Âm vang thời khắc lịch sử

.

Cuộc chiến trong gần 2 năm 1858 - 1860 của quân dân Đà Nẵng trong buổi đầu kháng Pháp được tái hiện sinh động trong một gian phòng chỉ rộng chừng 20m2 tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Nhiều du khách dừng lại rất lâu trước tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương để nghe kể những câu chuyện về ông trong chiến thắng của quân và dân Đà Nẵng trong trận đầu kháng Pháp. Ảnh: T.T
Nhiều du khách dừng lại rất lâu trước tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương để nghe kể những câu chuyện về ông trong chiến thắng của quân và dân Đà Nẵng trong trận đầu kháng Pháp. Ảnh: T.T

Cách đây 160 năm, ngày 1-9-1858, tiếng súng đại bác trên 14 chiến hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cho cuộc chiến tranh thực dân xâm lược và đô hộ Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc giai đoạn 1858 - 1860, theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, “chính sự sắp đặt của lịch sử” đã đặt trên vai người Đà Nẵng gánh vác trách nhiệm nổ tiếng súng đầu tiên đánh Pháp trên mảnh đất quê hương.

Với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương, từ những ngày đầu chống Pháp, nhân dân Đà Nẵng và các vùng phụ cận cùng quan quân triều đình nhà Nguyễn, dưới sự chỉ huy lần lượt của các danh tướng Đào Trí, Lê Đình Lý... và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đã cầm chân được quân xâm lược, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của liên quân Pháp - Tây Ban Nha.

“Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỷ 19 là một trong những trang sử vẻ vang không chỉ riêng của Đà Nẵng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Bảo tàng Đà Nẵng rất tự hào là nơi lưu giữ, tái hiện phần nào thắng lợi vẻ vang đó.

Trong điều kiện còn nhiều hạn chế, song chúng tôi đã giành tất cả sự trân trọng đối với gian trưng bày “Đà Nẵng mở đầu mặt trận kháng Pháp (1858-1860)”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay.

Được đặt tại tầng 2 của bảo tàng, gian trưng bày tái hiện diễn biến trận chiến 1858 - 1860 qua hơn 30 bức ảnh tư liệu, bản đồ, sơ đồ trận đánh, hiện vật chọn lọc. “Kế hoạch đánh chiếm Việt Nam với mục tiêu đầu tiên là Đà Nẵng đã được bộ máy chiến tranh Pháp ấn định từ tháng 5-1857 nhưng phải chờ đến sau khi Hiệp ước Thiên Tân được ký kết (28-6-1858) chấm dứt các hoạt động quân sự của Pháp ở Trung Quốc thì lực lượng quân sự Pháp ở Biển Đông mới có thể lên đường đi xuống vùng biển phía nam.

Thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm địa điểm tấn công đầu tiên vì Đà Nẵng có vị trí quân sự quan trọng, hải cảng rộng và sâu, thuận tiện cho tàu chiến triển khai. Hơn nữa, tìm hiểu của giới quân sự Pháp, Đà Nẵng chỉ cách Huế 100km về phía nam, nếu chiếm được Đà Nẵng người Pháp có khả năng chiếm ngay kinh thành Huế, sớm kết thúc chiến tranh”, giọng thuyết minh viên cất lên, nói về trận chiến mở đầu công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cách đây tròn 160 năm.

Những bức ảnh được trưng bày tại đây ghi lại cảnh liên quân Pháp - Tây Ban Nha chuẩn bị tấn công thành Điện Hải; ảnh toàn cảnh hạm đội liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng (1-9-1858); ảnh liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn đánh thành Điện Hải; ảnh toàn cảnh chiến trường quân xâm lược chuẩn bị tấn công hệ thống phòng ngự của quân và dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Tri Phương ngày 8-5-1859; ảnh về hệ thống đồn trại quân xâm lược chiếm đóng...

Cùng với những bức ảnh, sơ đồ các trận đánh ngày 1-9-1858, ngày 8-5-1859, ngày 15-9-1859 ngày 18-11-1859... được xếp đặt hợp lý, cùng những giải thích, phân tích, dẫn dắt cụ thể, cuốn hút của thuyết minh viên, câu chuyện về cuộc chiến 1858-1860 đến với người nghe chân thực, sống động, dẫn dắt họ đi qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Khách tham quan, đặc biệt là những du khách người Việt đi từ sự phẫn nộ khi quân xâm lược gửi tối hậu thư buộc trấn thủ Đà Nẵng đầu hàng, giao nộp toàn bộ vũ khí, đồn lũy cho chúng sáng sớm ngày 1-9-1858; đến sốt ruột, lo lắng khi quân địch giành thế chủ động ban đầu, xót xa trước những con số thương vong của quân ta, những trận xáp lá cà gay cấn...

Nhưng rồi, bằng những chiến thuật “vườn không nhà trống”, phục kích, đào hào, cắm chông tre, tiến lùi hợp lý của vị tướng tài ba Nguyễn Tri Phương, quân ta đã dần giành thế chủ động, làm tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng rút khỏi chiến trường Đà Nẵng khi ý chí, thân thể rã rời.

Lê Nguyễn Giáng Châu (22 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) thú nhận, đây là lần đầu tiên cô được biết tường tận về trận chiến đáng tự hào của quân dân thành phố quê hương. “Trước đây em có nghe, nhưng chỉ láng máng, nhiều người trẻ như em chắc cũng thế thôi, thật may mắn khi em được nghe kể lại những ngày hào hùng tại Bảo tàng Đà Nẵng hôm nay”, Châu thổ lộ.

Ông Nguyễn Thanh Hậu, một vị khách đến từ Hà Nội, tâm đắc: “Kẻ thù hơn hẳn chúng ta một phương thức sản xuất hay nói đúng hơn là một cấp độ văn minh. Vậy mà chúng ta vẫn giành chiến thắng, thật quá rực rỡ và đáng tự hào”.

Qua sự dẫn dắt của hướng dẫn viên, nhiều vị khách dừng rất lâu trước tấm bản đồ chiến sự 1858 – 1860 đang được trưng bày tại đây. Từ dòng chú thích trên bản đồ thì có thể đoán được tấm bản đồ này do người Việt vẽ nhưng lại do liên quân Pháp - Tây Ban Nha thu được vào ngày 15-9-1859, lúc chiến sự nổ ra sau một năm và còn kéo dài 6 tháng nữa mới kết thúc.

Lúc này thế giằng co hai bên đang rất quyết liệt. Từ tấm bản đồ, người xem có thể hình dung được thế trận quân và dân Đà Nẵng chống lại quân xâm lược từ các chiến hào, công sự, thành, đồn, hào, trạm, vọng lâu... được đánh dấu và mô tả khá rõ. Đặc biệt, trên tấm bản đồ vẽ rất rõ những sợi xích giăng ngang sông Hàn, được cho là nối những chiếc lồng bằng tre, gỗ chứa đầy đá thả xuống sông để ngăn tàu thuyền quân giặc tiến vào sông.

“Tất cả điều này nói lên sự quan tâm đặc biệt của nhà Nguyễn đối với Đà Nẵng lúc bấy giờ, xuất phát từ địa thế chính trị trọng yếu của thành phố biển. Và tất nhiên, chúng ta không nên coi đó chỉ là câu chuyện của lịch sử, của quá khứ. Cũng như việc nhắc kể, lưu dấu câu chuyện thắng lợi đáng tự hào của quân dân Đà Nẵng trong buổi đầu kháng Pháp không chỉ để mà kể, mà nhắc, để tự hào rồi thôi”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.

Và hôm nay, đến Bảo tàng Đà Nẵng, là một lần nữa khách tham quan có thể hình dung lại những ngày bao người lính với vũ khí thô sơ đánh giặc, nhưng lòng yêu nước và quyết tâm đánh thắng, chiến thắng thì được nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác, để giữ gìn vẹn nguyên đất nước cho ngày nay.

Thanh Tân

;
.
.
.
.
.
.