Vĩnh biệt người cuối cùng của thế hệ nhà văn hậu chiến

.

Tờ New Yorker cho biết, tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Do Thái Philip Roth (ảnh), được đánh giá là một trong những nhà văn nổi bật và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn học Mỹ, vừa qua đời ở tuổi 85.

Ông sở hữu hàng loạt giải thưởng văn học uy tín của nước Mỹ và thế giới, trong đó có giải thưởng Pulitzer danh giá. Ông cũng từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương quốc gia Vì con người hồi năm 2011.

(Ảnh: AP)
(Ảnh: AP)

Philip Roth là người cuối cùng của thế hệ nhà văn hậu chiến còn sót lại và là một công dân Mỹ điển hình và mạnh mẽ, một giọng nói mà có lẽ được coi là giọng nói đại diện cho những thập kỷ cuối cùng của “thế kỷ Mỹ”, thế kỷ mà giờ đối với ông chỉ còn là dĩ vãng.

Ông là một tác giả viết không ngừng nghỉ nhưng luôn tìm kiếm những chất liệu đời thực để cho ra những vở hài kịch điên cuồng và khuấy động mọi thứ. Ông thích tự lớn giọng tranh luận với chính mình và với cả những người xung quanh.

Trải qua hơn 50 năm sáng tác, ông đã viết về lời hứa, sự hiện thực hóa và sự mục nát của suy nghĩ Mỹ - những cuộc đụng độ giữa khát vọng cá nhân và nhu cầu hạn chế của xã hội.

Sinh tại Newark, New Jersey vào năm 1933, Philip Roth từng học ở Đại học Tổng hợp Chicago, nhận bằng thạc sĩ văn chương tiếng Anh. Năm 1955, ông vào quân đội nhưng được giải ngũ do bị thương trong thời kỳ huấn luyện cơ bản.

Sau đó, ông tiếp tục con đường học vấn tại Chicago. Từ 1955 đến 1957, ông trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh, đồng thời bắt đầu viết những bài điểm phim cho tờ New Republic. Cũng trong giai đoạn này, tác phẩm đầu tay “Goodbye Columbus” được xuất bản và đoạt giải thưởng Sách Quốc gia, đưa ông bước chân vào nền văn chương Mỹ.

Trong năm 1969, việc cuốn “Portnoy’s Complaint” với phong cách gây sốc đã trở thành sách bán chạy số một vào thời điểm đó, đồng thời đưa cuộc đời của Philip Roth bước sang trang mới với sự nổi tiếng và giàu có. Đây cũng là giai đoạn ông bắt đầu khẳng định được phong cách tiểu thuyết độc đáo của mình.

Nhà phê bình Armold Dolin đã đánh giá “Philip Roth đã nhìn sâu vào trái tim người Do Thái ở Mỹ, những người phải đối mặt với việc đánh mất bản sắc của mình”. Đây cũng chính là nội dung sáng tác xuyên suốt trong các tác phẩm của ông sau này.

Khi sự nghiệp ngày càng bước vào độ chín thì văn chương của Philip Roth càng trở nên đầy suy nghiệm, thể hiện những trăn trở nội tâm con người thông qua kỹ thuật viết đầy biến hóa. Những tác phẩm “American Pastoral”, “The Human Stain”, “The Dying Anima” hay “The Plot Aganist America” được xuất bản trong những năm 90 của thế kỷ 20 đều là những tác phẩm đặc sắc, nhận được sự tán dương của độc giả ở hai bờ Đại Tây Dương. Những sáng tác của ông thường tập trung vào chủ đề người Do Thái ở Mỹ với những trăn trở giữa vòng xoáy hiện tại. Tuy nhiên, những tác phẩm của ông cũng vấp phải nhiều tranh cãi về cách viết về vấn đề tình dục và phụ nữ.

Ông có thể được hay không được coi là “tiểu thuyết gia người Mỹ đang sống vĩ đại nhất”. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, dòng chảy hùng biện của Roth đã đưa độc giả đi cùng nước Mỹ trong nửa thế kỷ qua, và còn hơn nữa, về những gì đã tồn tại. Sức sống của ông dường như không thể dập tắt trên những trang viết.

ĐOÀN GIA HUY (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.
.