Đà Nẵng cuối tuần

Hy hữu ngôi mộ có hai bia

07:51, 18/11/2018 (GMT+7)

Khi ngôi mộ cổ tại một cồn cát ở Hội An bất ngờ được phát hiện, lúc đầu có nhiều điều bàn tán, rồi sau đó các nhà nghiên cứu cũng như cơ quan bảo tồn di sản văn hóa căn cứ vào một số tài liệu thu thập được đã khẳng định đây là mộ của một vị tướng triều Tây Sơn.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai, ngay cả các nhà nghiên cứu bảo tồn di sản, biết một cách tỏ tường về cuộc đời binh nghiệp và quá trình phò nhà Tây Sơn của vị tướng này.

Bia di tích do Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An dựng tạm (ảnh trái) và ngôi mộ hoang phế của Đại đô đốc Nguyễn Đức Lễ. Ảnh: T.M
Bia di tích do Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An dựng tạm (ảnh trái) và ngôi mộ hoang phế của Đại đô đốc Nguyễn Đức Lễ. Ảnh: T.M

Tháng 4-2009, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam quyết định di dời mồ mả tại trảng cát cồn Ông Đô, khối An Bang, phường Thanh Hà để lấy mặt bằng xây dựng cụm công nghiệp, dịch vụ và chuyển các cơ sở sản xuất ở trung tâm thành phố về đây hoạt động nhằm giảm thiểu sự tác động làm ảnh hưởng phố cổ.

Trong lúc di dời, con cháu tộc Nguyễn Đức phường Thanh Hà phát hiện một ngôi mộ bị cát trắng vùi lấp hoàn toàn, chỉ lòi ra phần trên của tấm bia đá. Một số người của tộc Nguyễn Đức nhờ người giỏi chữ Hán đọc văn bia thì mới biết đây là mộ của một “ông lớn” thuở xưa.

Theo mô tả của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, ngôi mộ bị thời gian tàn phá hư hỏng rất nặng nề, có hai tấm bia được dựng chồng lên nhau rồi tô vôi vữa làm áo bia nên nhìn vào khó phát hiện bên trong còn một tấm bia khác.

Tấm bia bên ngoài bằng đá cẩm thạch, khắc chữ Hán, hàng trên cùng có hai chữ “Đại Nam”, hàng bên phải có các chữ “Tuế thứ Mậu Ngọ niên mạnh thu nguyệt cốc đán”. Dòng chính giữa “Hiển tổ thụy hoằng cương trực lượng Nguyễn bá phủ chi mộ”. Hàng bên trái “Đích tôn Đức Hóa, thứ tôn Đức Thường phụng lập”.

Bên trong tấm bia đá cẩm thạch có một tấm bia khác bằng sa thạch màu xám, bị sứt mẻ phần trên, nứt thành 4 mảnh nhưng vẫn nguyên khuôn mẫu, chữ Hán khắc sâu, rõ nét nên ai biết chữ Hán thì đọc rất dễ dàng. Hàng bên phải ghi “Tuế thứ Mậu Ngọ mạnh thu nguyệt cốc đán”. 

Hàng ở giữa “Ngự đạo Thị lân vệ Đại đô đốc tặng phong đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Phó Thống lãnh Nguyễn Quý Công mộ”. Hàng bên trái “Hiếu nam Đức Hiên phụng lập”.

Cả hai tấm bia đều được lập năm Mậu Ngọ nhưng không ghi danh người nằm trong nấm mộ là ai. Riêng tấm bia bên trong bằng đá sa thạch thì ghi tên thụy và chức vụ. Những người lập bia chỉ ghi tên lót, tên thật (Đức Hiên, Đức Hóa, Đức Thường) chứ không ghi họ.

Để làm rõ lai lịch người nằm trong nấm mộ cổ này, con cháu tộc Nguyễn Đức và cơ quan chức năng của thành phố Hội An đã đối chiếu 3 bộ gia phả đang được lưu giữ tại nhà thờ Nguyễn Đức ở làng Thanh Hà. Cả 3 bộ gia phả này còn nguyên vẹn, được lập vào các năm Cảnh Thịnh thứ 4, Gia Long thứ 16 và Tự Đức thứ 34.

Qua đó đã phát hiện ông Đức Hiên, tức Nguyễn Đức Hiên, là thân phụ của các ông Đức Hóa và Đức Thường. Ông Đức Hiên là con trai của ông Nguyễn Đức Lễ. Cũng qua tra cứu gia phả, được biết ông Nguyễn Đức Lễ thuộc chi thứ nhất của tộc Nguyễn Đức ở tại đây, là con thứ ba của ông Nguyễn Đức Tường. Cuốn gia phả do ông Nguyễn Đức Thường lập vào năm Gia Long thứ 16 có ghi chức vụ của ông Nguyễn Đức Lễ là “Đại đô đốc, Đại tướng quân”.

Còn theo lời truyền khẩu từ nhiều đời ở làng Thanh Hà thì tộc Nguyễn Đức có người làm tướng to của triều Tây Sơn, đó chính là ông Nguyễn Đức Lễ. Ông qua đời ở Huế, được con cháu đưa về an táng tại quê nhà. Ngày xưa, khuôn viên mộ của ông được xây dựng khá hoành tráng và rộng lớn.

Sau khi Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn và lên ngai vàng vào năm 1802, vì sợ sự trả thù tàn bạo của Gia Long, con cháu tộc Nguyễn Đức đã phá dỡ một phần kiến trúc khuôn viên mộ để lấy vật liệu xây dựng nhà thờ, đồng thời ngụy trang thêm tấm bia mới áp bên ngoài, không ghi tên tuổi, chức tước gì để che mắt sự phát hiện của triều đình nhà Nguyễn.

Căn cứ vào nội dung các văn bia cũng như việc đối chiếu của các nhà nghiên cứu cho thấy chức “Đô đốc” và “Thống lãnh” là các chức quan võ của một số triều đại phong kiến Việt Nam, song dưới thời Tây Sơn được dùng khá phổ biến.

Cũng qua khảo cứu, chức “Đại đô đốc” chỉ thấy dùng trong quân binh Tây Sơn. Binh lính nhà Tây Sơn được tổ chức thành 5 đạo, gồm: Tiền, Hậu, Trung, Tả, Hữu. Ngoài ra còn có một số đạo quân đặc biệt như Tả bật, Hữu bật, Ngũ chế, Càn thanh, Thiên cán, Thiên trường, Hổ đôn, Hổ hầu, Thị lân và Thị loan.

Như vậy, Thị lân là tên gọi đội quân đặc biệt nhà Tây Sơn. Ông Nguyễn Đức Lễ là tướng của đạo quân đặc biệt Thị lân, bởi tấm bia bằng sa thạch đã khẳng định điều đó.

Chắc có lẽ sinh thời làm quan có nhiều công trạng nên khi qua đời, ông được gia phong “Phụ quốc Thượng tướng quân Phó Thống lãnh”. Việc phong chức tước cho những vị quan có công trạng sau khi từ biệt dương trần rất phổ biến ở các triều đại phong kiến.

Từ những căn cứ trên, tháng 7-2009, ngôi mộ Đại đô đốc triều Tây Sơn Nguyễn Đức Lễ được UBND thành phố Hội An bổ sung ngay vào danh mục di tích lịch sử văn hóa. Gần một thập niên trôi qua kể từ ngày được phát hiện, ngôi mộ hai bia này vẫn trong tình trạng hoang phế, mục nát, rêu phong, tàn tạ.

Có chăng thì ai đó chạnh lòng đã chêm thêm, kê lại một số viên gạch vỡ vụn mà thôi. Nhìn ngôi mộ không khỏi chạnh lòng, xót xa, thương cảm cuộc đời của vị tướng Tây Sơn. Ông Nguyễn Văn Nhật, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho biết, ông nghe nói sắp tới thành phố sẽ đầu tư, tu bổ lại ngôi mộ nhưng không rõ thời gian.

Mong sao ngôi mộ này sớm được tôn tạo để giữ gìn lâu dài di tích lịch sử và nét đẹp văn hóa của xứ sở, quê hương!

Thái Mỹ

.