009. Nhớ lại cơ duyên đến với máy ảnh phim, Cơ kể, một người bạn lục được một máy ảnh phim cũ trong nhà của bạn rồi cho Cơ xem. Tò mò, thêm phần giá phim rẻ nên Cơ mua phim về, chụp thử. Chụp nhiều rồi “yêu” máy ảnh phim lúc nào không hay.

Cũng bị cuốn hút bởi máy ảnh phim, Huỳnh Nhật Trường (sinh năm 1989, ngụ phường Thanh Bình, quận Hải Châu) bén duyên với máy ảnh phim được vài năm nay. Là cựu sinh viên khóa 7, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, nên qua lăng kính của một kiến trúc sư, Trường nhận thấy “Máy ảnh phim là một kiệt tác”. Trường thích những gì liên quan đến việc làm bằng tay. Và chỉ có máy ảnh phim mới có đặc điểm đó. Tất cả các công đoạn từ chỉnh độ sáng đến lấy nét, khẩu độ, tốc độ… đều được chỉnh bằng tay. Ngoài ra, Trường còn bị cuốn hút ở các kiểu lấy nét. Mỗi loại máy sẽ có một kiểu lấy nét riêng.
So với máy ảnh kỹ thuật số thì máy ảnh phim cũ có giá “mềm” hơn rất nhiều. Những loại máy rẻ, dùng được, có giá tầm 1,5 triệu đồng. Một cuộn phim phổ thông có giá khoảng 40.000 đồng. Chi phí rửa phim tầm 35.000 đồng. Thú chơi “vừa túi tiền” như vậy thì việc nhiều bạn trẻ tìm đến cũng là điều dễ hiểu.

Chiếc máy ảnh và cả cuộn phim đối với những người chơi máy ảnh phim được ví như một sợi dây kết nối. Diệu cho hay, những bạn chơi máy ảnh phim thì hay tặng phim cho nhau. Có khi là nhân dịp lần đầu gặp mặt, có khi là dịp sinh nhật và cũng có những khi không có dịp gì cả. Đôi khi, nhờ chiếc máy ảnh phim mà những người có cùng sở thích chơi máy ảnh phim nhận ra nhau, kết bạn với nhau. Cơ kể, có lần đi chơi ở Hội An, một bạn không quen, thấy Cơ đeo máy ảnh phim nên liền chạy lại hỏi “Bạn cũng dùng máy ảnh phim à?”. Thế rồi, hai người trò chuyện với nhau, vui vẻ. Sự xa lạ bị phá tan từ lúc nào.

Chơi máy ảnh phim đồng nghĩa người chơi chấp nhận tốn thời gian, công sức. Bên cạnh đó là rất nhiều rủi ro, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những tấm ảnh.

Chụp ảnh bằng máy ảnh phim không cho phép người chụp xem hình ngay sau khi chụp, mà phải chờ công đoạn tráng, scan rồi in ảnh. Lúc này, người chụp mới biết tấm ảnh mình chụp như thế nào. Chơi máy ảnh phim đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, phải đắn đo về ánh sáng, góc chụp. Lê Diệu cho hay: “Những ngày đầu chơi máy ảnh phim, Diệu cũng không ít lần bỏ nhiều tâm huyết nhưng không được như mong muốn. Cuộn phim đầu tiên chỉ được một tấm duy nhất”.  Còn Huỳnh Nhật Trường chia sẻ, đối với những người mới sử dụng thì hay gặp sự cố “tuột fim, đứt phim”. Ảnh bị cháy cũng là một sự cố hay gặp khi chơi máy ảnh phim. Đó là hiện tượng mà một tấm hình bị mất đi một phần nào đó hoặc gần như mất hết và có những đường như vết cháy. Rồi để khắc phục, người chụp hay vẽ hoặc viết chữ vào phần bị cháy. Tấm ảnh ngỡ như phải bỏ đi lại trở nên đặc biệt. Nếu không rành, bạn sẽ dễ dàng nghĩ đó là kết quả của photoshop.

Trải qua một thời gian dài với những bước tiến vượt bậc, máy ảnh kỹ thuật số đã từng bước giải quyết, khắc phục khuyết điểm của máy ảnh phim. Với máy ảnh kỹ thuật số, người chụp không phải tốn nhiều công sức và thời gian để có được một tấm ảnh. Dẫu vậy, máy ảnh phim vẫn có những ưu điểm đặc trưng mà máy ảnh kỹ thuật số không có được. Chính vì vậy mà “Máy ảnh phim không bao giờ chết đi. Chỉ có thể là chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác”, anh Huỳnh Nhật Trường ví von.

Mai Hiền

;
.
.
.
.
.
.