Từ bé tôi đã hay theo má đi chợ mỗi chiều, bởi ngôi chợ nhỏ ở làng tôi chỉ họp buổi chiều từ tầm bốn giờ đến sáu giờ là vãn. Nếu như bây giờ mà so, thì ngôi chợ ấy chỉ là một chợ xép, bởi chỉ khoảng hơn chục hàng quán lợp tranh tre xúm xít trên một khoảnh đất rộng, bày bán các thứ hàng cho đời sống hằng ngày của người dân trong làng. Nhưng hồi tôi còn là một đứa bé tám tuổi, thì chợ làng tôi quả là một thế giới mua bán đầy màu sắc mà tôi luôn ao ước được khám phá.
Chợ quê. Ảnh: Nguyễn Đăng Đệ |
Điều thú vị ở chợ làng là kẻ bán cũng lại là người mua. Ngoài mấy gian hàng lợp tranh bán vải vóc, áo quần may sẵn, đồ nhựa, hàng gia vị… của mấy bà, mấy chị lấy từ chợ phố về bán lại, các mặt hàng còn lại ở chợ phần lớn là tự sản tự tiêu.
Dân trong làng bưng rổ rau cắt trong vườn nhà, mấy trái mướp, bầu, bí, chục trứng gà mới hốt trong ổ ra chợ bán rồi mua lại cá, thịt cũng của người quen ở xóm trên, xóm dưới. Kẻ mua, người bán nói cười, thăm hỏi nhau râm ran khắp nơi. Những lao xao mua bán đó kéo dài cho đến lúc mặt trời khuất sau dãy núi, hoàng hôn buông xuống thì tan và những gánh hàng nhẹ tênh theo chân các bà, các chị trở về nhà chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai.
Mỗi lần má đi chợ, tôi hay cắp rổ theo má lân la khắp các gian hàng và thích thú ngắm nhìn. Từ những gánh hàng chất đầy những mớ rau non mởn được bó cẩn thận bằng dây chuối, mớ cá tươi giãy đành đạch trong chậu, miếng thịt tươi roi rói treo trên mắc, đến những tấm vải sặc sỡ đủ màu bày trên sạp tre… tất cả những mặt hàng thiết yếu đều có mặt ở chợ để cung cấp cho dân làng tôi cái ăn, cái mặc hằng ngày.
Đi chợ với má, thú nhất là được ăn quà. Chỉ có mấy gánh hàng rong với đủ các vị ngọt mặn cay chua nhưng luôn là hấp lực với tôi. Nhớ dĩa bánh đúc mỡ màng ăn với mắm cái thêm chút tương ớt tôi đã từng ăn ở chợ làng, hay chén đậu hũ chan nước đường thơm nức mùi gừng, rồi bánh xoài, kẹo ú, kẹo mè … má mua cho rồi dặn ngồi đó chờ má đi mua đồ ăn. Những món ngon dân dã mà tôi đã từng ăn ở chợ làng, bây giờ không còn tìm thấy ở những ngôi chợ sầm uất hay các siêu thị sang trọng ở thành phố, nên luôn gợi cho tôi sự nhớ nhung, tiếc nuối.
Chợ làng trong ký ức của tôi là những sẻ chia ấm áp của bà con trong làng. Có người xóm dưới hái mớ rau tươi, đem nải chuối chín trong vườn ra chợ bán để mua chút cá tươi cho bữa cơm chiều. Nhưng gặp người quen xóm trên đi chợ, vậy níu tay hỏi thăm, chuyện trò một hồi là dúi mấy thứ mà họ đem ra chợ bán vào tay người quen dặn đem về cho mấy đứa nhỏ.
Nhớ nụ cười móm mém của bà cụ Bảy bán trầu cau mà má hay sai tôi chạy ra mua cho má khi thì miếng vỏ chay, lúc mấy hạt cau khô. Mỗi lần thấy tôi lon ton ra chợ mua đồ cho má, bà đều xoa đầu tôi, rồi hỏi đủ thứ chuyện.
Bà biết tôi ham đọc sách, nên có cuốn sách cũ nào bà mua để gói đồ mà còn lành lặn lại xếp vào quang gánh để dành cho tôi. Có bữa còn dành phần cho tôi mấy miếng kẹo đậu phụng hay bánh xoài bà cất sâu dưới mấy lớp báo cũ. Bà Bảy không có con cháu, sống một mình trong một căn nhà nhỏ ở gần chợ, bán trầu cau sống qua ngày nên rất thích con nít.
Tôi vẫn nhớ cảm giác bàn tay chai sần của bà xoa lên tóc tôi mỗi chiều và mấy cuốn truyện tranh “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Tiết Đinh San- Phàn Lê Huê”… mà bà dành tiền gửi mua ở phố về cho tôi. Bà mất trong một chiều mưa sau khi đi bán về bị cảm lạnh. Ngày đưa bà ra đồng, tôi lủi thủi đi theo sau chiếc quan tài gỗ mộc mà những người hàng xóm tốt bụng góp tiền lại đóng cho bà. Từ đó về sau, tôi không còn được nghe bà hỏi chuyện và ăn những thứ ngon bà để dành cho tôi mỗi chiều đông chợ.
Tôi lớn dần lên theo năm tháng, đi học rồi đi làm xa. Chợ làng tôi cũng đã không còn bởi dòng chảy của con sông Thu đã làm xói lở. Mỗi lần về nhà, ra bờ sông ngồi nhìn nước trôi, tôi bỗng nhớ da diết những âm thanh lao xao mỗi chiều của chợ làng. Nhớ màu xanh mướt mát của rau củ, màu đỏ sậm của dĩa bánh đúc, mùi gừng thơm của chén đậu hũ và nhớ gương mặt nhăn nheo vì thời gian và nụ cười hồn hậu của bà cụ Bảy. Chợ làng ơi!
KIM EM