Ngân vang cùng Đà Nẵng

.

Đà Nẵng và tình yêu, hai chủ đề chính được các nhạc sĩ quan tâm nhất trong 2 tuần tham dự Trại sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng (từ ngày 16 đến 30-7-2018) với các ca khúc như Mặt trời pháo hoa (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân), Sông Hàn yêu thương (phỏng thơ Thái Thăng Long, nhạc sĩ Phú Quang), Chuyện đời tôi (phỏng thơ Lê Ngọc Nam, nhạc sĩ Hoàng Cương), Em gái Hoàng Sa (nhạc sĩ Bùi Bá Quảng), hứa hẹn là những ca khúc hay, sớm đến với công chúng yêu nghệ thuật.

Ca sĩ Quang Hào biểu diễn các ca khúc mới tại buổi bế mạc trại sáng tác. Ảnh: V.T.B
Ca sĩ Quang Hào biểu diễn các ca khúc mới tại buổi bế mạc trại sáng tác. Ảnh: V.T.B

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, người có duyên với mảnh đất bên dòng sông Hàn êm trôi, nhiều năm liền đảm nhiệm vai trò giám khảo lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, đã từng nhiều đêm thăng hoa theo những chùm pháo hoa rực sáng cùng những âm giai trầm bổng của từng đội pháo hoa đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, cảm xúc ấy đã lưu dấu trong anh, để đến hôm nay tuôn trào mãnh liệt và anh cho ra đời khúc hát Mặt trời pháo hoa thật sôi nổi, miêu tả nét đẹp rực rỡ muôn màu, phong phú nhạc điệu của các màn trình diễn pháo hoa.

Tương phản với những âm giai sôi nổi, ngợi ca của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phú Quang, nhạc sĩ bậc thầy của những giai điệu lãng mạn, tham gia trại viết không chỉ có tác phẩm khí nhạc, anh còn dành cho Đà Nẵng một khúc hát về tình yêu qua ca khúc Sông Hàn yêu thương.

Qua giọng hát trầm ấm của ca sĩ Quang Hào khi thể hiện ca khúc, nhạc sĩ Phú Quang dự định sẽ đưa tác phẩm này tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng do thành phố phát động vào thời gian tới.

Góp mặt cùng các trại viên còn có nhạc sĩ, Thiếu tướng Đức Trịnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật quân đội. Với Đà Nẵng anh đã từng có ca khúc Đà Nẵng cất cánh bay lên ngân vang tại các kỳ liên hoan hội diễn nghệ thuật trong và ngoài thành phố.

Ngoài ra anh từng sáng tác nhạc nền pháo hoa cho đội Việt Nam năm 2009. Tham gia trại sáng tác lần này, anh là tác giả duy nhất có thể loại thanh nhạc kinh điển với tác phẩm Acapella viết cho giọng hát không cần nhạc đệm thật xuất sắc.

Giáo sư nhạc sĩ Hoàng Cương, nguyên Giám đốc Nhạc viện T.P Hồ Chí Minh, tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc mẫu mực, đến Đà Nẵng lần này tình cờ bắt gặp bài thơ Chuyện đời tôi của Trung tướng Lê Ngọc Nam- người con của phố cổ Hội An, chỉ trong hai ngày nhạc sĩ đã phổ xong bài thơ và kịp trình làng ca khúc cùng tên qua giọng hát của ca sĩ Lê Vân.

Phó Đức Phương - nhạc sĩ của những khúc hát đầy ma mị và kịch tính cách đây hơn 10 năm cũng từng có ca khúc Ngũ Hành Sơn đậm âm hưởng ca trù kết hợp với dân ca xứ Quảng. Lần này anh đến với trại viết bằng một tác phẩm khí nhạc Concerto 4 chương khá đồ sộ và mang đậm dấu ấn rất riêng của anh.

Hiện diện trong trại sáng tác còn có ba nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, đó là nhạc sĩ Trịnh Mạnh Hùng, đồng thời cũng là nghệ sĩ diễn tấu rất nhiều loại nhạc cụ sáo trúc, ống tiêu rất điêu luyện. Với thế mạnh ấy, anh viết khúc độc tấu sáo trúc cùng phần đệm của dàn nhạc dân tộc khá độc đáo.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Sơn, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 5 cũng gửi gắm cả tâm hồn vào bản hòa tấu đàn tranh đầy réo rắt, giàu nhạc điệu và nhạc sĩ Xuân Minh, chọn đề tài về biển miền Trung với tác phẩm hòa tấu Vũ điệu của biển sử dụng dàn nhạc điện tử khá tinh tế trong tiết tấu khắc họa đậm đà hình tượng biển khơi.

16 tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ tham gia Trại sáng tác như 16 bông hoa góp thêm vào vườn hoa nghệ thuật đậm hương khoe sắc của nước nhà. Hy vọng rằng, sau khi chỉnh sửa, trau chuốt những tác phẩm trên sẽ đến với công chúng trong cả nước.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam dự kiến sẽ công bố một số tác phẩm tiêu biểu trong Trại sáng tác lần này tại Hà Nội trong dịp kỷ niệm ngày Âm nhạc Việt Nam năm nay, trong đó ưu tiên các tác phẩm âm nhạc dân tộc.

Văn Thu Bích

;
.
.
.
.
.
.