Không như ở hai đầu đất nước có những dòng sông đỏ nặng phù sa, sông ở miền Trung thì ngược lại, nước trong xanh ngăn ngắt với hàng tre soi bóng ven bờ.
Có lẽ con sông quê trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh không chỉ là sông Trà Bồng (ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, quê của nhà thơ) mà là tất cả những dòng sông ở miền Trung đều xanh biếc với “nước gương trong soi tóc những hàng tre”.
Đi dọc miền Trung từ Quảng Bình, qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi… không thể đếm hết có bao nhiêu con sông quê. Chỉ biết rằng tất cả những dòng sông đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn rồi đổ xuôi về biển, qua bao thác ghềnh, bờ bãi...
Bến sông quê ngoại. Ảnh: Kim Em |
Không biết tự bao giờ, tôi luôn yêu những dòng sông. Có lẽ do tôi được sinh ra và lớn lên, gắn bó với sông nước từ lúc mới chập chững biết đi, theo mẹ ra sông gánh nước.
Con sông Thu cuối dòng chảy qua ngôi làng tuổi thơ của tôi gắn với những buổi trưa trốn ba đi tắm sông, tập bơi qua bãi bồi giữa sông bẻ trộm bắp. Và đã từng nhiều lần ráng nhịn đau không kêu để chuồn chuồn đỏ cắn rốn cho nhanh biết bơi như lời mách của tụi bạn cùng trang lứa.
Rồi không phải nhờ chuồn chuồn mà đứa nào cũng bơi như rái bởi trưa nào cũng tụ tập, lặn ngụp, hò hét vang trời khắp bến sông. Để dù ăn roi mây không biết bao nhiêu lần của ba vì tội trốn ngủ trưa dang nắng, dầm nước, nhưng chưa lần nào tôi thấy hối lỗi bởi với tuổi thơ ngày ấy, tắm sông buổi trưa nắng luôn là niềm vui.
Rồi những gánh nước buổi sáng sớm vội vội, vàng vàng để kịp đi học như còn trĩu nặng trên vai. Những buổi chiều muộn còn lúi húi ngoài bến sông để cắt mớ rau dền cho đàn heo và nhìn thuyền ghe xuôi ngược trên sông, mà ước có ngày mình theo những cánh buồm ấy lang bạt kỳ hồ để biết con sông trước nhà mình dài, rộng đến đâu.
Nhớ bến sông quê ngoại những ngày ngồi ngóng mẹ. Cảm giác chờ đợi để được níu lấy bàn tay gầy gò, đầy vết chai sần của mẹ làm thời gian thêm dài hơn. Và chỉ biết thầm thì với sông, mẹ ơi nhanh về.
Nhớ cái bến khúc khuỷu, gập ghềnh mà đôi vai của đứa bé mới lên mười với gánh nước ngã dúi dụi không biết bao nhiêu lần. Giờ bến sông kia đã nên cồn. Ký ức như đọng lại mỗi lần về thăm quê ngoại.
Tôi lớn dần theo bao mùa lũ về, rồi lũ rút. Dòng sông mùa hè trong vắt, nên thơ bao nhiêu thì dòng chảy mùa lũ hung hãn, dữ dằn bấy nhiêu. Nhưng khi lũ rút, phù sa về bồi đắp cho đất làng thêm màu mỡ, cho những vụ mùa bội thu.
Những ngôi làng nằm dọc theo triền sông Thu dẫu bên bồi, bên lở theo con nước, nhưng màu xanh của những biền dâu, nương bắp vẫn đọng mãi trong ký ức những người tha hương.
Nhớ bến sông trước nhà với những hàng dương liễu xanh mướt chạy dọc theo triền sông và rì rào ngân những khúc hát của gió. Những đêm trăng ngồi bên bến nhìn những vòng nước lấp lánh ánh trăng và nghe tiếng đàn ghi ta dìu dặt những khúc tình ca. Nhớ hồi học xong phổ thông trung học, để có tiền trang trải cho việc học, tôi theo chị lên đầu nguồn sông Thu làm củi rồi đi buôn chuối, chở gỗ thuê cho các lâm trường.
Những đêm trăng thả bè về xuôi, tôi ngồi ngắm trăng trôi trên sông mà mơ về một tương lai không nhọc nhằn cơm áo như thuở thiếu thời. Giấc mơ ấy bám theo tôi trong suốt chặng đường đi qua và đến giờ vẫn còn mơ.
Những đêm trăng thả bè trên sông ấy như mới hôm qua, hôm kia. Và ước một ngày nào đó thảnh thơi, tôi lại thả trôi giấc mơ của mình theo những vòng sóng đẫm ánh trăng đêm dọc sông Thu Bồn từ Hòn Kẽm-Đá Dừng xuôi về Cửa Đại.
Có ai đi xa mà không nhớ quê, không nhớ những bến sông quê một thời thơ ấu. Cái bến sông thuở nhỏ tập bơi, tập lặn và theo lũ con trai lội qua cồn bẻ bắp trộm đem về bị ba bắt đánh đòn mà không dám khóc.
Cái bến sông thuở mới lớn bồi hồi trong đêm trăng sáng với tiếng ghi-ta bập bùng trong bản tình ca hát nửa chừng mà không có đoạn kết. Dù “sông sâu bên lở bên bồi…” nhưng bến sông quê ấy vẫn luôn níu hồn ai.
Kim Em