Từ "sự mất tích bí ẩn" của cựu Chủ tịch Interpol

.

Việc ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) mất tích đang là tâm điểm chú ý của thế giới trong tuần qua. Giữa lúc dư luận tò mò về sự mất tích khó hiểu này thì Interpol ra sức gấp rút bầu chọn Chủ tịch mới của tổ chức này.

Ông Mạnh Hoành Vĩ khi còn giữ chức Chủ tịch Interpol. (Ảnh: Scmp.com)
Ông Mạnh Hoành Vĩ khi còn giữ chức Chủ tịch Interpol. (Ảnh: Scmp.com)

Ông Mạnh Hoành Vĩ bị điều tra vì nhận hối lộ

Theo AP, tổ chức Interpol ngày 6-10 đã yêu cầu giới chức Trung Quốc cung cấp thông tin liên quan tới ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Interpol - người mất tích sau khi trở về Trung Quốc hôm 25-9 đến nay. Tổ chức này đặt tại Lyon, Pháp, trong một tuyên bố ngắn cho biết, Interpol “mong đợi một câu trả lời chính thức từ giới chức Trung Quốc nhằm giải quyết những quan ngại về sự an toàn của Chủ tịch”.
Ông Mạnh Hoành Vĩ sinh tháng 11-1953 ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật, Trường Đại học Bắc Kinh, ông Vĩ bắt đầu tham gia công tác năm 1972 và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1975. Từng giữ các chức vụ như Cục trưởng Cục Giao thông, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2004 ông Vĩ trở thành Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Tháng 8 cùng năm, ông kiêm thêm chức vụ Cục trưởng Interpol Trung Quốc.

Năm 2013, ông nhận thêm các chức vụ như Phó Cục trưởng Cục Hải dương, Cục trưởng Cục Hải cảnh trong khi vẫn kiêm nhiệm Cục trưởng Interpol Trung Quốc. Tháng 11-2016, ông Mạnh Hoành Vĩ chính thức trở thành Chủ tịch Interpol quốc tế, trong khi vẫn kiêm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công an và Cục trưởng Interpol Trung Quốc. Đến tháng 4-2018, theo trang web chính thức của Bộ Công an Trung Quốc, ông Vĩ không còn là Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an nước này.

Theo trang thông tin điện tử của Interpol, trước khi trở thành người đứng đầu Interpol vào tháng 11-2016, ông Mạnh Hoành Vĩ có 40 năm kinh nghiệm trong các hoạt động phòng chống tội phạm liên quan đến ma túy, khủng bố...  Ông cũng là người Trung Quốc đầu tiên giữ chức Chủ tịch Interpol và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2020. Đến ngày 8-10, Ban Thư ký của Interpol đã nhận được thư từ chức của Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ “với hiệu lực tức thì”. Kết quả điều tra riêng của Pháp cũng cho biết, ông Mạnh Hoành Vĩ đã lên máy bay và tới Trung Quốc, song điểm đến sau đó của quan chức 65 tuổi này là một ẩn số.

Thời điểm ông Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm Chủ tịch Interpol tại đại hội lần thứ 85 của tổ chức này, đã nổ ra khá nhiều tranh cãi, không phải vì đây là lần đầu tiên một người Trung Quốc trở thành Chủ tịch Interpol quốc tế. Sự thay đổi nhân sự ở Interpol được đánh giá là có lợi cho Trung Quốc, bởi vào thời điểm đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Riêng trong năm 2014, Trung Quốc đã gửi tới Interpol một danh sách truy nã đỏ gồm 100 quan tham bỏ trốn ra nước ngoài.

Điều mà một số nước lo ngại là Trung Quốc sẽ sử dụng Interpol để bắt giữ các quan tham mà bất chấp pháp luật sở tại. Tuy nhiên, việc ông Mạnh Hoành Vĩ trở thành Chủ tịch Interpol đã nâng tầm hệ thống tư pháp của Trung Quốc lên rất nhiều vào thời điểm đó và khiến Bắc Kinh cảm thấy tự hào. Chính vì vậy, nhiều nhà quan sát thấy ngạc nhiên khi một quan chức hàng đầu của Interpol lại có thể mất tích một cách khó hiểu khi về nước.

Theo AFP, Bộ Công an Trung Quốc ngày 8-10 tuyên bố, cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra vì “tội nhận hối lộ và bị nghi ngờ vi phạm luật pháp”. Tuyên bố còn cho hay, bất cứ người nào khác nhận hối lộ đều sẽ bị điều tra. Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Lyon, vợ của ông Mạnh Hoành Vĩ kêu gọi chính phủ các nước can thiệp, cho rằng chồng bà đang gặp nguy hiểm. Bà cho hay tin nhắn trên mạng xã hội cuối cùng mà bà nhận được từ ông Mạnh Hoành Vĩ là vào ngày 25-9, trong đó có duy nhất một biểu tượng mang ý nghĩa “Tôi đang gặp nguy hiểm”.

Ngày 26-10, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Mạnh Hoành Vĩ sẽ bị khai trừ khỏi Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân (CPPCC- Chính Hiệp), cơ quan cố vấn chính trị cấp cao của Trung Quốc, sau khi Ủy ban Giám sát quốc gia thông báo mở cuộc “điều tra về nghi vấn vi phạm pháp luật” đối với quan chức này. Tân Hoa Xã cũng cho biết, quyết định trên được thông qua tại cuộc họp thứ 11 của các Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc CPPCC thứ 13 của Trung Quốc diễn ra cùng ngày. Quyết định này sẽ được đưa ra xác nhận lần cuối tại kỳ họp thứ 4 của Ủy ban thường vụ Ủy ban Toàn quốc CPPCC.

Chọn người Hàn Quốc làm tân Chủ tịch

Theo BBC, cuộc điều tra về ông Vĩ làm dấy lên lo ngại rằng, các tổ chức quốc tế sẽ ngần ngại cử các quan chức Trung Quốc vào các vị trí cao cấp - điều mà Bắc Kinh vận động mạnh trong những năm gần đây. Nhưng ông Tom Rafferty của Economist Intelligence Unit tại Bắc Kinh cho rằng, mặc dù ông tin vụ việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc đề cử người Trung Quốc trong tương lai, nhưng có ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. “Rõ ràng là sẽ có những tin tức xấu xung quanh chuyện này, và không phải là Trung Quốc không để ý đến điều đó. Nhưng lý do mà họ bắt ông Vĩ trong vụ này quan trọng hơn lo ngại của họ về ý kiến của cộng đồng quốc tế”, ông Tom Rafferty nói.

Theo báo chí phương Tây, Phó Chủ tịch Kim Jong Yang- người Hàn Quốc nắm Quyền Chủ tịch Interpol sau khi ông Mạnh Hoành Vĩ từ chức, đã chủ trì cuộc họp của Đại hội đồng Interpol lần thứ 87 tại Dubai (UAE), kéo dài từ ngày 18 đến 21-11, để bầu ra một chủ tịch mới của Interpol sau khi lãnh đạo của cơ quan này bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Trong cuộc họp lần này, các nước thành viên Interpol cũng đưa ra quyết định kết nạp Kosovo trở thành thành viên chính thức. Điều này sẽ giúp Chính phủ Kosovo phát lệnh truy nã đỏ tới các quan chức Serbia mà nước này cho là tội phạm chiến tranh.

Theo kết quả được công bố, ngày 21-11, 190 thành viên của Interpol đã bầu Quyền Chủ tịch người Hàn Quốc Kim Jong Yang giữ chức Chủ tịch tổ chức này với nhiệm kỳ 2 năm. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Kim Jong-yang. Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Harriet Baldwin cũng phát biểu trước Quốc hội rằng, London ủng hộ ông Kim trở thành tân chủ tịch. Trong một động thái khác, hôm 19-11, Tổ chức Theo dõi nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng đã chỉ trích Interpol vì “hờ hững trước vụ cựu chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ mất tích”.

Đoàn Gia Huy

;
.
.
.
.
.
.