Giúp học sinh chọn đúng "điểm rơi"

.

Với chủ trương tư vấn nghề nghiệp cho học sinh (HS) là một quá trình chứ không đợi đến thời điểm các em làm hồ sơ tuyển sinh mới bắt đầu triển khai, nhiều trường THPT đã tiến hành công tác hướng nghiệp sớm giúp các em có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp cũng như năng lực thực sự của mình.

Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng được trải nghiệm và học cách dệt lụa. Ảnh: H.T
Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng được trải nghiệm và học cách dệt lụa. Ảnh: H.T

Trường THPT Thanh Khê triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS bắt đầu từ lớp 10 dựa trên nguyên tắc phù hợp với sở thích, năng lực của các em, cũng như khả năng tài chính của gia đình và cơ hội nghề nghiệp. Tư vấn hướng nghiệp sớm, theo như nhận xét của thầy Nguyễn Duy Thảo - Hiệu trưởng nhà trường sẽ hỗ trợ rất nhiều cho HS trong xác định nghề nghiệp phù hợp.

“Một khi nắm bắt được nguyện vọng, khả năng của HS, điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu của xã hội, việc tư vấn, định hướng ngành nghề cho các em sẽ rất có hiệu quả”. Theo đó, ngay từ lớp 10, lớp 11, HS trường THPT Thanh Khê đã được nhà trường giới thiệu kỹ một số nghề nghiệp theo tiêu chí “thời gian học ngắn, học phí vừa phải và sớm có việc làm”.

Thầy Thảo cho biết, bên cạnh giới thiệu thông tin về các trường ĐH, nhà trường vẫn dành thời gian để tư vấn cho HS về các trường nghề do điểm đầu vào của trường không cao, đa phần HS đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nếu học các nghề dịch vụ, du lịch thì các em sẽ sớm có việc làm phụ giúp kinh tế cho gia đình.

Tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh của Trường THPT Nguyễn Hiền, ngoài sự tham dự của HS khối 12 còn có cả HS khối 10. Thầy Trần Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tham gia hướng nghiệp sớm, sẽ giúp HS lớp 10 biết được một số nghề cơ bản trong xã hội, từ đây các em sẽ có một số hình dung nhất định về nghề nghiệp, biết xác định được ưu điểm và sở thích của mình để có những định hướng nghề nghiệp và kế hoạch học tập phù hợp”.

Ngoài chủ động mời một số trường CĐ, ĐH về trực tiếp tư vấn sâu cho HS, Trường THPT Nguyễn Hiền cũng đưa HS đến trải nghiệm ở một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn Đà Nẵng. “Một số em sau khi trải nghiệm mới “vỡ” ra rằng nếu chỉ “thích” hay am hiểu về máy tính thôi thì chưa đủ để theo học CNTT mà còn phải cần thêm tính kỷ luật, tư duy logic… hay để trở thành một hướng dẫn viên du lịch thì ngoài khả năng diễn đạt còn phải có cả kiến thức lịch sử, địa lý, văn học…”, thầy Tuấn cho biết.

HS Trường THPT Tôn Thất Tùng, đến nửa năm đầu của lớp 11 đã làm quen được với một số nghề cơ bản trong xã hội, góp phần hình thành hứng thú nghề nghiệp trong HS cũng như ý thức tôn trọng người lao động thuộc các thành phần khác nhau.

Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tư vấn hướng nghiệp phải là một quá trình và công tác tư vấn thực ra diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Có những HS có thể tìm đến giáo viên, không cứ gì là giáo viên chủ nhiệm, nhờ sợ giúp đỡ, tư vấn, giải đáp… ngoài giờ học.

Có sâu sát HS mới thấy càng nhiều thông tin thì các em càng phân vân trong lựa chọn. Giáo viên vì vậy phải làm sao cho HS xác định được năng lực thực sự của mình, biết được mình “rơi” vào chỗ nào thì được, và phải có sự hình dung nhất định về con đường phía trước của mình”.

 Thông qua các hoạt động trải nghiệm - sáng tạo của một số môn học như Địa lý, Lịch sử…, Trường THPT Tôn Thất Tùng cũng kết hợp luôn cả công tác hướng nghiệp sớm. Như qua giờ học trải nghiệm tại trang trại trồng rau hữu cơ, HS mới biết được công việc trên đồng ruộng của người nông dân không hề giống như các em hình dung, biết thế nào là nông nghiệp sạch cũng như nhu cầu về các sản phẩm rau sạch là rất lớn.

Giờ học ngoại khóa khám phá Sơn Trà, tìm hiểu về đa dạng sinh học, trải nghiệm học làm gốm… cũng được nhà trường lồng ghép một cách khéo léo để giới thiệu về một số nghề nghiệp cho HS.

“Hướng nghiệp muốn hiệu quả thực sự phải bắt nguồn từ cuộc sống, và HS phải có sự trải nghiệm nhất định thì mới biết mình phù hợp nhất với nghề gì. Trong khả năng có thể của nhà trường, chúng tôi muốn giúp cho HS biết được một số ngành nghề là thế mạnh của địa phương, hoặc những ngành nghề mà địa phương có nhu cầu cao để các em có thể có những lựa chọn phù hợp với sở thích, năng lực của mình” – cô Kim Vân cho biết.

Tuy nhiên, theo như Ban giám hiệu của các trường THPT, dù hoạt động trải nghiệm để hướng nghiệp là rất hiệu quả nhưng hầu như trường nào cũng gặp khó khăn về kinh phí. Đó là chưa kể rào cản từ chính phía phụ huynh vì vẫn còn phổ biến tình trạng HS chọn nghề theo mong muốn của bố mẹ, và “phụ huynh thì không muốn con chệch khỏi con đường mà mình đã vạch ra”.

Hà Trần

;
.
.
.
.
.
.