Tiết lộ mới về công tác sưu tầm hiện vật thời kháng Pháp: Khí phách anh dũng, kiên trung của quân và dân Đà Nẵng

.

Bảo tàng Đà Nẵng hiện lưu giữ những hiện vật và tài liệu quý liên quan đến cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược (1-9-1858 – 1-9-2018) của quân và dân Đà Nẵng, góp phần khẳng định ý nghĩa đặc biệt về sự kiện này. Công tác sưu tầm hiện vật đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và làm phong phú hơn không gian trưng bày tại bảo tàng.

Khách tham quan, tìm hiểu về những khẩu súng thần công tại không gian trưng bày “Lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Đà Nẵng”.  Ảnh: N.H
Khách tham quan, tìm hiểu về những khẩu súng thần công tại không gian trưng bày “Lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Đà Nẵng”. Ảnh: N.H

Tại không gian trưng bày chuyên đề “Lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Đà Nẵng” có riêng khu vực giới thiệu những tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đấu tranh của quân và dân Đà Nẵng trong những năm đầu chống Pháp (1858 – 1860).

Ở đây, khách tham quan có thể hình dung tổng quát về giai đoạn lịch sử này thông qua sa bàn diễn biến các trận đánh của nhân dân Đà Nẵng trong buổi đầu chống Pháp, các tư liệu, hình ảnh được sưu tầm, trong đó có tấm bản đồ chiến sự tại Đà Nẵng năm 1858, bản đồ bờ biển miền Trung từ Huế - Đà Nẵng - Hội An do trung tá hải quân Pháp vẽ năm 1787, vịnh Tourane trên hành trình của tàu Catinat - Anh năm 1857; những hiện vật phục chế như mô hình thuyền chiến của quân đội triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, vũ khí của quân lính nhà Nguyễn.

Đặc biệt, hiện vật gốc như đạn, súng thần công, sắc phong, sắc chỉ… được lưu giữ tại bảo tàng là minh chứng rõ ràng nhất về sự quan tâm của nhà Nguyễn đối với vị trí chiến lược Đà Nẵng.

Các cán bộ sưu tầm hiện vật của bảo tàng cho biết, một số hiện vật được dày công sưu tầm, một số được người dân hiến tặng hoặc được tìm thấy sau nhiều năm ẩn sâu trong lòng đất. Cụ thể, các hiện vật gốc như: súng thần công được tìm thấy trong quá trình tu bổ, khai quật thành Điện Hải và vùng phụ cận vào các năm 1975, 1991, 1993, 2005, 2007, 2008.

Bức sắc phong “Thự thủ thành Điện Hải” do ông Bùi Văn Quang, hội viên CLB UNESCO tại Nam Định chuyên sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Việt Nam hiến tặng. Sắc chỉ của vua Tự Đức cử ông Mai Văn Văn làm Dịch thừa trạm Nam Ô hay chiếu lệ khen thưởng của vua ban cho ông Mai Văn Cựu được ông Mai Phước Ngọc (quận Sơn Trà) là người trong họ cất giữ và trao tặng cho bảo tàng vào năm 2001…

Một số tài liệu được tiếp cận từ các nguồn tư liệu lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, ngoài các hiện vật trưng bày tại bảo tàng, liên quan đến cuộc đấu tranh của quân và dân Đà Nẵng trong những năm đầu chống Pháp (1858 - 1860) phải kể đến hệ thống các di tích như: thành Điện Hải, nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha, nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh…

“Chúng ta không thể so sánh hiện vật nào giá trị hơn, mỗi hiện vật đều có câu chuyện thú vị của riêng nó. Nhưng thú thật, hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược 1858-1860 hiện nay vẫn chưa nói lên hết ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng của triều Nguyễn, khí phách anh dũng, kiên trung của quân và dân Đà Nẵng”, ông Thiện tâm sự.

Để bổ sung hiện vật cho bảo tàng cũng như phục vụ giai đoạn 2 dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”, thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục sưu tầm hiện vật liên quan đến thành Điện Hải nói riêng và cuộc chiến 1858 – 1860 nói chung tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp, Kho tư liệu của Bộ Quốc phòng Pháp, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Cung điện Hoàng gia Pháp, Bảo tàng Quân đội Pháp…

Các hiện vật, tài liệu dự kiến tìm hiểu, sưu tầm bao gồm: sơ đồ về thành Điện Hải, khảo tả về hệ thống phòng thủ của triều đình nhà Nguyễn xây dựng tại Đà Nẵng, đặc biệt là thành An Hải và Điện Hải; hồi ký của các viên sĩ quan người Pháp tham chiến trong giai đoạn này viết về cuộc chiến; một số tạp chí bằng tiếng Pháp đưa tin về chiến trường Đà Nẵng; những khẩu súng lệnh (súng chỉ huy) do người Pháp lấy trực tiếp từ trong thành Điện Hải, quân trang, quân dụng của quân lính triều Nguyễn được người Pháp mang về…

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện tiết lộ thêm, hội thảo quốc gia “Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858-1860, quá khứ và hiện tại” được tổ chức trong dịp này công bố rất nhiều thông tin khoa học cũng như những tài liệu mới lần đầu tiên được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cung cấp.

Hội thảo cũng lần đầu tiên khẳng định vai trò của nhà Nguyễn, tài chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương, sự đồng lòng của cả nước hướng về cuộc chiến, sát cánh cùng quân và dân Đà Nẵng; đồng thời chứng minh rằng trong 87 năm Pháp đánh chiếm Việt Nam thì Pháp thua trận duy nhất tại Đà Nẵng, cũng như 27 năm triều đình nhà Nguyễn chống Pháp cũng chỉ thắng một trận duy nhất tại Đà Nẵng. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, không phát hiện ra một tư liệu nào nói về việc quân lính của ta đầu hàng quân Pháp; đó là chi tiết có giá trị lớn lao, thể hiện khí phách của người dân đất Quảng.

Độc đáo hiện vật, tư liệu tại Bảo tàng Đà Nẵng

Không đẹp, không tinh xảo như súng thần công ở nhiều nơi khác nhưng súng thần công ở thành Điện Hải là những khẩu súng chiến, những khẩu súng trực tiếp tham gia đánh Pháp. Chính điều này đã làm nên điều đặc biệt cho những khẩu súng thần công nơi đây. (Nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Văn Tiếng)

Trên tấm bản đồ chiến sự tại Đà Nẵng 1858, chúng ta có thể nhìn thấy rõ lúc bấy giờ ở Đà Nẵng có dày đặc các công trình quân sự như: phòng tuyến, thành, đài, đồn, bảo… Tất cả điều này nói lên sự quan tâm của nhà Nguyễn đối với Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Không phải ngẫu nhiên Đà Nẵng lại được triều đình quan tâm đặc biệt như vậy trong việc phòng thủ, bởi Đà Nẵng có vị thế địa lý chính trị hết sức quan trọng. Đó cũng là lý do vì sao người Pháp lại chọn Đà Nẵng làm mục tiêu đầu tiên trong cuộc viễn chinh xâm lược của mình mà không phải là nơi khác. (Nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Trung Tú)

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.