Bác sĩ cũng như chuyên gia về du lịch khuyến cáo phụ nữ mang thai hoặc dự kiến mang thai trong thời gian ngắn tới không được quên virus Zika trong điều kiện thời tiết ấm nóng của mùa hè. Số ca nhiễm Zika trên toàn thế giới tiếp tục giảm nhưng vẫn còn 90 nước có nguy cơ. Virus này chủ yếu do muỗi chích, 80% trường hợp không có triệu chứng gì nhưng lại truyền sang trẻ sơ sinh với di chứng lâu dài. Những điểm du lịch hấp dẫn như Mexico, các quốc gia thuộc vùng biển Caribean (Cuba, Puerto Rico, Jamaica, Cộng hòa Dominican), Nam Mỹ, Trung Đông và một phần châu Phi được coi là vùng có nguy cơ cao.
Muỗi, nguồn phát dịch Zika. |
Virus Zika dễ dẫn tới trẻ sơ sinh có đầu và não nhỏ hơn. Hộp sọ cũng có thể sập một phần do mô não bị giảm và tổn thương não. Mặt sau của mắt cũng bị tổn hại. Các khớp xương hoạt động kém. Virus này cũng có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh ở một số ít người lớn, gây ra yếu cơ, thậm chí là tê liệt.
Không chỉ dừng lại cảnh báo, số liệu thống kê của Brazil về tỷ lệ tử vong trẻ em trong hai năm bùng phát dịch Zika khiến mọi người phải hết sức thận trọng. Số lượng trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi chết tăng gần 5% trong giai đoạn 2015-2016.
Tỷ lệ sinh trong giai đoạn đó cũng giảm 5% vì phụ nữ e ngại nhiễm virus Zika. Bà Fatima Marinho đứng đầu bộ phận bệnh không lây nhiễm ở Bộ Y tế Brazil dự báo tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong năm 2017 sẽ vượt qua năm 2015 (13,3/1.000 ca sinh).
Có một thách thức cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là phản ứng của Bộ trưởng Y tế Uganda. Trong danh sách các quốc gia có nguy cơ dịch Zika thì WHO điền tên Uganda. Bà Bộ trưởng Y tế nước này là Tiến sĩ Jane Ruth Aceng phản ứng mạnh. Lý do mà bà Aceng đưa ra là ngay cả khi dịch Zika bùng phát ở Brazil năm 2015 thì Uganda cũng không có trường hợp nào.
Thông tin Trường Đại học Alberta (Canada) cho biết đang có hướng tìm hợp chất tương tự chất tự nhiên isotisin A có tác dụng ngừa các bệnh nhiễm trùng do virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus Zika gây ra. Tuy nhiên, chặng đường để thử nghiệm trên con người vẫn chưa tới nên dự báo chưa thể khống chế Zika bằng thuốc.
Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc Viên Nghiên cứu Y tế TropIQ (Hà Lan) cùng với các đồng nghiệp Anh và Mỹ cho đăng thông tin trên tạp chí PNAS về cách xử lý tạm thời dịch Zika. Các nhà khoa học này phát hiện ra loại thuốc bảo vệ vật nuôi khỏi bọ chét lại có thể tiêu diệt muỗi một cách nhanh chóng.
Loại thuốc thuộc nhóm isoxazoline chỉ cần liều thấp có thể giết chết tất cả các loại côn trùng hút máu trong vòng từ 50 tới 90 ngày. Các nhà khoa học khuyến cáo chỉ cần 30% dân số ở các vùng nhiệt đới nhận được liều thuốc thú y này thì có thể giảm được số lượng muỗi lên tới 97%.
ANH THƯ (tổng hợp)