Thể thao là cuộc sống

.

Thể thao luôn là môi trường khắc nghiệt, nhất là với phái nữ. Những người đã chọn con đường thể thao làm sự nghiệp thì phải chịu thiệt thòi gấp nhiều lần, nhưng đã đam mê thì phải theo đuổi đến cùng và nỗ lực vì nó. 16 năm ghi tên mình ở các giải đấu Judo cho đến JuJitsu (BJJ), với vận động viên (VĐV) Dương Thị Thanh Minh (SV năm 3, Trường ĐH Thể dục - thể thao Đà Nẵng), thể thao là hơi thở cuộc sống!

Dương Thị Thanh Minh trên sàn đấu giải khu vực Đông Nam Á.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
Dương Thị Thanh Minh trên sàn đấu giải khu vực Đông Nam Á. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ai đã từng theo dõi những giải đấu thể thao có môn võ Judo trên các đấu trường toàn quốc và khu vực Đông Nam Á, hẳn sẽ không quên hình ảnh VĐV Thanh Minh có vóc người nhỏ bé với những pha ra đòn dũng mãnh, nhanh như sóc, gương mặt tươi và điềm tĩnh. Bên dưới sàn đấu, Dương Thị Thanh Minh cũng khiến người đối diện có cảm giác gần gũi ngay từ lần đầu gặp mặt với tác phong cởi mở, thân thiện. Minh mê Judo từ lúc 9 tuổi, khi thấy anh trai theo học môn võ này, cô bé một mực xin ba mẹ cho theo học. Sau những cái lắc đầu vì ba mẹ nghĩ con gái đất cố đô phải hiền thục, nết na chứ ai lại lên sàn đấu võ, cuối cùng ba mẹ đành gật đầu trước sức thuyết phục của Minh rằng con học để tự vệ và nâng cao sức khỏe.

Một năm sau, Thanh Minh ghi tên mình vào đội tuyển thành phố Huế tham dự giải đấu toàn quốc và đoạt HCV lứa tuổi 10 -11 (hạng cân 30kg). Minh bảo, đó là dấu mốc, là động lực để em theo đuổi môn học mà em đam mê. Nhưng đấu trường thể thao luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Chỉ một năm sau đó, trước kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, Minh đành ngậm ngùi tiếc nuối vì trong một lần tập luyện, em không may bị trượt ngã dẫn đến gãy vai. Cú ngã ấy khiến Minh phải điều trị mất nhiều tháng. Xót con, ba mẹ lại khuyên Minh nên rẽ theo lối khác. Nhưng Minh vẫn không thể dứt được niềm đam mê của mình, vừa lành vai, em xin quay lại ngay sàn tập.

Năm 2005, 13 tuổi, Minh theo gia đình chuyển vào Đà Nẵng. Từ đây, Minh đầu quân vào đội tuyển Judo thành phố, tập luyện ở SVĐ Chi Lăng. Năm 2006, lần đầu tiên góp mặt tại giải Judo Việt Nam 2006, Thanh Minh đã gây được sự chú ý của giới chuyên môn khi giành được chiếc huy chương đồng. Cùng với nhiều thành tích đạt được ở các giải đấu, năm 2007, vừa tròn 15 tuổi, cô bé hạt tiêu Dương Thị Thanh Minh được tuyển chọn vào đội tuyển trẻ quốc gia, huấn luyện ở Trung tâm huấn luyện quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh). Ba năm sau đó, Thanh Minh lên đội tuyển quốc gia và ra tập trung tập luyện ở Nhổn (Hà Nội) và năm 2011 giành HCĐ môn Judo ở đấu trường Seagame tổ chức ở Indonesia. Trong khoảng thời gian ngắn khi lên đội tuyển quốc gia, Thanh Minh từng 3 lần vô địch giải tiền Segame, 5 lần vô địch toàn quốc. Thanh Minh bộc bạch: “Đấu trường thể thao luôn khắc nghiệt, đòi hỏi mỗi vận động viên phải nỗ lực gấp nhiều lần nếu không muốn rớt lại phía sau. Đấu trường ấy không chấp nhận sự làng nhàng trong năng lực và quyết tâm thi đấu. Nên mỗi ngày em đều đặt ra một mục tiêu để vươn tới”.

Cũng như các VĐV nam, những VĐV nữ vẫn luôn phải tuân thủ các yêu cầu luyện tập rất khắt khe. Minh kể, mọi điều kiện của Ban huấn luyện đưa ra đều phải tuân thủ. Điều giúp Minh có thể vượt qua được là niềm đam mê và tính tự lập từ ngày một mình xa ba mẹ để vào TP. Hồ Chí Minh tập trung ở Trung tâm huấn luyện quốc gia II. Cũng có lần, đi thi đấu xa nhà, ẩm thực nước bạn không hợp khẩu vị nên mặc dù vừa thực hiện chế độ giảm cân xong, lẽ ra thèm ăn nhiều lắm thì Minh vẫn phải chấp nhận ăn mì tôm mang theo để chống đói trừ bữa.

Minh nói, cuộc đời VĐV ám ảnh nhất là chấn thương. Nỗi ám ảnh ấy lại bám lấy sự nghiệp võ thuật của Minh thêm một lần nữa, khi cô đang ở thời kỳ thi đấu đỉnh cao. “Hôm đó em đang tập thì không may bị đứt dây chằng sau gối. Mãi đến bây giờ khi nhắc đến chấn thương đó, em vẫn có cảm giác sợ”. Đó là năm 2015. Sau chấn thương nghiêm trọng đó, Minh quyết định trở về Đà Nẵng theo học ở Khoa Giáo dục thể chất để tìm cho mình một lối đi bền hơn. Chọn lựa là vậy nhưng cô không từ bỏ đam mê của mình. Mỗi ngày, Minh vẫn đều đặn với những bài tập hồi phục chân, hồi phục thể lực. Rồi vừa học chuyên ngành vừa tìm tòi tập luyện một môn võ mới. “BJJ là môn có động tác nằm sàn nhiều hơn đứng nên em chuyển qua tập luyện môn này để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”, Minh lý giải. Động lực cho Minh tiếp bước là ở môn võ mới này, cô đã giành chiến thắng trước một đàn chị đã từng là thần tượng Judo của mình. “Dù chiến thắng đó không phải là một giải đấu lớn, cũng không phải là sở trường của chị ấy nhưng em thấy rất vui và có thêm động lực để tập luyện”, Minh nói. Hiện nay Minh còn làm trợ giảng môn Judo để giúp thế hệ vận động viên trẻ ở Đà Nẵng luyện tập.  

26 tuổi, Minh vẫn miệt mài với những mục tiêu phía trước trên sàn đấu BJJ. “Con gái theo thể thao chịu nhiều thiệt thòi lắm, nhất là ảnh hưởng đến da dẻ, vóc dáng. Nhưng đã đam mê thì phải theo đuổi tới cùng và nỗ lực để vượt qua những trở ngại đó. Với em thể thao là cuộc sống, một ngày không dành được thời gian lên sân tập là em thấy bứt rứt khó chịu lắm”, Minh trải lòng.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.
.