"Chòi muối tái sinh" cho diêm dân

.

Thương những diêm dân nhọc nhằn trên những ruộng muối mặn chát mồ hôi nhưng luôn thụ động trong khâu xuất bán, bị ép giá vào mỗi vụ mùa, hai sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) là Trần Nhật Tiến và Trần Phước Bảo Thư bắt tay nghiên cứu đề tài “Chòi muối tái sinh”. Đề tài được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế, đoạt giải ba cấp trường và giải khuyến khích cuộc thi INSEE PRIZE 2018.

Trần Nhật Tiến (ngoài cùng bên phải) và Trần Phước Bảo Thư cùng thầy giáo hướng dẫn bên mô hình “Chòi muối tái sinh”.Ảnh: T.L
Trần Nhật Tiến (ngoài cùng bên phải) và Trần Phước Bảo Thư cùng thầy giáo hướng dẫn bên mô hình “Chòi muối tái sinh”.Ảnh: T.L

Không phải đến bây giờ mà ý tưởng làm được một điều gì đó giúp diêm dân làng muối đã được Trần Nhật Tiến ấp ủ từ những ngày ấu thơ, khi theo cha từ thành phố Đà Nẵng về quê hương Bình Định thăm người thân, ngang qua làng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và nhìn thấy những người dân đẫm mồ hôi nhọc nhằn giữa trời nắng gắt.

“Khi học đại học, em nghĩ nhiều hơn và tự đặt ra câu hỏi: Tại sao mình không làm điều gì đó giúp bà con cải thiện cuộc sống trên góc độ kiến trúc mà mình đang theo học? Sau nhiều lần tìm hiểu, em vạch ra ý tưởng xây dựng một mô hình giúp người dân có nơi dự trữ muối, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi và tăng thêm thu nhập cho bà con qua các dịch vụ du lịch.

Cùng với đó, em thấy chòi muối là bạn của diêm dân mỗi ngày ngoài ruộng, nơi chứa muối, nơi nghỉ ngơi, nơi họ tự chữa những cơn đau của họ, nhưng có gần một nửa hộ diêm dân vì nghề muối quá khó khăn đã bỏ đi làm nghề khác, đất ruộng muối bị bỏ hoang, em muốn gộp tất cả những công dụng của một chòi muối nhỏ ngoài ruộng, thành một “chòi muối chung’’ cho mọi hộ diêm dân nên em đặt tên là “Chòi muối tái sinh”, Tiến bộc bạch.

Ý tưởng được Tiến chia sẻ với Bảo Thư và cả hai bạn bắt tay vào hoàn thiện đề tài. Khoảng tháng 12-2017, hai bạn bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm thông tin, vẽ mô hình chòi muối và đi thực tế ở làng muối Sa Huỳnh để lắng nghe góp ý của diêm dân cũng như chính quyền địa phương. Đề tài “Chòi muối tái sinh” của Tiến và Thư gồm 3 chức năng chính.

Đó là tầng 1 của chòi sẽ là kho giúp diêm dân lưu trữ muối, không phải để tràn ra đường và dễ dàng hư hỏng sau một trận mưa. Điều này cũng giúp diêm dân không bị thương lái ép giá phải bán tháo muối vì không có nơi cất giữ, mà thương lái bắt buộc phải mua theo giá thị trường.

Tầng 2 được thiết kế thành những căn chòi nhỏ, sử dụng vật liệu tre nứa lá giống như những căn chòi diêm dân đã dựng lên ngoài đồng để làm dịch vụ Homestay với đầy đủ tiện nghi thu hút khách du lịch trải nghiệm.

Một không gian khác trong căn chòi đó là không gian sân trong, Tiến và Thư thiết kế thành không gian sinh hoạt cộng đồng và là nơi trưng bày các dụng cụ làm muối giúp du khách, nhất là những em học sinh có cơ hội tham quan, tìm hiểu về văn hóa làng nghề, về đời sống cũng như cách làm ra hạt muối. Nơi đây cũng là không gian dành cho bà con diêm dân nghỉ ngơi cũng như trồng các cây thuốc nam họ cúc tần để bà con có thể sử dụng, tự chữa lành những căn bệnh thông thường như cảm, sốt…

Tiến nói, để hoàn thành đề tài, hai bạn phải tranh thủ thời gian đi thực tế tại xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) nhiều lần. Đó là chưa kể nhiều thời điểm nghiên cứu đúng vào mùa thi nên cả hai chật vật trong vấn đề bố trí thời gian, hay như việc vừa làm song song mô hình 3D trên máy tính và làm mô hình với tỷ lệ thu nhỏ bên ngoài. Nhưng cả hai đều rất chịu khó, không bỏ cuộc và rất hiểu ý nhau khi bàn bạc thống nhất một vấn đề nào đó trong đề tài.

Đề tài được đánh giá cao về tính ứng dụng cũng như ý tưởng nhân văn cho cộng đồng, đoạt giải nhì nghiên cứu khoa học cấp khoa, giải ba cấp trường tại triển lãm sản phẩm công nghệ BKĐN Techshow năm 2018, và giải khuyến khích giải thưởng INSEE PRIZE 2018 về xây dựng bền vững. Tiến chia sẻ: “Ước mong lớn nhất của em là đề tài được đưa vào ứng dụng để giúp diêm dân cải thiện cuộc sống”.

Không chỉ riêng đề tài “Chòi muối tái sinh”, Tiến và Thư còn được biết đến là những sinh viên có nhiều đề tài sáng tạo hướng đến cộng đồng, như gần đây nhất, hai bạn xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng trang trí hoa và điện chiếu sáng phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019” tại thành phố Đà Nẵng do Sở Xây dựng tổ chức.

Trước đó, Tiến còn tham gia hai đề tài “Giải pháp thiết kế trường học cho người điếc và khiếm thính” áp dụng các giải pháp kiến trúc giúp cho trẻ khiếm thính tiếp cận với môi trường học tập tốt hơn và “Làng chài cầu vồng” giúp ngư dân làng chài có những ngôi nhà vững chãi trước thiên tai.

“Em rất thích nghiên cứu và làm những đề tài sáng tạo kiến trúc hướng đến cộng đồng. Vì những công trình như vậy thường mang lại lợi ích cho những người dân nghèo, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn, đỡ vất vả hơn, và đóng góp một phần định hướng lưu giữ những nét đẹp làng nghề truyền thống”, Tiến trải lòng.

Cuộc thi INSEE PRIZE do Công ty Xi-măng INSEE phối hợp với Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Xây dựng, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam và Công ty Tư vấn GreenViet tổ chức.

Đây là sân chơi sáng tạo cho sinh viên yêu thích nghiên cứu và thực hiện dự án trong lĩnh vực xây dựng, đô thị, môi trường; tạo điều kiện cho sinh viên được vận dụng kiến thức, áp dụng thực tế và trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế; khuyến khích và tôn vinh những sáng kiến xuất sắc của sinh viên hướng đến xây dựng bền vững, góp phần phát triển cộng đồng, xã hội.

Thiên Lam

;
.
.
.
.
.
.