Quảng Nam tự hào là một trong 4 tỉnh đầu tiên giành chính quyền

.

Mặc dù là một Đảng bộ còn non trẻ, số lượng đảng viên ít, nhưng với sự nhạy bén, linh hoạt, Đảng bộ Quảng Nam đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong mùa Thu cách mạng năm 1945. Với thắng lợi lịch sử này, Quảng Nam tự hào là một trong 4 tỉnh đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc...

Bia di tích nơi Tỉnh ủy Quảng Nam tiến hành hội nghị bàn kế hoạch hoạt động nhằm thúc đẩy cao trào chuẩn bị khởi nghĩa (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: L.N.Đ
Bia di tích nơi Tỉnh ủy Quảng Nam tiến hành hội nghị bàn kế hoạch hoạt động nhằm thúc đẩy cao trào chuẩn bị khởi nghĩa (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: L.N.Đ

Những ngày sôi động

Trước tình hình phát triển nhanh của phong trào cách mạng, cuối tháng 4-1945, Cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam chuyển từ Tam Kỳ ra Bà Rén, huyện Quế Sơn. Tại đây, Tỉnh ủy Quảng Nam đã nhận được một số tài liệu của Trung ương đưa vào, quan trọng nhất là bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12-3-1945.

Tháng 5-1945, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tại bến đò Ông Đốc (Đại Lộc), kịp thời đưa ra những biện pháp thích hợp đối với âm mưu của phái Tân lập hiến để tập trung lực lượng hướng vào mục tiêu khởi nghĩa giành chính quyền. 

Được đường lối của Trung ương soi sáng, phong trào cách mạng của địa phương phát triển nhanh hơn một bước, chủ động hơn trong việc chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa khi có thời cơ. Cũng tại hội nghị, Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh được kiện toàn, lấy mật danh là Việt Minh Vụ Quang, củng cố hệ thống tổ chức Việt Minh từ xã, tổng lên phủ, huyện; đẩy mạnh xây dựng khu căn cứ cách mạng ở Duy Xuyên - Quế Sơn - Giằng; tổ chức đón tiếp, bố trí công tác cho các tù chính trị từ các nhà lao đế quốc trở về.

Các đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930 tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (28-3-1930 – 28-3-1980). (Ảnh tư liệu)
Các đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930 tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (28-3-1930 – 28-3-1980). (Ảnh tư liệu)

Để nhanh chóng phát triển lực lượng và các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa, tháng 6-1945, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng tại Thọ Khương (Tam Kỳ), chủ trương đẩy mạnh sử dụng hình thức mít-tinh, tuyên truyền xung phong để thu hút mọi tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh; nhanh chóng phát triển Đội du kích Vũ Hùng thành lực lượng vũ trang nòng cốt của tỉnh, đáp ứng yêu cầu trấn áp của cách mạng; phân công các Tỉnh ủy viên và Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh về phụ trách các phủ, huyện tích cực tham gia vận động quần chúng, chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Công cuộc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Quảng Nam phát triển với nhịp độ khẩn trương hơn bao giờ hết. Hơn 400 tù chính trị từ các nhà lao đế quốc thoát về đã tham gia vào các Ủy ban Mặt trận Việt Minh, các cấp ủy Đảng và hoạt động rất tích cực. Đội du kích Vũ Hùng phát triển lên đến 200 đội viên, ngày đêm tập luyện. Lực lượng tự vệ phát triển nhanh về số lượng, đội tự vệ vũ trang của các huyện được thành lập và tập luyện sôi nổi.

Trong mùa Thu lịch sử

Những ngày đầu tháng 8-1945, bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trước tình thế đó, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Ung Tòng (Ung Bá Tòng), nay thuộc thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành vào ngày 12 và 13-8-1945 bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa.

Cuộc họp đang tiến hành thì chiều ngày 13-8-1945, từ Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vào cấp báo “Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh”. Nhờ quán triệt Chỉ thị Nhật -  Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Trung ương về các khả năng cuộc khởi nghĩa của ta có thể nổ ra giành thắng lợi, ngay trong đêm 13-8, cuộc họp chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (Nguyễn Đình Chiến), nay ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành.

Hội nghị Tỉnh ủy liền chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền; chuyển tất cả các cấp ủy Đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp thành Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh Quảng Nam gồm 17 đồng chí.

Bộ phận thường trực Ủy ban bạo động giành chính quyền gồm 5 đồng chí: Trần Văn Quế, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; đồng thời phân công các đồng chí trong ủy ban bạo động phụ trách các địa phương: đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Thúy, phụ trách tại cơ quan Thường trực tại Bà Rén (Quế Sơn); đồng chí Lê Thanh Hải, phụ trách Tam Kỳ; đồng chí Võ Toàn, phụ trách Hội An; đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, phụ trách Hòa Vang.

Sau đó, các thành viên trong Ủy ban bạo động tỉnh phụ trách địa phương nào về lãnh đạo khởi nghĩa tại địa phương đó. Hội nghị nhanh chóng kết thúc vào chiều ngày 14-8-1945, các đồng chí dự hội nghị tỏa về địa phương triển khai cấp tốc kế hoạch.

Trong khi đó, từ đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa Trung ương ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, Quảng Nam chưa nhận được lệnh, nhưng nhờ sự chủ động, chủ trương khởi nghĩa của Tỉnh ủy Quảng Nam kịp thời và phù hợp với mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương. Một cao trào quần chúng toàn tỉnh sửa soạn khởi nghĩa sôi nổi chưa từng có.

Tất cả các cấp ủy Đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp trong toàn tỉnh đã họp cấp tốc và chuyển thành Ủy ban bạo động. Hầu hết các lò rèn trong tỉnh được trưng dụng ngày đêm rèn sắm vũ khí, tự vệ được tập trung túc trực ngày đêm canh gác cùng với Ủy ban bạo động. Nhân dân được lệnh may sắm băng cờ, chuẩn bị giáo mác sẵn sàng chờ lệnh.

Tối 14-8-1945, cơ quan Thường trực Tỉnh ủy chuyển từ Bà Rén, Quế Sơn ra làng Bích Trâm (nay thuộc xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng. Hàng loạt các chỉ thị hỏa tốc của Thường trực Ủy ban bạo động gửi đi các phủ, huyện hướng dẫn và đôn đốc chuẩn bị hành động. Theo kế hoạch dự kiến của tỉnh, sẽ tiến hành giành chính quyền phủ, huyện trước, sau đó tập trung lực lượng giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An.

Tuy nhiên, tại tỉnh lỵ Hội An, trước tình thế cách mạng có lợi cho ta có thể khởi nghĩa giành chính quyền sớm hơn dự kiến, sáng 17-8-1945, Ủy ban bạo động Hội An họp tại xóm Ngọc Thành, làng Kim Bồng, có đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) và Phan Thị Nễ tham dự. Hội nghị tiếp tục bàn kế hoạch khởi nghĩa và cử đồng chí Nguyễn Văn Ưng lên báo cáo cơ quan Ủy ban bạo động tỉnh tại làng Bích Trâm, xin cho Hội An khởi nghĩa giành chính quyền trong đêm 17-8-1945.

 Nhân dân Quảng Nam xuống đường  đấu tranh năm 1945 (Tranh vẽ).
Nhân dân Quảng Nam xuống đường đấu tranh năm 1945 (Tranh vẽ).

Được sự thống nhất của Thường trực Ban bạo động tỉnh, trong đêm 17 rạng sáng ngày 18-8-1945, cuộc khởi nghĩa tại Hội An diễn ra và nhanh chóng giành thắng lợi. Tin tỉnh lỵ Hội An giành chính quyền thắng lợi khích lệ mạnh mẽ lực lượng khởi nghĩa các phủ, huyện tiến lên.

Tại phủ Tam Kỳ, trong ngày 18-8-1945, theo kế hoạch của Ủy ban bạo động phủ, lực lượng tự vệ vũ trang chiếm đồn Thương Chánh Hiệp Hòa (nay thuộc thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành), tịch thu 4 khẩu súng. Lực lượng quần chúng và tự vệ các xã tập trung vào các địa điểm quy định chuẩn bị cướp đồn Đại Lý  (nay là Trung tâm Văn hóa thành phố Tam Kỳ, số 56 Trần Cao Vân) và giành chính quyền phủ lỵ.

Chiều 18-8, đoàn xe lực lượng vũ trang tỉnh từ Hội An do đồng chí Võ Toàn dẫn đầu đã vào đến Tam Kỳ, phối hợp với lực lượng tự vệ vũ trang của phủ chiếm đồn Đại Lý, bắt tên đồn trưởng gian ác, thu toàn bộ súng đạn, sau đó chuyển lên chiếm phủ lỵ.

Quần chúng các mũi kéo vào tràn ngập phủ đường. Đồng chí Khưu Thúc Cự thay mặt Ủy ban bạo động thu nhận giấy tờ, con dấu do phủ trưởng Trần Kim Lý giao nộp. Tối 18-8-1945, chính quyền ở phủ Tam Kỳ đã về tay nhân dân.

Trong ngày 18-8-1945, các phủ, huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc giành được chính quyền ở phủ, huyện lỵ. Ngày 22-8-1945, tại Hòa Vang, Ban bạo động huyện đột nhập vào huyện đường bắt tên huyện trưởng đầu hàng, giao nộp tài liệu.

Ở thành phố Đà Nẵng, sáng 26-8, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Văn Hiến, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thành phố, lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và cán bộ phụ trách các mục tiêu đã định đồng loạt nổi dậy, tiếng còi tàu rú lên inh ỏi báo hiệu mệnh lệnh khởi nghĩa.

Từng đoàn người đủ mọi tầng lớp: công nhân, nông dân, cán bộ tiến về các công sở, nhà máy, tuyên bố xóa bỏ bộ máy cai trị của chế độ cũ, thành lập Ban điều hành mới của cách mạng. Đồng chí Lê Văn Hiến thay mặt chính quyền cách mạng tuyên bố chính quyền thuộc về tay nhân dân.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng. Cuộc mít-tinh lớn với sự tham gia của hàng nghìn người được tổ chức tại sân vận động Chi Lăng vào sáng 28-8-1945, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc tổng khởi nghĩa ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Như vậy, nhờ quá trình xây dựng lực lượng cách mạng và nhạy bén chớp thời cơ, nên chỉ trong thời gian ngắn, từ 18-8 đến 26-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã hoàn toàn thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam thành công rực rỡ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn. Thắng lợi khởi nghĩa ngày 18-8-1945 của Quảng Nam là một trong những tỉnh khởi nghĩa sớm nhất thắng lợi trọn vẹn góp phần hỗ trợ, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc đi đến thắng lợi.

Lê Năng Đông

;
.
.
.
.
.
.