Hồn thiêng còn vọng...

.

Nhân dịp kỷ niệm 160 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp, chúng tôi về thăm nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) và nghĩa trủng Phước Ninh (phường Nam Dương, quận Hải Châu). Dù bị thu hẹp diện tích do quá trình đô thị hóa nhưng các nghĩa trủng vẫn giữ được sự thiêng liêng của di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, minh chứng cho cuộc chống ngoại xâm bi hùng của dân tộc.

Lễ tế vong linh các anh hùng, nghĩa sĩ tại nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: Đ.H.L
Lễ tế vong linh các anh hùng, nghĩa sĩ tại nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: Đ.H.L

Mang trong mình giá trị lịch sử-văn hóa sâu sắc

Ông Huỳnh Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, kiêm phụ trách quản lý, theo dõi chăm sóc khu di tích nghĩa trủng Hòa Vang nhắc lại câu chuyện 160 năm trước, vào ngày 31-8-1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đem 14 chiến thuyền vào cửa biển Đà Nẵng gây hấn.

Đoàn quân viễn chinh này do tướng Pháp là Đô đốc Rigaul de Genouilly chỉ huy tiến đánh bán đảo Sơn Trà, kế hoạch của địch là nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, từ đó làm bàn đạp mở rộng xâm lược ra hai miền Nam-Bắc.

Nhưng ngay từ giờ phút đầu, chúng đã bị quân và dân ta kháng cự một cách mãnh liệt và anh dũng, làm thất bại từng bước kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của địch. Suốt hơn một năm rưỡi chiến đấu với quân thù, nhiều chiến sĩ và đồng bào hy sinh, phải chôn cất tạm thời ở nhiều nơi, mãi gần 20 năm sau mới được quy tụ về một nơi để hương khói, đó là nghĩa trủng Hòa Vang (năm Tự Đức thứ mười chín 1866), và sau đó là nghĩa trủng Phước Ninh (năm Tự Đức thứ hai mươi chín 1876).

Hiện nghĩa trủng Hòa Vang nằm trong Khu di tích lịch sử văn hóa Khuê Trung bao gồm có các di tích khác như phế tích tháp Hóa Quê và giếng cổ Chăm, nhà thờ chư phái tộc, miếu Bà gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của địa phương.

Tấm bia đá trong sân khắc bốn chữ: “Tự Đức thập cửu niên ngũ nguyệt cát nhật” tức là bia được lập vào ngày tốt, tháng 5, năm Tự Đức thứ 19 (1866). Nghĩa trủng Hòa Vang được lập lần đầu tiên ở xứ Trủng Bò, làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ).

Khoảng năm 1920, Pháp mở sân bay Đà Nẵng, phải dời nghĩa trủng về vườn nhà ông Bá ở xứ Trảng Dài, làng Khuê Trung. Đến năm 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía nam, lại phải dời nghĩa trủng đến chỗ hiện nay cũng thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.

Đây xưa là vùng đất được người địa phương gọi là Thổ Khố (đất kho), nơi Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương cho lập kho chứa quân lương chống Pháp. Nghĩa trủng với trên 1.000 ngôi mộ, trở thành di tích lịch sử-văn hóa có giá trị, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999.

So với nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh được lập muộn hơn 10 năm (năm 1876), là nơi quy tập hài cốt của những người đã hy sinh trong những trận Pháp đánh Đà Nẵng từ năm 1858 đến 1860, với hơn 1.500 ngôi mộ.

Do quá trình chỉnh trang đô thị, mộ nghĩa sĩ được cải táng đến Sơn Gà (xã Hòa Khương, Hòa Vang). Riêng mộ của 2 vị tướng Nguyễn Viết Thứ và Nguyễn Thượng Chất được dời về nghĩa trủng Hòa Vang năm 2009.

Ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Chủ tịch UBND phường Nam Dương (quận Hải Châu) cho biết: “Văn bia sa thạch màu xanh đen của di tích nghĩa trủng Phước Ninh là hiện vật gốc, độc bản, mang những giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt.

Vượt lên trên một văn bia thông thường, nó có giá trị văn học sâu sắc bởi toàn bộ nội dung trên văn bia ca tụng việc nghĩa, ca tụng các nghĩa sĩ, nghĩa dân đã xả thân hy sinh vì nghĩa lớn”.

Với những giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, minh chứng cho cuộc chống ngoại xâm bi hùng của dân tộc, biểu hiện cho tinh thần đạo nghĩa, nhân văn, nghĩa trủng Phước Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988 và hiện nay đang được UBND thành phố đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là bảo vật quốc gia.

Tri ân các nghĩa sĩ vị quốc vong thân

Từ năm 2012 đến nay, vào Ngày Thương bình-Liệt sĩ 27-7 hằng năm hoặc kỷ niệm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp (1-9), cán bộ và nhân dân phường Nam Dương đều tổ chức lễ cầu siêu, lễ tế vong linh các anh hùng, nghĩa sĩ. Năm nay kỷ niệm 160 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp, phường tổ chức làm lễ tế vong linh các anh hùng nghĩa sĩ tại nghĩa trủng Phước Ninh vào ngày 3 và 4-8 với quy mô lớn hơn.

Ông Nguyễn Phi, Trưởng ban Quản lý di tích nghĩa trủng Phước Ninh cho biết, lễ tế vong linh diễn ra có lễ cầu siêu cho các vị anh hùng, nghĩa sĩ. Vào tối 3-8, Đoàn Thanh niên phường và học sinh các trường trên địa bàn đến thắp nến tri ân. Ngày 4-8, lễ chính diễn ra có Văn tế, học trò ra lễ và cúng đầy đủ các lễ vật và thả chim bồ câu.

“Chim bồ câu từ ngàn xưa tượng trưng cho hòa bình. Những cánh chim tung cánh trên bầu trời mang theo bao ước nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm nên mùa màng tươi tốt, hướng đến một tương lai ngàn đời tươi sáng”, ông Phi nhấn mạnh.

Thời gian qua, phường Nam Dương kêu gọi nhân dân và các mạnh thường quân chung tay đóng góp cải tạo khuôn viên di tích.

Phường đã 2 lần lắp lại hệ thống điện chiếu sáng khu di tích với kinh phí 30 triệu đồng. Năm 2012, Đảng ủy phường phát động làm bảng giới thiệu di tích và bảng dịch bài ký văn bia nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân và du khách tham quan, hiểu về di tích lịch sử này. Dự kiến, vào năm 2019, quận Hải Châu sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo sân vườn quanh nghĩa trủng, hàng rào cổng ngõ với kinh phí 433 triệu đồng.

Các em Trường mầm non Ngọc Lan thắp hương tại nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: Đ.H.L
Các em Trường mầm non Ngọc Lan thắp hương tại nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: Đ.H.L

Năm nay, phường Khuê Trung cũng tổ chức các hoạt động hội làng và văn hóa thể thao dân gian vào ngày 30-8 thay cho ngày 16-3 âm lịch hằng năm như trước đây.

Ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung cho biết, nhiều năm qua, khu di tích này luôn được địa phương quan tâm trùng tu, tôn tạo sửa chữa nhà thờ, công viên, nền và trở thành một quần thể khu di tích có giá trị lịch sử.

Sau khi khai mạc lễ hội làng Khuê Trung, lãnh đạo địa phương tổ chức thi đấu các trò chơi thể thao với sự tham gia của 8 khu dân cư phường như đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, đỗ nước vào chai…

Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như têm trầu cánh phượng, cắm hoa, chưng quả, gói và nấu bánh chưng, bánh Tét. Lễ tế sẽ được diễn ra tại miếu Bà. Trước khi làm lễ, có hội rước nước với sự tham gia của các bô lão, đội nhạc cỗ, đội học trò gia lễ, đội cầm cờ. Nước được múc từ giếng Chăm ở miếu Bà đưa lên kiệu rước quanh khu vực nghĩa trủng, trong đó 3 đoàn vào nghĩa trủng, 3 đoàn vào nhà thờ Tiền hiền và 2 đoàn vào miếu Bà.

Sau đó, nước rước được đưa về lại miếu bà để chuẩn bị làm lễ tế. Cuối cùng quay trở lại nghĩa trủng Hòa Vang để làm lễ tế vang, nói về công đức của các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh vì quê hương, đất nước. Tiếp đến, Đoàn Thanh niên và học sinh các trường trên địa bàn phường với khoảng hơn 400 em thực hiện thắp nến tri ân.

Địa chỉ đỏ của thế hệ trẻ

Nghĩa trủng Hòa Vang và nghĩa trủng Phước Ninh là đài tôn vinh khí phách anh hùng của các nghĩa sĩ vị quốc vong thân; đồng thời là nơi đánh dấu sự thất bại ngay trận đầu của quân Pháp khi đánh vào Đà Nẵng. Do đó, hai di tích này có giá trị lịch sử-văn hóa và trở thành địa chỉ đỏ của nhiều học sinh trên địa bàn thành phố.

Ông Huỳnh Ngọc Thiện cho biết, hằng năm, khu di tích nghĩa trủng Hòa Vang đón hàng chục đoàn khách đến tham quan. Nhiều trường học trên địa bàn phường cũng tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình ngoại khóa.

Khi đến đây, các em học sinh sẽ được đại diện Hội Người cao tuổi phường Khuê Trung hỗ trợ cung cấp thông tin lịch sử về khu di tích nghĩa trủng.

“Vào các dịp lễ, nhất là vào ngày 27-7, 16-3 âm lịch, ngày Quốc khánh 2-9 và trước Tết Nguyên đán, học sinh Trường THCS Trần Quý Cáp đóng ngay trên địa bàn phường thường được các thầy cô dẫn đến vệ sinh khu công viên di tích và thắp hương ở các hàng mộ. Qua đó, giáo dục các cháu về công đức và sự hy sinh của các nghĩa sĩ”, ông Thiện cho biết thêm.  

Trong khi đó, khu nghĩa trủng Phước Ninh nằm giữa trung tâm thành phố rất thuận lợi cho học sinh các trường trên địa bàn phường Nam Dương nói riêng và quận Hải Châu nói chung, đến dâng hương và tìm hiểu về khu di tích.

Cô Bùi Thị Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Lan chia sẻ: “Do trường nằm sát bên cạnh khu di tích nên rất thuận lợi để tổ chức các buổi học ngoại khóa cho các con. Chẳng hạn nhân dịp Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3, các cô thường dẫn khoảng 300 bé lứa 4-5 tuổi qua tham quan, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên di tích.

Các buổi học ngoại khóa cũng phù hợp với chủ đề “quê hương, đất nước và Bác Hồ” của nhà trường nhằm khơi dậy cho các bé lòng yêu nước và biết ơn các nghĩa sĩ đã xả thân vì quê hương, đất nước”.

Đoàn Hạo Lương

;
.
.
.
.
.
.