Ngước nhìn mây trắng Vị Xuyên

.

Trong đời, tôi đã đến thăm và kính cẩn cúi đầu trước mộ nhiều danh nhân, nhiều nghĩa trang liệt sĩ, nên hằng năm cứ vào dịp tháng bảy, bỗng thấy trong tâm hồn nhang khói mịt mù bay... Và, nhang khói lần này bồng bềnh quyện trôi thành mây trắng trên bầu trời tháng bảy ở Vị Xuyên, Hà Giang.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: P.P.P
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: P.P.P

Sau cơn mưa có lốc xoáy, buổi sáng trời Vị Xuyên nắng ấm và trong xanh đến lạ lùng. Như bù lại những chớp giật dập vùi, như tiếng reo vui sau bao ngày chờ đợi, như bàn tay ấm áp của người mẹ nghiêm khắc xoa lên da thịt con sau những trận đòn… Và trên tất cả những sắc diện mỹ cảm ấy, là mây bay trắng xóa lung linh, xao động cả bầu trời, như mơn man, xoa dịu nỗi đau mất mát của cuộc chiến đấu khốc liệt từng diễn ra nơi đây, đến nay đã tròn 34 năm. Mây như những linh hồn lẩn khuất, quấn quýt, đan lụa dát trắng đến chân trời xa tít tắp, với nhiều hình thù bồng bềnh trôi mang vẻ đẹp trinh nguyên của một thời thiếu nữ, như ma mị, đẩy đưa giữa chân trời vô định. Bỗng có một dải trắng đậm màu mang hình chữ S, hao hao như tấm bản đồ Tổ quốc thân yêu, hiện ra ngay trên bầu trời Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, khiến tôi ngước nhìn đến sững sờ!

Người xe ôm chở tôi đi thăm Đài tưởng niệm và Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên là dân tộc Mường, có cái tên đẹp: Vương Vân Dung. Anh vào bộ đội năm 17 tuổi, nguyên là lính đặc công Sư 356, đã từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên vào những năm ác liệt nhất, những năm cuối cùng của cuộc chiến (1983-1984). Chiến tranh không chỉ cày xới trên núi non, thôn bản quê anh, mà còn kịp để lại trên cơ thể anh nhiều vết đạn, có mảnh đạn còn ở trong đầu, anh buộc phải sống chung với nó. Là thương binh, sau khi giải ngũ, anh được nhận vào làm bảo vệ và chăm sóc mồ mả ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Mấy năm nay, cuộc mưu sinh và phải lo cho ba đứa con nhỏ ăn học, buộc anh phải về chạy xe ôm. Không chỉ tên mà cả con người anh cũng nhu mì như con gái, hay cười, nói năng nhỏ nhẹ, khảng khái, trung thực như bản chất của người lính và đặc biệt là kể chuyện chiến tranh rất hay.

Cuộc chiến do nước láng giềng phát động từ năm 1979, nhưng ác liệt nhất ở mặt trận Vị Xuyên là vào năm 1984, có những ngày chúng tấn công vào cao điểm 1509 liên tục ba bốn đợt, bộ đội ta chống trả quyết liệt và hy sinh đến cả nghìn người. Câu nói nổi tiếng của người trung đội trưởng Vàng Văn Xuyên như một tuyên ngôn cho tinh thần yêu nước, ý chí và phương châm hành động, được khắc từ báng súng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.

1.758 ngôi mộ là chừng ấy linh hồn an nghỉ của những con người bất tử ở Vị Xuyên, nằm cách Làng Lò, thuộc xã Thanh Thủy khoảng hai mươi cây số, nơi có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đặt ở độ cao 483 mét. Được Nhà nước cho phép, các cựu chiến binh từng chiến đấu nơi đây đã gom góp lòng thành để xây dựng Đài tưởng niệm từ năm 2013 đến 2016 mới hoàn thành. Theo anh Dung, nơi xây dựng nghĩa trang đã đưa về gần thành phố Hà Giang, còn nơi đặt Đài tưởng niệm ở Làng Lò là nơi diễn ra cuộc chiến giằng co và ác liệt nhất, nơi chúng ta phải đổ máu để gìn giữ từng tấc đất, theo đúng nghĩa đen của từ này. Theo hướng tay chỉ của anh Dung, những vách đá dựng đứng, cao hàng nghìn mét. Hồi đó bộ đội phải bám leo lên, lại vừa phải nổ súng chiến đấu. Có khi dùng một cái que, cho đội mũ nhô ra, địch xả súng bắn, nhờ đó ta biết mục tiêu để tiêu diệt… Dung buông một câu ngậm ngùi: “Gần hai nghìn mộ được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên là mới chỉ một nửa, còn khoảng chừng đó nữa, các anh nằm rải rác trong các hốc đá, chúng ta chưa có phương tiện để tìm kiếm đưa về. Đúng là các anh đã “hóa đá, thành bất tử”, trở thành thành lũy giữ cho non sông xã tắc vững bền. Đó chính là lý do Đài tưởng niệm được xây dựng nơi đây”.

Tôi ngước nhìn lên bức phù điêu bằng đá trên Đài tưởng niệm, bên tai tôi như có người đọc mấy câu thơ của Lê Bá Dương viết bên dòng sông Thạch Hãn: “Đò lên Thạch Hãn, ơi… chèo nhẹ / Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…” (Lời người bên sông). Giọng đọc của ai, hay của chính lòng tôi, bỗng nghẹn lại như một tiếng nấc, trước những bóng mây che phủ dọc theo những triền đá nhấp nhô. Mây mơn man, vỗ về vách đá, tỏa bóng che mát những người con yêu của đất nước, dù đã đi hết kiếp người, nhưng vẫn còn ngày đêm canh giữ biên cương. Mà nước mình đâu chỉ có một người lính, nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương? Đã có thơ thả mải miết theo dòng sông trôi hoài không cạn, phỏng còn có thơ nào khắc trên vách đá nữa hay không? Tôi đưa tay níu mây, mây bay đi mất. Tay chạm vào khoảng không mênh mông, chạm vào đá lạnh, thấm nỗi cô liêu hoang vắng đến vô bờ.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên cũng hao hao giống các nghĩa trang liệt sĩ khác, cũng tượng đài, các bức phù điêu, nhà trưng bày, tưởng niệm và khẩu hiệu “Vinh quang đời đời thuộc về các anh hùng liệt sĩ”… Nhưng trước khi tôi đến đây, dường như Vị Xuyên đã có trong tôi, đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi từ khi diễn ra cuộc chiến tranh biên giới. Năm 1978, đang học năm thứ 2, khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế, tôi được lệnh gọi tái ngũ. Đã mặc quân phục, lên xe GMC chuẩn bị chuyển bánh, thì có lệnh gọi tạm hoãn. Có lẽ do gia đình tôi lúc ấy đã có bốn liệt sĩ. Cùng đi đợt ấy, lớp tôi có Hồ Thế Hà, sau 4 năm quân ngũ ở chiến trường Campuchia, anh về lại trường làm học trò tôi và nay là phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, kiêm nhiệm nhiều chức vụ và cương vị trong xã hội. Tiếp các đợt tuyển quân ở trường tôi sau này, các anh đều ra biên giới phía Bắc, trong đó có mặt trận Vị Xuyên. Cái vóc dáng núi non và cuộc chiến đấu giành từng tấc đất ấy, trở thành sinh thể trong tôi qua lời kể của bạn bè thân thiết.

Nhiều người tòng quân năm 1978, 1979 ấy, trở về, trưởng thành, đảm nhiệm các chức vụ trong xã hội. Cũng có người không về, như anh Trần Gia Hiền, sinh viên khóa chuyển tiếp vừa tốt nghiệp, nằm lại trên cao điểm 410, và trở thành đá bất tử, thành đất đai nuôi cây trái quê nghèo. Ngay lúc đứng ở Vị Xuyên, hoặc hôm sau ở cột cờ Lũng Cú, tôi vẫn ngước nhìn lên khoảng cao xanh thăm thẳm của bầu trời, tôi muốn hỏi quyền năng ông tạo hóa, rằng sao đã cho loài người sự sống, lại còn ban phát cả chiến tranh, làm cho cuộc đời anh dừng lại ở  tuổi đôi mươi. Như có bàn tay kiêm ái nào đó nắm giữ cuộc đời anh, trong tâm tưởng thế hệ chúng tôi, bóng dáng anh sừng sững từ cuối chân trời xa, được mây trắng trinh nguyên kéo lại thật gần, giọng nói nhỏ nhẹ của người con trai xứ Huế vẫn còn âm vang trong lời bài hát Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn) chúng tôi vẫn hát mỗi ngày… Không biết có điểm chung nào giữa bầu trời mây trắng với lời những bài hát âm vang trong tâm tưởng tôi không, nhưng rõ ràng cuộc sống vẫn reo vui sôi động không ngừng, chen lẫn những lời ca về người lính, tôi lại nghe văng vẳng bên tai, lời bài hát then của dân tộc Thái, mà cô Hiền, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Giang hát cho chúng tôi nghe trong buổi chia tay: “Sao anh lại rót rượu vào em / Lênh láng quá làm sao chịu nỗi / Anh rót rượu vào trong đáy mắt / Ngất ngây say, tình ngất ngây tình”…

Tôi đã từng nhiều lần kính cẩn cúi đầu trước các nghĩa trang liệt sĩ. Nơi nào cũng có những ngôi mộ chưa tìm ra danh tính. Nghĩa trang đồi A1 trong số gần 3.000 ngôi mộ lúc đầu chỉ có 4 mộ có tên (Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Trần Can), nay đã tìm ra được gần 80 mộ có tên. Nghĩa trang đồi Độc Lập có 2.428 mộ, hiếm hoi hơn chỉ có một mộ có tên là mộ của liệt sĩ Lê Đình Thành, quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, trong số 1.758 mộ, cũng có 276 mộ chưa có tên, chưa kể các anh nằm mơn man với mây trắng trên đỉnh núi đá kia. Ai đó vẫn chưa quen, nhưng xin đừng gọi các anh là liệt sĩ vô danh! Các anh sinh ra đều có tên có tuổi, nhưng các anh đã mãi mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi, là tuổi vàng của đất nước và đều được nhân dân tôn vinh thành một cái tên chung, đó là những Anh hùng! Anh hùng là những người bất tử, vẫn chờn vờn trên những đám mây trắng bay trong vòng sinh quyển của cuộc sống, như sự hiện diện của các anh trong tâm thức làm nên sự sống của mỗi người trong cuộc sống hôm nay. Và, mỗi khi nhớ về họ, xin hãy ngước nhìn mây trắng bay.

Phạm Phú Phong

;
.
.
.
.
.
.