70 năm Ngày Bác Hồ ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"

Sức mạnh hiệu triệu và sức sống lâu bền

.

70 năm đã qua kể từ ngày 11 tháng 6 năm 1948 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Thực ra trước đó gần 3 tháng - ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc.

Trước đó 10 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ký Sắc lệnh số 195/SL thành lập Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương với nhiệm vụ vận động, đôn đốc, thu thập và phổ biến kinh nghiệm về việc thi đua. Đáng chú ý là trước khi ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” tháng 6 năm 1948 khoảng hơn một tháng, Bác đã viết “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” với nội dung ngắn hơn nhằm thăm dò dư luận (1).

Bác Hồ thăm và nói chuyện với bà con nông dân xã viên hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Bác Hồ thăm và nói chuyện với bà con nông dân xã viên hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Như vậy thi đua yêu nước là một chủ trương lớn của Trung ương Đảng được Chính phủ thể chế hóa và được đích thân Bác Hồ với tư cách người đứng đầu Trung ương Đảng và Chính phủ truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước qua “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”:

Tôi xin các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào công nông thi đua sản xuất; đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân; bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Và từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước.

70 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã được Ðảng, Chính phủ và nhân dân ta vận dụng sáng tạo vào từng giai đoạn cách mạng; các phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều này chứng tỏ sức mạnh hiệu triệu và sức sống lâu bền của một lời kêu gọi hợp lòng dân. Điều đáng ngưỡng mộ nhất là các chủ thể thi đua và nội dung thi đua tương thích với từng chủ thể theo cách nghĩ của Bác Hồ 70 năm trước đến nay vẫn còn phù hợp, kể cả nội dung thi đua của chủ thể bộ đội và dân quân.

Kêu gọi bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng không chỉ phù hợp trong suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ, mà trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, vẫn chưa thể xa rời nội dung thi đua này - đương nhiên cần bổ sung cho phù hợp với thực tế phổ biến của một quân đội thời bình.

Nếu không thi đua giết giặc lập công theo “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 30 năm trước thì làm sao năm 1979 ngay giữa thời bình, Bộ đội Cụ Hồ có thể giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc?

Thế nhưng ngay từ khi ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lường trước những hạn chế có thể có trong quá trình tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt trong “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” đăng báo Sự thật số ra ngày 1-8-1949 (2), Bác thẳng thắn chỉ ra một số khuyết điểm cơ bản của công tác thi đua đương thời: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hằng ngày, thật ra công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua (…) Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời, thật ra thi đua là phải trường kỳ (…) Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi.

Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được. Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau (…) Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau.

Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên, Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã, chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực”.

Thi đua yêu nước đã được luật hóa với Luật Thi đua, Khen thưởng do Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 26-11-2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004 và được sửa đổi bổ sung năm 2005 và năm 2013, qua đó tạo được chuyển biến đáng kể trong các phong trào thi đua yêu nước ở nước ta.

Tuy nhiên, những khuyết điểm mà Bác Hồ đã chỉ ra từ năm 1949 cho đến nay vẫn nóng bỏng tính thời sự, chưa kể những khuyết điểm mới phát sinh như có nơi có lúc phong trào thi đua yêu nước bị tác động tiêu cực bởi bệnh thành tích, bởi tham vọng đánh bóng tên tuổi mang tính cơ hội chính trị, dẫn đến hiện tượng “chạy” rất đáng buồn trong thi đua như “chạy huân chương”, “chạy anh hùng”; hay như có nơi có lúc diễn ra hiện tượng “tranh công” trong phong trào thi đua, dẫn đến phần lớn người thực sự có đóng góp, thực sự có thành tích nhưng chỉ là “phó thường dân” thì không được khen thưởng, trong khi người không có đóng góp gì đáng kể, không có thành tích gì nổi bật nhưng là người đứng đầu, là cán bộ lãnh đạo lại liên tục có tên trên “bảng vàng”.

Hay như có nơi có lúc diễn ra hiện tượng kẻ “giàu ba họ” kẻ “khó ba đời” - những địa phương, đơn vị có điều kiện khách quan thuận lợi thì luôn dẫn đầu rực sáng trong phong trào thi đua dẫu chẳng cần nỗ lực gì thêm, còn những địa phương đơn vị có điều kiện khách quan bất lợi thì luôn lẽo đẽo đi sau mặc dầu không ngừng tìm tòi sáng kiến để vượt khó vươn lên…

Có nhiều cách để làm cho phong trào thi đua yêu nước trở thành thực chất hơn, đúng như hình dung của Bác Hồ 70 năm trước, nhưng theo tôi quan trọng nhất là phải đổi mới cách đánh giá thi đua theo nguyên tắc “ba so”: so với chuẩn, so với cùng cấp và so với chính mình.

Muốn so với chuẩn cần phải đề ra tiêu chuẩn phù hợp với từng chủ thể thi đua, tuổi già khác với tuổi thơ, trí thức thì phải đề cao yêu cầu sáng tác và phát minh, công chức thì phải nhấn mạnh yêu cầu đạo đức công vụ…

So với cùng cấp vừa để những “phó thường dân” thực sự có đóng góp, thực sự có thành tích, có cơ hội được khen thưởng; vừa để người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo không phải đứng ngoài cuộc, đứng trên, đứng xa phong trào thi đua yêu nước, để họ vẫn có cơ hội được khen thưởng mà không mang tiếng là “tranh công” của cấp dưới.

So với chính mình nhằm khẳng định bản chất của thi đua là làm thế nào để hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay - có như vậy mới tạo cơ hội công bằng bình đẳng cho những chủ thể thi đua ở “chiếu dưới” nhưng không ngừng vượt lên chính mình một cách ngoạn mục.

Ngoài ra còn phải đổi mới thủ tục thi đua theo hướng cấp có thẩm quyền khen thưởng phải tự mình phát hiện, tự mình tìm đến người có thành tích nổi trội để tôn vinh họ, chứ không phải ngược lại.

BÙI VĂN TIẾNG


(1) Viết khoảng ngày 1 tháng 5 năm 1948, bản gốc lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh, in lại trong Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 5, tr. 513.

(2) In lại trong Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 6, tr. 167.

;
.
.
.
.
.
.