Phá đập thủy điện vì môi trường

.

Trên toàn nước Mỹ trong năm 2017 đã đập bỏ tổng cộng 86 đập thủy điện. Đây là năm có thành tích tốt nhất vì phá “kỷ lục” 78 đập bị phá bỏ trong năm 2014. Tổ chức America Rivers thống kê đã có 1.492 đập bị phá bỏ kể từ năm 1912 nhưng trong vòng 30 năm qua mới là giai đoạn tích cực nhất trong việc đập bỏ thủy điện với con số 1.275 đập.

Kristie Fach, giám đốc phục hồi sinh thái của Wildlands, cho biết phá bỏ thủy điện giúp mở rộng lãnh thổ cho các loại động vật nước ngọt, cải thiện chất lượng nước thông qua việc oxy hóa tốt hơn và làm cho giao thông đường thủy an toàn hơn. Đập thủy điện còn gây xói mòn bờ sông vì áp lực nước.

Phá đập thủy điện ở Mỹ.
Phá đập thủy điện ở Mỹ.

Các tổ chức phi lợi nhuận, các nhóm cộng đồng và các cơ quan chính phủ ở tây bắc Carolina đang cố gắng thống nhất để đập bỏ các con đập đã lỗi thời.

Trong thời gian hai tháng tới, Tổ chức Cá và động vật hoang dã California sẽ thả 200.000 cá thể cá hồi ở gần sông Sacramento. Kế hoạch này nằm trong kinh phí 100 triệu USD khôi phục môi trường sống cho cá hồi, đồng thời phá bỏ các đập để cá hồi không còn bị tắc đường ở thượng nguồn.

Chính phủ Pháp từ cuối năm ngoái quyết sẽ phá bỏ hai con đập Vezins và Le Roche Qui Boit trên sông Selune trong năm 2018. Dự án trả lại lòng hồ dòng sông Selune được cho là dự án phá đập lớn nhất ở châu Âu cho tới nay.

Nó mở ra xu hướng các nước khác ở cựu lục địa như Tây Ban Nha, Phần Lan… xem xét kế hoạch phá bỏ các đập nhằm trả lại môi trường cho động vật nước ngọt, nhất là cá hồi và cá chình quen với cuộc sống di cư.

Các nước châu Âu bắt đầu tập trung khôi phục các con sông, phá hủy đập nhiều hơn là xây dựng đập. Roberto Epple, Chủ tịch sáng lập Mạng lưới Sông ngòi Châu Âu (ERN) nói “Việc tháo dỡ các đập cổ này sau gần 100 năm là một cột mốc trong thái độ của châu Âu đối với sông ngòi và sản xuất năng lượng.

Nó giúp khôi phục toàn bộ 90km dòng sông Selune, cho phép cá di cư và trầm tích chảy và nhanh chóng đẩy mạnh đa dạng sinh học của sông”. Còn ông Bart Geenen, Giám đốc Freshwater (Hà Lan), cho biết “Việc phá bỏ đập là cách hiệu quả nhất để sông sống lại, thúc đẩy đa dạng sinh học và tạo ra những cơ hội mới và thú vị cho người dân địa phương”.

Nguy cơ xây dựng thủy điện trên dòng sông Mêkông

Một nghiên cứu mới của Đại học Illinois và Iowa (Mỹ) về hệ thống đập trên dòng sông Mêkông vừa được công bố. Họ xoáy sâu vào đập thủy điện Xayaburi ở Lào dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018 này.

Đập Xayaburi buộc 2.100 người phải di cư, ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 200.000 người sản xuất lương thực dựa vào sông Mêkông, đẩy nhiều loại cá, trong đó có cá da trơn ở Mêkông tới khả năng tuyệt chủng.

Các đập thủy điện sẽ khiến nhiều vùng đất bị ngập lụt vĩnh viễn. Quá trình tái định cư cho người dân vùng núi khó đạt yêu cầu bởi vì người dân sẽ nhận lại vùng đất mới ít màu mỡ và không phù hợp với cây lúa và cây trồng quen thuộc.

ANH THƯ (theo lehighvalleylive, mountainx, phys)

;
.
.
.
.
.
.