Ấm áp những ngôi nhà tình nghĩa

.

Vào những ngày tháng bảy - tháng của tri ân, trong chuyến “trở về” với bao hồi ức hào hùng, chúng tôi càng tự hào hơn khi được trực tiếp nghe những người trong cuộc kể lại trong những ngôi nhà thắm đượm nghĩa tình sau khi Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25-7-2017 của Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng ra đời.

Cũng chính nhờ nghị quyết này, nhiều gia đình chính sách đã có thêm động lực quyết tâm sửa chữa, xây nhà mới, dẫu cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Mai Thị Trọn say sưa kể về những năm tháng chiến đấu của mình trong căn nhà mới sửa chữa. Ảnh: Đ.H.L
Bà Mai Thị Trọn say sưa kể về những năm tháng chiến đấu của mình trong căn nhà mới sửa chữa. Ảnh: Đ.H.L

Hồi ức trong căn nhà mới

Nhà bà Hoàng Thị Ngọc Lan, thương binh 1/4, nằm ở một con hẻm khá bình yên của tổ 16, phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Là thương binh nặng nhưng bà vẫn giữ được phong thái năng động, hoạt bát của người lính năm xưa, vẫn chăm sóc chồng là ông Trần Mậu Trinh (78 tuổi), ông mắc bệnh nặng, bất động trên giường 4 năm nay và phải thở bình oxy. Khi nghe chúng tôi hỏi về những năm tháng ở chiến trường, về những vết thương, bà kể như thể câu chuyện ấy vừa mới xảy ra hôm qua.

Năm 1969, lúc đang là diễn viên của Đoàn Văn công Đặc khu ủy Quảng Đà, một hôm khi đoàn đang di chuyển qua cầu Bà Rén (Quảng Nam), một chiếc trực thăng đi càn xả đạn lên đoàn người, nhiều anh em trong đoàn hy sinh và bị thương; bà Ngọc Lan bị bắn xuyên ngực và nhiều vết đạn khác găm lên đầu, vai…

Nhắc lại chuyện cũ, bà còn cảm thấy rùng mình, hoảng sợ. Hiện nay, trên người bà vẫn còn 3 mảnh đạn ở đầu và 1 mảnh ở bả vai. Mấy năm gần đây, một phần do bị thương nặng, một phần tuổi cao, sức khỏe của bà Lan trở nên yếu hẳn.

Đôi khi, bà rơi vào vô thức, ngồi bất động. Sau khi chồng rơi vào cảnh sống thực vật, dù là thương binh nặng nhưng bà Lan phải gánh vác mọi công việc gia đình. Bà kể, ngôi nhà trước đây lợp bằng tôn, lâu ngày tôn bị lủng, mỗi khi mưa to, nước đổ xuống phòng ngủ, rồi tràn qua cầu thang chảy xuống nhà dưới.

“Sau khi được hỗ trợ 30 triệu đồng, tôi cho lợp lại mái tôn, quét vôi và sửa ống nước nên nhà cũng tạm ổn hơn trước”. Bà cười và nói thêm là thấy rất vui khi được chính quyền quan tâm sửa chữa nhà. Theo quy định, gia đình bà Lan sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng nhưng xét hoàn cảnh quá khó khăn, phường đã nâng mức hỗ trợ lên 30 triệu đồng, để việc sửa chữa tươm tất hơn.

Cũng chẳng khấm khá hơn hoàn cảnh của bà Lan bao nhiêu, bà Mai Thị Trọn ở tổ 5, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà vừa là thương binh 4/4 vừa là con liệt sĩ. Ngoài vết thương của chiến tranh, bà Trọn hiện mang trong mình căn bệnh khối cứng ở ruột thừa. Khi gặp chúng tôi, sắc mặt bà vẫn còn xanh xao và đi lại yếu ớt sau khi mới nằm viện về. Căn nhà chỉ rộng chừng 58m2 như càng trống trải hơn do neo người.

Trước đây, ngôi nhà của bà bị mối ăn phần gác gỗ nên đổ nát và thường xuyên bị dột. Khi bão lớn đến, bà phải đi sơ tán cùng người dân trong khu phố, còn những lúc mưa bão nhỏ, bà ở nhà một mình nên không yên tâm.

Sau khi được hỗ trợ 30 triệu đồng, bà nhờ cháu vay mượn thêm 80 triệu đồng để sửa lại nhà và mua thêm tủ, bàn, ghế, giường mới. Trong lúc sửa nhà thì bà Trọn lại bị bệnh nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Sửa xong nhà thì bà cũng được xuất viện nên bà vui lắm. Nhìn nhà cửa mới mẻ, rộng rãi, thoáng đãng, tinh thần bà cũng phấn chấn hơn trước dù bệnh chưa khỏi hẳn.

Năm nay, bà Trọn đã hơn 72 tuổi, không có chồng con, nên phải tự lo cho bản thân. Dù không được khỏe nhưng mỗi khi có ai đến thăm, những ký ức ngày xưa ở chiến trường Khu 3 Hòa Vang vẫn còn in dấu trong trí nhớ của bà. Năm 1967, khi ba vừa hy sinh, bà thoát ly gia đình.

Từ một cô du kích xã Hòa Hải, với những chiến công của mình, bà được giao vai trò bí thư chi bộ, tiểu đội trưởng du kích, rồi phó ban đấu tranh chính trị Khu 3 Hòa Vang; lãnh đạo đưa dân vô khu dồn, rồi sau đó đưa dân ra khỏi khu dồn Hòa Hải.

Trong thời gian công tác tại đây, bà từng vận chuyển 40 quả lựu đạn chỉ trong vòng một tháng vô khu dồn đánh địch và chỉ huy 5 tổ du kích mật. Có những lúc bà phải giả điên giả khùng, cột đạn dưới chân để đưa vô khu dồn.

Trong một lần diễn ra văn nghệ ở khu dồn, lựa thời cơ khi địch lên xe, bà Trọn đã cùng với bà Nguyễn Thị Tiến ném lựu đạn làm chết 14 tên và bị thương 16 tên địch. Ở một trận đánh khác, bà cũng diệt được 6 tên địch.

Sau ngày hòa bình lập lại, bà Trọn trở về Sơn Trà làm bí thư phường và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác. Bà bảo mình “như hạt gạo trên sàng, còn sống đến ngày hôm nay là rất may mắn, chứ mấy người chiến đấu cùng cô thời đó, họ hy sinh hết rồi!”. Câu nói của bà như một lời tiếc nuối và an ủi, dẫu bà mang trong mình nhiều bệnh tật.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Quyết tâm vượt lên hoàn cảnh

Có lẽ trong số những gia đình chúng tôi đến, căn nhà của bà Hoàng Thị Bích Thủy ở tổ 4, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê là tương đối khang trang. Nhưng mấy ai biết rằng, để có được ngày hôm nay cũng là một sự nỗ lực lớn của vợ chồng bà.

Bà Thủy là con liệt sĩ lại bị nhiễm chất độc hóa học, trong khi chồng bà là thương binh 4/4. Dù cả hai vợ chồng đều đau ốm thường xuyên nhưng họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn nuôi 3 con ăn học thành tài. Đặc biệt, đứa con lớn bị nhiễm chất độc hóa học, tưởng chừng như không học được cũng tốt nghiệp đại học và có gia đình riêng.

“Hồi nhỏ đứa đầu bị tật ở lỗ tai và tay nên đi học rất khó khăn vì chậm hiểu. Vậy mà dần dần cháu cũng vượt qua được và học lên đại học. Chính cô cũng thấy bất ngờ!”, bà Thủy vui mừng cho biết. Cũng nhờ quan tâm đầu tư cho con cái ăn học thành tài, đến nay, gia đình bà Thủy có cuộc sống ổn định nhờ các con chung tay giúp đỡ.

Vừa rồi, được sự hỗ trợ của Nhà nước với số tiền 60 triệu đồng, các con bà giúp thêm nên vợ chồng bà xây ngôi nhà khang trang hơn 700 triệu đồng trên diện tích 62m2. “Căn nhà này trước đây đã xây hơn 20 năm nên xuống cấp nghiêm trọng.

Mỗi lần bão, mái tôn bị giật bay tứ tung. Lúc đầu cô cũng chỉ định sửa lại thôi vì không có tiền. Nhưng nghĩ một lần làm một lần khó, lại có thêm sự giúp đỡ của các con nên mạnh dạn xây mới. Khi làm, một mình cô cũng đứng ra lo liệu mọi thứ, chứ chú bị đau tim động mạch vành, không làm việc nặng được”, bà Thủy tâm sự.  

Cũng nhờ Nghị quyết số 63/NQ-CP mở rộng cho các đối tượng chính sách, nhiều gia đình khó khăn được tiếp thêm động lực để quyết tâm xây nhà mới. Bà Dương Thị Thoa ở tổ 16, phường Thuận Phước, quận Hải Châu là một ví dụ điển hình.

Có chồng trước đây là cán bộ tiền khởi nghĩa, bà Thoa được hỗ trợ 60 triệu đồng và vay mượn thêm với tổng số tiền 480 triệu đồng để xây nhà mới. Khi chúng tôi đến, căn nhà đã bị đập, gạch đá đang còn nằm ngổn ngang.

Bà Thoa cho biết: “Căn nhà này đã mục nát. Bốn bức tường xung quanh chỉ cần đạp mạnh là đổ sụp. May mà có sự hỗ trợ của Nhà nước nên cô quyết định xây, chứ để đến mùa mưa bão thì không biết nó sụp lúc nào”.

Trong khi đó, căn nhà của ông Đỗ Ngọc Hay, con liệt sĩ, ở tổ 54, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đang trong quá trình hoàn thiện. Ngôi nhà đã được khởi công hơn 3 tháng nhưng ông Hay lại bị đau ốm liên miên.

Bà Võ Thị Yến, vợ ông cho biết, sau khi mở móng hơn 1 tuần thì chồng bà bị đau đầu, đi chữa khắp các bệnh viện vẫn không giảm; sau đó chuyển lên Bệnh viện Tâm thần điều trị đến nay; một mình bà Yến phải đứng ra lo liệu mọi thứ từ mua vật liệu xây dựng cho đến đồ ăn cho thợ xây.

Dù vất vả, nhưng trong ánh mắt bà Yến vẫn hiện lên niềm vui sướng khi sắp được vào nhà mới. “Hai vợ chồng chị ở Duy Xuyên (Quảng Nam) ra đây lập nghiệp từ năm 2004. Giờ sắp có nhà mới, chị vui lắm. Trước đây, nằm mơ cũng không thấy!”, bà Yến hồ hởi khoe.

Hầu hết những gia đình chính sách mà chúng tôi đến thăm, hoàn cảnh của họ vẫn chưa hết khó khăn; đặc biệt, gia đình có người bị bệnh rất nặng. Do đó, việc hỗ trợ tiền sửa chữa, xây nhà mới vài chục triệu đồng đối với họ rất quý giá.

Tuy nhiên, để xây được một ngôi nhà thì số tiền đó vẫn còn quá nhỏ so với số tiền họ phải vay mượn thêm. Nhưng sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước là nguồn động viên lớn, tạo động lực cho họ thêm vững tâm để quyết tâm làm nhà. Với nghị lực vốn có của người lính cụ Hồ năm xưa và là con cháu của gia đình có truyền thống cách mạng, chúng tôi tin tưởng rằng, họ sẽ sớm vượt qua mọi khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.      

Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng: Hỗ trợ sửa chữa nhà ở là bước đột phá

Để nâng cao đời sống gia đình chính sách, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định của Nhà nước thì công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở được xem là bước đột phá của Đà Nẵng.

Thành phố triển khai tốt công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố đã sửa chữa, xây mới 2.319 nhà, trong đó xây mới 652 nhà, sửa chữa 1.667 nhà.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.