Thơ nữ Đà Nẵng, những cơn sóng ngầm

.

Tính từ 1975 đến nay, so với hai đầu đất nước, thơ nữ Đà Nẵng tương đối hiền lành, yên  ắng, gần như chưa có những dấu ấn khuấy động rõ rệt. Tuy thế, ẩn dấu sâu xa dưới sự bình yên ấy, phải chăng là những cơn sóng ngầm của biển đêm, thầm lặng, nhưng không kém phần khốc liệt...

Lãnh Đạo Hội Nhà văn Đà Nẵng gặp gỡ các tác giả thơ nữ Đà Nẵng trong buổi giới thiệu tuyển tập thơ Như tiếng biển đêm. Ảnh: T.T.S
Lãnh Đạo Hội Nhà văn Đà Nẵng gặp gỡ các tác giả thơ nữ Đà Nẵng trong buổi giới thiệu tuyển tập thơ Như tiếng biển đêm. Ảnh: T.T.S

Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, trong một lần gặp gỡ chuyện trò với anh em sáng tác văn nghệ trẻ đất Quảng tại trụ sở Hội VH-NT Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), có lần GS Hoàng Ngọc Hiến khi đưa ra những nhận định về thơ ca đương đại, ông cho rằng, Ý Nhi (nhà thơ nữ gốc quê Quảng Nam-Đà Nẵng) là một trong ba thi sĩ hàng đầu của thi ca Việt Nam (bên cạnh Nguyễn Duy, Thanh Thảo).

Cũng từ đó, chúng tôi chú ý nhiều hơn về sáng tác của Ý Nhi. Ý Nhi  tên thật là Hoàng Thị Ý Nhi, sinh năm 1944 tại thị xã Hội An, Quảng Nam, là ái nữ của GS Hoàng Châu Ký. Chị từng nhận Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1985 với tác phẩm Người đàn bà ngồi đan.

Thơ chị giản dị mà đậm chất trí tuệ, giọng điệu thơ trầm lắng, suy tư, thiết tha mà chua xót. Với ngôn ngữ đậm chất triết luận, thơ Ý Nhi là sự ký thác sâu lắng của một trái tim không khi nào thôi khắc khoải trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời.

Thơ của chị được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các nhà nghiên cứu thơ phương Tây đánh giá là một trong những nhà thơ Việt Nam đương đại tiên phong sau Đổi mới.. Năm 2015, ở tuổi 71, Ý Nhi nhận được giải Cikada 2015 (giải thưởng lấy tên tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển quá cố Harry Martinson trao cho các nhà thơ vùng Đông Á).

Hiện nay, chị vẫn là một trong những tác giả có nhiều sáng tác phong cách trẻ trung, dù vậy những câu thơ trong bài Người đàn bà ngồi đan vẫn được nhiều người nhớ hơn cả: Giữa chiều lạnh/ Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/ Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã/ Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời/ Vội vã như thể đó là lần sau chót/ Không thở dài/ Không mỉm cười/ Chị đang giữ kín đau thương/ Hay là hạnh phúc/ Lòng chị đang tràn đầy niềm tin/ Hay là ngờ vực.

Cũng vào thời điểm nói trên, tức vào trước và sau những năm 1990, với sự dẫn dắt nhiệt tình, tâm huyết của nhà thơ Hoàng Minh Nhân (1942-2011), nguyên Trưởng ban Phong trào sáng tác Hội VH-NT Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), văn nghệ trẻ Đà Nẵng nói riêng và đất Quảng nói chung sôi động hơn bao giờ cả.

Đặc biệt, trong số những nhà thơ nữ, nổi bật lên một tác giả gây dư luận xôn xao cả nước, đó là Lê Thu Thủy (sinh năm 1972) với những bài thơ bậc thang. Trước đó, ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Thủy cũng đã được biết đến với tập thơ Thơ cho Isaura.

Những câu thơ điển hình của Lê Thu Thủy như : Đêm,/ Chúa ở chỗ nào/ cứ ở nguyên chỗ ấy/ Nén hương ai đốt ngoài kia/ đừng bay khói vào đây/ Tôi là cô bé nô lệ/ Tôi chẳng có bạn bè/ Những người thân yêu nhất lại lẩn quẩn quanh trong nhà bếp….

Theo đánh giá của nhà thơ Hoàng Minh Nhân: “Lê Thu Thủy là nhà thơ nữ xuất sắc bậc nhất của cả nước” (vào thời điểm đó). Quan điểm trên cũng được nhà thơ Trinh Đường cùng nhiều nhà phê bình, lý luận phía Bắc ủng hộ. Một số tờ báo lớn như Lao Động, Tiền Phong... dành không ít trang giới thiệu về Lê Thu Thủy với những lời có cánh. Tuy nhiên, không lâu sau, thì hầu như không thấy Thủy xuất hiện trên báo chí nữa. Nghe tin, sau khi tốt nghiệp Đại học, cô làm việc một công ty nước ngoài. Những bài thơ của cô cũng ít được nhắc đến.

Cần nhắc lại, từ năm 1986 là một mốc đánh dấu nhiều sự chuyển biến của văn học Việt Nam. Trong khuynh hướng “Đổi mới” nói chung của văn học, có một xu thế vận động  hình thành ngày càng rõ nét ở văn thơ nữ, đó là ý thức về giới nữ và những sáng tác của họ cất lên tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ, quyết liệt. Cụ thể khoảng hơn 10 năm gần đây, thơ ca phía Bắc xuất hiện nhiều khuôn mặt  được cho là đang “dồn sức phá vỡ hệ thẩm mỹ truyền thống, buộc người  đọc phải tiếp nhận với thái độ và lối tư duy khác”. Tiêu biểu đó là: Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh... 

 Trong khi đó, tại miền Trung cũng như Đà Nẵng, các nữ thi đương đại vẫn  lặng lẽ với những bước đi độc lập. Tìm đến cái tôi cô đơn của mình, họ muốn cắt nghĩa nguyên nhân những rạn nứt hạnh phúc trong đời sống. Thơ của họ, phần lớn mang giữ âm hưởng hiện thực chứ không có ý niệm thoát ly cuộc sống. Nếu ở Huế, người ta thường nhắc đến Lưu Ly với Bốn mùa yêu (2005), Gọi em ở cuối thiên đường (2010), Đông Hà với Thơ Đá (1999), Người đàn bà che mặt (2010)… thì tại Đà Nẵng, các tác giả: Hoàng Thị Thương, Võ Kim Ngân, Nguyễn Thị Anh Đào, Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Nho Thùy Dương, Vạn Lộc, Vô Biên, Trương Thị Bách Mỵ..., hoặc gần đây, một số thi phẩm của Phượng Hoàng, Thụy Sơn, Võ Thị Nhung... mỗi người một giọng điệu, đã có nhiều nỗ lực tạo nên bản sắc riêng biệt của một miền đất thơ ca.

Đặc biệt, mới đây, Tuyển tập thơ “Như tiếng biển đêm” do Hội Nhà văn Đà Nẵng vừa mới ấn hành đã giới thiệu 20 gương mặt nhà thơ nữ Đà Nẵng, một lần nữa khẳng định đậm nét những trăn trở, sáng tạo đầy cá tính của các nữ thi sĩ của thành phố bên sông Hàn.

Chúng tôi thật vui mừng, khi tìm thấy trong tuyển tập Như tiếng biển đêm, bên cạnh những nữ tác giả đóng góp nhiều năm trong hoạt động sáng tạo tại thành phố, còn có khá nhiều những gương mặt mới, hoặc mới xuất hiện lần đầu. Trong đó, chẳng hạn tác giả Đoàn Minh Châu vốn là một gương mặt khá nổi trội trên các trang mạng xã hội chuyên đề thi ca hiện đại trong và ngoài nước.

Đinh Thị Như Thúy, tuy từ Tây Nguyên vừa chuyển công tác về  tại Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng trong vài năm gần đây, nhưng là một nhà thơ nữ với dòng thơ cách tân nổi tiếng  từ nhiều năm qua. Chính từ khoảng sân vườn của mình nơi vùng đất Tây Nguyên, Đinh Thị Như Thúy đã cất lên tiếng thơ huyền ảo như đại ngàn, nghiêm cẩn như bảng đen phấn trắng, góp thêm cho nền thơ Việt đương đại một ánh chớp, một giấc mơ đẹp và quyến rũ.

Điển hình như bài thơ Mùa ly hương: “Mùa ra đi của những đàn chim tránh rét chọn phương Nam. Mùa của dã quỳ vàng bất ổn gửi nỗi buồn vào không gian bao la ngờm ngợp gió. Mùa của những ngọn gió lãng du, không biết bắt đầu từ đâu, không biết sẽ đi về đâu, cứ phía trước mà phi mà lồng lộn sải vó”. Đinh Thị Như Thúy được tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tập thơ Ngày linh hương nở sáng.

Bước vào thế giới thơ ca, hơn ai hết, những nữ thi sĩ càng hiểu rõ con đường phía trước đang đợi chờ là hành trình đầy cô đơn, trăn trở để hướng đến cái đẹp dâng hiến tặng đời. Nỗi cô đơn ấy như là những cơn sóng ngầm ẩn giấu trong tiếng biển đêm không ngừng nghỉ, có lúc thì thầm, có khi ồ ạt... Và  điều chắc chắn, chúng ta tin rằng, những cơn sóng ấy sẽ làm nên cuộc chuyển mình mạnh mẽ của dòng thơ nữ Đà Nẵng trong dòng chảy của thơ nữ đương đại Việt Nam.

  TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.
.