Mùa hè 2018 thực sự khó quên vì những đợt nắng nóng kỷ lục và những sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác diễn ra khắp nơi trên thế giới khiến hàng nghìn người chết. Nắng nóng kỷ lục toàn cầu đã được phá bỏ kỷ lục ở Bắc Kinh (Trung Quốc) khi mà nhiệt độ đạt mức 39oC, nóng nhất trong 50 năm qua. Cũng tại Trung Quốc, hơn 5.200 người dân ở khu vực Ningxia Hui phải sơ tán vì mưa lớn làm lở núi hồi gần cuối tháng 7 vừa qua.
Cháy rừng ở Canada. |
Hy Lạp tuần này chứng kiến cháy rừng kinh khủng, làm 80 người chết. Mùa hè vốn khô khốc lại thêm sức gió lên tới 124km/giờ nên phạm vi cháy rừng lan rộng. Công tác cứu hỏa cũng gặp khó khăn vì hướng gió được cho là thay đổi “từng phút một”.
Giáo sư Corinne Le Quéré về biến đổi khí hậu ở Đại học East Anglia (Anh) cho biết: “Mức độ nắng nóng kéo dài đã tăng mạnh do biến đổi khí hậu và đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới”. Ngay cả nước Anh có mùa hè ẩm ướt mà lực lượng cứu hỏa cũng hết sức bận rộn vì các vụ hỏa hoạn liên miên.
Các nhà khoa học xác nhận hành tinh đã ấm lên khoảng 1oC kể từ thời tiền công nghiệp; đồng thời nhận định hiện tượng nắng nóng kéo dài sẽ diễn ra thường xuyên hơn và mãnh liệt hơn nữa. Nữ TS. Marie Ekström chuyên nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu tại Đại học Cardiff cho rằng thời tiết châu Âu có dấu hiệu thay đổi trên bề mặt vì dòng hải lưu ở Trung Âu và Đại Tây Dương gặp trở ngại về dòng chảy.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thì xác nhận đây là năm có hiện tượng La Nina nóng nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, sự thiếu chuẩn bị ứng phó nắng nóng của các quốc gia cũng khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Hiệu ứng domino sau những đợt nắng nóng là rất kinh khủng, như hạn hán, hư hại hạ tầng và đất nông nghiệp. Những nguy cơ đáng sợ hơn là siêu bão, lốc xoáy, lở đất và lũ lụt. Lũ lụt và lở đất ở Nhật Bản đã làm chết 222 người từ cuối tháng 6 tới giữa tháng 7 vừa qua.
Nhật Bản dính tiếp đợt nắng nóng nghiêm trọng ngay sau đó làm 30 người chết và cản trở nỗ lực cứu trợ và khắc phục hậu quả lũ lụt, lở đất trước đó. Ấn Độ chịu lũ lụt ở 12 tiểu bang, làm chết hàng nghìn người, hư hại hơn 55.000 căn nhà và tàn phá hơn 81 nghìn ha đất nông nghiệp. Mưa lớn ở miền nam Trung Quốc cũng dẫn tới lũ lụt nghiêm trọng làm hàng chục người chết và hàng triệu người phải di tản.
Giáo sư Corinne Le Quéré kết luận rằng thời tiết khắc nghiệt mùa hè này cho thấy việc theo dõi diễn biến biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Hạn chế biến đổi khí hậu xuống dưới 2oC sẽ giảm đáng kể tình trạng nắng nóng. Tuy nhiên, “ước mơ” đó là quá khó bởi thế giới thiếu đi sự đồng lòng.
A.T (Theo Eco-Business)