2019 - bản lề khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á

.

Khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới vào năm 2020. Các công ty địa phương nắm vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng.  Đông Nam Á hiện đang có 8 “kỳ lân khởi nghiệp” (chỉ những công ty khởi nghiệp độc đáo, khao khát và có thể thay đổi nhận thức của mọi người).

Go-Jek liên kết với tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản Aeron để cùng mở rộng thị trường.
Go-Jek liên kết với tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản Aeron để cùng mở rộng thị trường.

Chẳng hạn như Grab đã thay đổi thói quen sử dụng xe dịch vụ bằng ứng dụng gọi xe thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Thậm chí, Grab còn đi một bước táo bạo hồi đầu năm nay là “thâu tóm” đối thủ Uber để trở thành hãng dịch vụ gọi xe lớn nhất Đông Nam Á.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì khởi nghiệp công nghệ là hướng đi mạnh mẽ giúp khu vực Đông Nam Á bứt phá trong thời gian tới. Điều kiện có vẻ chín muồi khi gia tăng tầng lớp trung lưu trong bối cảnh bùng nổ lĩnh vực công nghệ, Đông Nam Á được cho là nơi hứa hẹn phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp công nghệ trong năm 2019.

Giải quyết sự khác biệt

Có rất nhiều sự khác biệt trong cuộc sống ở Đông Nam Á. Đầu tiên là vấn đề ngôn ngữ, không chỉ là sự khác biệt giữa các quốc gia mà ngay tại Indonesia cũng đã khó khăn. Đất nước với hơn 17.000 hòn đảo này có tới… 700 ngôn ngữ. Kế tiếp là địa lý và phân bố dân cư. Dân số Singapore khoảng 5,6 triệu người “nêm” chặt trong diện tích chỉ hơn 700 km2.  Ngược lại, một nửa dân số Indonesia sống ở nông thôn và đất nước có diện tích gần 1.100.000 km2 nhưng chỉ có 2 thành phố lớn. Sức mua sắm của các nước cũng rất khác nhau dựa trên thu nhập. Dữ liệu từ Ngân hàng thế giới cho biết GDP bình quân đầu người của Singapore gấp 9 lần Indonesia, gấp 44 lần Myanmar. Mức độ phổ biến internet cũng là yếu tố quan trọng trong cuộc sống hiện tại khi mà Singapore tầm 80%, còn Lào chỉ mới 23%.

Các công ty khởi nghiệp đã có những chiến lược tiếp thị và bán hàng, giải quyết được những khác biệt nói trên để sản phẩm hay dịch vụ của họ mở rộng thị trường. Công ty dịch vụ gọi xe công nghệ Go-Jek xây dựng mô hình hoạt động trên những con phố đông đúc bậc nhất thế giới là Jakarta (Indonesia) hay cả vùng nông thôn mà đường chưa thảm nhựa. Go-Jek có kế hoạch mở rộng sang một số quốc gia khác trong khu vực. Công ty du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, Traveloka ở Indonesia giải quyết khó khăn bằng cách hợp tác với hơn 100 hãng hàng không trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường ra ngoài khu vực Đông Nam Á nhờ khoản đầu tư 350 triệu USD từ Expedia (Mỹ) hồi năm ngoái.

“Rùa biển” trở về

“Rùa biển” là tiếng lóng chỉ các công dân Trung Quốc du học sau đó trở về quê nhà lập công ty riêng ở giai đoạn những năm đầu thế kỷ 21. Giờ đây, “rùa biển” Đông Nam Á có dấu hiệu xuất hiện. Có tới 82% số người Singapore ở nước ngoài được khảo sát bởi công ty tuyển dụng Robert Walters cho biết sẽ trở về quê nhà làm ăn khi có cơ hội phù hợp. Hiện tại đã có 6% số người Singapore trở về nước làm ăn. Đây là con số cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển như Úc, Mỹ và Nhật Bản. Các hãng công nghệ lớn như Google hay Alibaba mở rộng cơ sở ở khắp nơi là cơ hội cho các kỹ sư phần mềm, phát triển ứng dụng quay trở về quê nhà làm ăn.

“Rùa biển” đóng vai trò quan trọng trong các nhóm sáng lập khởi nghiệp kỳ lân Grab, Go-Jek… nhưng họ chỉ thực sự phát huy năng lực một khi mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Đổi mới công nghệ

Kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng nhanh nhưng nhiều thói quen cuộc sống vẫn kìm hãm tốc độ phát triển. Đơn cử như chỉ có 27% người dân khu vực có tài khoản ngân hàng, tức là 400 triệu người không có giao dịch ngân hàng. Chính vì thế, các ngân hàng Đông Nam Á không thể cung cấp các khoản vay cho những người không có tài khoản. Những người này buộc phải đi vay nặng lãi khi cần thiết. Số liệu thống kê của Credit Suisse hồi tháng 10-2017 cho biết 1/3 dân số Thái Lan không có điều kiện vay ngân hàng đã phải vay ngoài lên tới 100 tỷ USD.

Các công ty khởi nghiệp công nghệ như Grab, Go-Jek và DHL đưa ra giải pháp cung cấp dịch vụ tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng thông qua các ứng dụng di động. Funding Socations huy động được 25 triệu USD để phát triển công việc cho vay phát triển làm ăn ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Finaxar giúp các doanh nghiệp nhỏ, cung cấp tín dụng thông qua tích hợp với các nền tảng kế toán đám mây. Việc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong các công ty ở Đông Nam Á cũng xử lý được các vấn đề về thu thập dữ liệu tài chính, mở ra lợi nhuận hằng năm lên tới 311 tỷ USD.

Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á đang phát triển ổn định. Quá trình mở rộng thị trường cũng đã giúp các công ty có kỹ năng và kinh nghiệm mở rộng lên mức toàn cầu. Dòng người du học và làm việc ở nước ngoài trở về tiếp sức cho quá trình mở rộng thị trường toàn cầu hiệu quả hơn nhờ những am hiểu của họ trước đây. Như vậy, năm 2019 sẽ là năm để các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á phát triển thành những công ty lớn tầm cỡ toàn cầu và đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

ANH THƯ (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.