Từ nhu cầu thực tiễn, Trường mầm non-tiểu học-THCS Đức Trí tổ chức sáng chế đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học bằng các vật liệu đã qua sử dụng, góp phần khơi nguồn sáng tạo và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh.
Các bé Trường mầm non-tiểu học-THCS Đức Trí chơi các loại nhạc cụ được làm từ áo mưa cũ. |
Tận mắt chứng kiến các bé vui chơi với những con thú làm bằng áo mưa cũ mới thấy hết ý nghĩa của việc các cô giáo sáng tạo đồ dùng đồ chơi bằng vật liệu bỏ đi. Trong ánh mắt thích thú và tò mò khi nâng niu những con vật ngộ nghĩnh làm bằng áo mưa ni-lông cũ, em Nguyễn Ngọc Thảo Vy, lớp Lá 1, thổ lộ:
“Con rất thích các loại đồ chơi này vì chúng rất đẹp, có nhiều màu sắc”. Còn em Phan Nhật Xuân Quỳnh, lớp Lá 3, thì nô đùa cùng bạn trên xích đu bằng lốp cao su cười tươi cho biết: “Xích đu này rất êm, con không sợ va vào khi bị ngã, cũng không bị đau khi ngồi”.
Những sản phẩm này có được là nhờ nhà trường triển khai ứng dụng rộng rãi hai đề tài “Bộ đồ dùng, đồ chơi làm từ áo mưa tiện lợi đã qua sử dụng” và “Bộ đồ dùng, đồ chơi làm từ các loại lốp xe, ruột xe đã qua sử dụng để phục vụ các hoạt động phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” do cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường mầm non-tiểu học-THCS Đức Trí làm chủ nhiệm đề tài.
Nói về mục đích của việc sáng chế đồ dùng đồ chơi này, cô Nga cho biết, cả hai giải pháp này xuất phát từ việc cần đồ dùng, đồ chơi trực quan cho trẻ mầm non khi dạy học, giữa lúc đồ chơi bán ở ngoài thị trường khá đắt tiền, mẫu mã nghèo nàn.
Trong những năm qua, việc sử dụng các loại áo mưa, nhất là áo mưa tiện dụng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, chất liệu nilon rất khó phân hủy khi thải ra môi trường, phải mất hàng trăm năm mới bị phân hủy. Với tính chất bền, dai, dễ kéo giãn, nhà trường biến chất liệu ni-lông từ áo mưa cũ thành một loại nguyên liệu chính làm bộ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em và học sinh.
Từ nguồn vật liệu áo mưa có được trong công tác vận động phụ huynh và giáo viên, nhà trường đã nghiên cứu, sưu tầm mẫu mã và làm ra hơn 14 bộ đồ dùng, đồ chơi đa dạng phong phú để tổ chức các hoạt động theo chủ đề của chương trình giáo dục mầm non, phục vụ các bé ở nhiều độ tuổi khác nhau; qua đó, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong trẻ em, học sinh, giáo viên và cộng đồng.
Chia sẻ về tiện ích của các loại đồ dùng, đồ chơi trong việc dạy học, cô Cái Thị Thưởng, giáo viên lớp Nhỡ, cho biết các loại đồ chơi được phân theo chức năng sử dụng khác nhau nên có tính ứng dụng rất cao trong dạy học theo các chủ đề khác nhau. Chẳng hạn, trong môn Văn, cô sẽ sử dụng những con rối đủ màu sắc để làm nhân vật cho các câu chuyện cổ tích nên trẻ rất thích và rất dễ tiếp thu bài.
Còn đối với môn Toán thì sử dụng các con vật để học đếm. Trong khi đó, các loại đồ chơi dùng trong gia đình có họa tiết đẹp mắt giúp bé tập làm nội trợ, qua đó phát triển trí tưởng tượng và khả năng giao tiếp trong trò chơi phân vai, tập trang trí nhà cửa, bày bàn tiệc giúp giáo dục trẻ kỹ năng sống.
Các mô hình phương tiện giao thông giúp trẻ quan sát đặc điểm từng loại xe và có thể nêu lên nhận xét về sự khác biệt của chúng, từ đó củng cố kiến thức và hình thành cho trẻ ý thức về an toàn giao thông.
“So với các đồ chơi mua ở bên ngoài, đồ chơi làm từ áo mưa, lốp xe, ruột xe có nhiều mẫu mã, chủng loại, nên được giáo viên sử dụng nhiều hơn trong dạy học. Trong quá trình học, các cô cũng giải thích cho các bé biết các đồ chơi được làm từ vật liệu gì; từ đó, giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường, bằng cách tiếp cận nhẹ nhàng, không khô cứng, mà lại rất hiệu quả”, cô Thưởng khẳng định.
Các bé Trường mầm non-tiểu học-THCS Đức Trí chơi trò chơi chui qua ống được làm từ lốp xe cũ. Ảnh: Đ.H.L |
Với những ưu việt của đồ chơi làm từ vật liệu tái chế, năm 2015, giải pháp “Bộ đồ dùng, đồ chơi làm từ áo mưa tiện lợi đã qua sử dụng” của Trường mầm non-tiểu học-THCS Đức Trí đã đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố lần thứ 13 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng tổ chức, đoạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Năm 2017, giải pháp “Bộ đồ dùng, đồ chơi làm từ các loại lốp xe, ruột xe đã qua sử dụng để phục vụ các hoạt động phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” của nhà trường đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố lần thứ 14.
Theo cô Lê Thị Nga, tuy sử dụng vật liệu tái chế nhưng đồ dùng, đồ chơi làm từ áo mưa, lốp xe, ruột xe đều bảo đảm các tiêu chí về tính khoa học, tính sư phạm, tính sáng tạo, tính thực tiễn. “Hằng năm, nhà trường phải bỏ kinh phí hàng trăm triệu đồng để mua đồ chơi phục vụ cho công tác dạy học nên rất tốn kém.
Do đó, việc sử dụng vật liệu tái chế làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em, học sinh đã tiết kiệm một phần chi phí không nhỏ cho nhà trường, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Nhờ chất liệu mới lạ, mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú, không giống với các đồ chơi được sản xuất đại trà trên thị trường nên trẻ rất thích.
Các loại đồ dùng, đồ chơi này có độ bền và tính an toàn cao, được nhiều phụ huynh ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ nhà trường trong quá trình thu thập, tìm kiếm vật liệu”, cô Nga chia sẻ thêm.
Đoàn Hạo Lương