Mùa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay tiếp tục được dư luận quan tâm vì điểm thi cao ở Hà Giang và điểm thi thấp của môn Lịch sử khi cả nước chỉ có khoảng 20% thí sinh đạt điểm trung bình trở lên.
Cao hay thấp đều rất đáng buồn, nhưng câu chuyện Hà Giang dẫu sao vẫn chỉ là hiện tượng tiêu cực trong thi cử tại một địa phương, và thực ra vấn đề điểm thi không tương thích với chất lượng bài thi cũng không hoàn toàn nằm ở khâu chấm thi mà còn nằm ngay ở khâu coi thi - coi thi lỏng lẻo thì chấm thi nghiêm túc công tâm đến mấy, điểm thi vẫn có thể cứ cao bất thường.
Đó là chưa kể câu chuyện Hà Giang không phải là câu chuyện chấm thi mà là câu chuyện cố tình gian lận khi chấm thi. Trong khi đó câu chuyện điểm thi môn Lịch sử thấp là câu chuyện chung của cả nước và không chỉ của mùa thi năm nay - năm 2013, cả nước có hơn 1.000 thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử, và do vậy nỗi buồn về điểm thi môn Lịch sử chắc sẽ day dứt hơn nhiều.
Học sinh hoàn thành buổi thi tổ hợp môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Thiên Lam |
Đà Nẵng năm nay vào nhóm các địa phương “mất mùa” nặng ở bài thi môn Lịch sử. Tổng số thí sinh Đà Nẵng có bài thi môn Lịch sử dưới điểm 5 chiếm tỷ lệ 89,97% (5.662 bài trên tổng số 6.293 bài thi môn Lịch sử) - thấp hơn bình quân chung cả nước.
Ngay cả Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng chỉ có 50,68% bài thi môn Lịch sử đạt điểm 5 trở lên (37 bài trên tổng số 73 bài thi môn Lịch sử), bao gồm lớp chuyên Lịch sử của trường với 60% bài thi môn Lịch sử đạt điểm 5 trở lên (6 /10 bài thi).
Điểm thi môn Lịch sử thấp không có nghĩa là học sinh không yêu thích Lịch sử và môn Lịch sử, càng không có nghĩa là học sinh thiếu kiến thức Lịch sử; tuy nhiên điều mà dư luận quan ngại là với cách ứng xử với môn Lịch sử trong trường phổ thông như hiện nay, liệu nỗi buồn về điểm thi môn Lịch sử có thể vơi nhẹ trong các mùa thi tới?
Điểm thi môn Lịch sử thấp thực ra không ảnh hưởng mấy đến kết quả tốt nghiệp THPT - hầu như không thí sinh nào thi hỏng chỉ vì điểm thi môn Lịch sử thấp, bởi không ít thí sinh không mặn mà với môn Lịch sử mà vẫn chọn thi môn này như một giải pháp “phòng chống điểm liệt” khá hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến điểm thi môn Lịch sử thấp.
Nhưng nếu chỉ vậy thì tại sao mùa thi năm ngoái điểm thi môn Lịch sử không thấp đến mức được xem là kỷ lục như mùa thi năm nay? Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ở đây còn có nguyên nhân về đề thi - dàn trải hơn và do vậy khó hơn mùa thi trước.
Với mục tiêu phân hóa để kết hợp tuyển sinh đại học, đề thi ngày càng khó hơn là xu thế tất yếu, nhưng chỉ khó với những thí sinh chọn thi môn Lịch sử như một giải pháp “phòng chống điểm liệt”, chứ với những thí sinh chọn môn Lịch sử như một môn thi đại học thì đề thi càng khó càng dễ khẳng định mình, thậm chí vẫn có thể đạt điểm tối đa - cả nước có 11 điểm 10 môn Lịch sử, 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên; riêng Đà Nẵng cũng có 1 thí sinh đạt điểm 9,5 và 4 thí sinh đạt điểm 9. Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng một số giáo viên môn Lịch sử vẫn chưa quen với cách dạy để thi trắc nghiệm - đề thi trắc nghiệm dàn trải hết chương trình chứ không nhắm vào phần nội dung trọng tâm nào, khác với đề thi tự luận trước đây thường nhấn mạnh các sự kiện trọng tâm; trong khi một số khác lại khẳng định tuyệt nhiên không có chuyện giáo viên môn Lịch sử chỉ dạy theo lối cũ, không kịp thời đổi mới phương pháp dạy-học để không đáp ứng hay bắt kịp với xu hướng đổi mới của đề thi. Tôi thiên về quan điểm thứ hai, bởi việc chưa quen với cách dạy để thi trắc nghiệm cũng chỉ tồn tại ở một số giáo viên và cũng không riêng giáo viên môn Lịch sử.
Thực ra mấu chốt của vấn đề nằm ở cách ứng xử với môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay - xem Lịch sử là môn phụ, lại không phải là môn thi bắt buộc, từ đó tác động và chi phối đến động cơ học tập môn Lịch sử của đa số học sinh, chủ yếu chọn thi môn Lịch sử như một giải pháp “phòng chống điểm liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông “hai trong một”. Cho nên theo tôi để giải quyết căn cơ nỗi buồn điểm thi môn Lịch sử, trước hết cần đổi mới tư duy về vị trí môn Lịch sử trong trường phổ thông, chẳng hạn cần xem Lịch sử là môn học độc lập và là môn thi bắt buộc. Chỉ khi nào môn Lịch sử được “ngồi đúng ghế” của mình thì mới bàn đến việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử sao cho thật hiện đại và hấp dẫn, mới bàn đến việc nâng cao chất lượng dạy-học môn Lịch sử sao cho cuốn hút…
BÙI VĂN TIẾNG