Thắp sáng ước mơ

.

6 năm qua, Mái ấm Nữ sinh viên Lighthouse và Mái ấm Nam sinh viên Hal’s Home (thuộc Trung tâm Từ thiện của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em (TT&BVQTE) Đà Nẵng) lần lượt chào đón rồi chia tay rất nhiều lượt sinh viên.

Hai mái ấm như là ngôi nhà thứ hai của những sinh viên mồ côi, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Và hơn hết, với sự nuôi dạy tận tâm của những bảo mẫu, sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của Tổ chức Giving It Back To Kid (Trả lại tuổi thơ) – Hoa Kỳ, khu vực Đông Nam Á, Hội TT&BVQTE thành phố Đà Nẵng góp phần thắp sáng ước mơ trong mỗi sinh viên đã và đang được nuôi dưỡng tại đây.

Các sinh viên tại Mái ấm Nam sinh viên Hal’s Home phụ bảo mẫu Nguyễn Thị Minh chuẩn bị bữa trưa cho cả mái ấm. Ảnh: K.Q
Các sinh viên tại Mái ấm Nam sinh viên Hal’s Home phụ bảo mẫu Nguyễn Thị Minh chuẩn bị bữa trưa cho cả mái ấm. Ảnh: K.Q

Vào ở tại Mái ấm Nữ sinh viên từ tháng 9-2015, đến nay, H. (quê Quảng Nam) sinh viên năm 4, chuyên ngành Quốc tế học, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã gắn bó với mái nhà chung này được gần 4 năm nay. Trước đó gia đình em đã bén duyên với Trả lại tuổi thơ từ năm 2011, khi tổ chức này xây nhà và một quầy hàng nhỏ ngay trước nhà để mẹ của H. bán tạp hóa.

Nhớ lại những ngày tháng trước khi vào mái ấm, H. nghẹn ngào kể lại: “Nhà em có 4 chị em, em là con cả. Năm 2008, mẹ vừa sinh bé út được 11 tháng thì bị bố đánh đập, thêm phần thương tích của những trận đòn trước đó nên mẹ của em bị bại liệt. Rồi bố có người mới, ly dị mẹ. 5 mẹ con được bà ngoại cho mảnh đất gần nhà bà rồi dựng nhà bằng những tấm phên, tấm tôn sống tạm qua ngày. Thời gian đó, cả nhà sống dựa vào những tờ vé số mẹ bán được, sống nhờ vào hàng xóm”.

Mặc cảm trước hoàn cảnh gia đình, lại phải chứng kiến liên tiếp những lần bố bạo hành mẹ nên lúc ở quê, H. khá rụt rè, chỉ đi học rồi về nhà vì em ngại tiếp xúc với bạn bè, với mọi người xung quanh và “Em dần có ác cảm với đàn ông”, H. bộc bạch.

Cuộc sống của em bước sang một trang mới, tươi sáng hơn khi vào mái ấm. Tình yêu thương tựa một người cha dành cho cô con gái bé bỏng của mình ở ông Robert Kalatschan, người sáng lập và cũng là chủ tịch của Trả lại tuổi thơ đã xóa đi những ác cảm với đàn ông trong em.

Con đường đến trường của H. tưởng chừng đã dừng lại cách đây 7 năm, nhưng giờ, mọi khó khăn chỉ còn là quá khứ, H. đã là một cô sinh viên. H. chia sẻ: “Em cảm thấy như một phép màu. Lúc trước, nhìn mẹ cực khổ, em không nghĩ sẽ được học lên đại học và cũng không dám nghĩ về ước mơ. Đến khi được nhận vào mái ấm thì em có ước mong sẽ được làm ở tổ chức đã giúp đỡ mình để có thể quay lại giúp những người khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Chính vì vậy em đã thi vào chuyên ngành Quốc tế học”.

Còn với K., sinh viên năm 2, ngành Quản trị du lịch, Trường ĐH Duy Tân, hiện đang sinh sống tại Mái ấm Nam sinh thì: “Em cảm thấy cuộc sống ở mái ấm thoải mái, tụi em được hỗ trợ đầy đủ từ ăn uống, học hành đến y tế, được bồi dưỡng các kỹ năng mềm, trau dồi kiến thức về công việc thông qua các lớp học về khả năng lãnh đạo, kiểm soát cảm xúc.

Mọi người ở mái ấm rất vui vẻ và hòa đồng. Với em, được sinh sống và học tập ở đây là một điều may mắn. Nhờ đó mà em được phát triển bản thân về mọi mặt, được chăm sóc bởi các cô, các chú, các anh chị”.

Mỗi năm trôi qua, hai mái ấm lại cứ thế chia tay những em đã tốt nghiệp, chào đón những em sinh viên năm nhất. Và đa phần những sinh viên ở đây đều kiếm được cho mình một công việc mưu sinh sau khi tốt nghiệp, điển hình như em Phạm Thị Ngọc (cựu sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng) giờ đã là một cô giáo dạy kỹ năng sống tại Trả lại tuổi thơ.

Ngọc nhớ lại: “Em vào mái ấm từ lúc học năm 2 đại học. Trước đó, em ở trọ cùng một vài người bạn, cuộc sống khó khăn đủ điều, phải tự lo tất cả. Đến khi được vào ở tại mái ấm thì em không phải lo gì cả, yên tâm học hành”.

Ở dưới mái nhà chung ấy, không có bố mẹ bên cạnh nhưng bù lại, các em có những người mẹ dẫu không sinh ra nhưng lại nuôi dạy, chăm sóc và yêu thương các em vô bờ, ấy là những bảo mẫu. Cô T. (sinh năm 1961, quê Quảng Nam) làm bảo mẫu ở Mái ấm Nữ sinh viên được gần 1 năm nay.

Cô cho hay: “Công việc hằng ngày của tôi là quản lý, nhắc nhở các sinh viên nữ, chi tiền cho các em đi chợ, mua sắm những vật dụng cần thiết. Thường thì các em sẽ tự đến trường nhưng khi cần thì tôi sẽ chở đi. Đặc biệt, ngày nhập học là bảo mẫu phải chở đi để đóng các khoản phí cho các em”. Những khi đi học, đi làm thêm, các bạn sinh viên sẽ ghi lên bảng giờ đi, giờ về để cô T. dễ quản lý. Nếu quá thời gian mà sinh viên vẫn chưa về thì cô sẽ gọi điện.

Còn với các sinh viên nam thì do lười ghi bảng nên cứ đi đâu lại xuống thưa với cô bảo mẫu Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1964, quê Quảng Nam). “Nhiều lúc đang ngủ trưa, hết đứa thưa đi học lại tới đứa thưa đi làm thêm nên lâu dần cô quen mắt, trưa chỉ nằm nghỉ một chút chứ không ngủ được”, cô Minh chia sẻ. Gắn bó với mái ấm từ những ngày đầu thành lập, kỷ niệm của cô với những sinh viên ở đây nhiều không đếm xuể.

Nhưng hơn hết, cô càng ngày càng thêm yêu cái nghề của mình và thương những sinh viên ở đây dường như con ruột. Cô bảo: “Con của cô hay bảo cô phân biệt, rằng má thương mấy đứa ở mái ấm hơn tụi con. Cô biết, tụi nó nói vậy chỉ vì muốn cô ở nhà, đừng đi làm nữa. Nhưng mỗi lần về thăm nhà, cô lại thấy nhớ tụi nhỏ ngoài này. Vậy làm sao mà bỏ công việc cho được”. Với cô Minh, nuôi trẻ thì phải có lòng bao dung, vị tha, phải quan sát, trò chuyện nhiều để hiểu tính cách của mỗi em, để có cách cư xử phù hợp.

Ở những mái ấm ấy, các bạn sinh viên không chỉ được tạo điều kiện để học hành, phát triển bản thân mà nơi ấy còn có những con người luôn cố gắng bù đắp những tổn thương trong các em. Rồi đây, ước mơ của các sinh viên ấy sẽ được thắp sáng và lan tỏa niềm tin, tiếp sức cho những mảnh đời bất hạnh khác.

Khánh Quyên
 

;
.
.
.
.
.
.